Sau thời gian dài “ngủ đông” do dịch COVID-19, Quảng Bình đang xây dựng lộ trình từng bước khôi phục và phát triển ngành du lịch. Dự kiến năm 2022, tỉnh sẽ thu hút khoảng 2 triệu lượt khách.
>>Chuyển đổi số ngành du lịch: Bàn đạp vượt qua đại dịch
Tự tin trở lại đường đua
Năm 2021, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến ngành du lịch Quảng Bình phải hủy nhiều tour, tuyến, nhiều điểm du lịch nổi tiếng đóng cửa trong thời gian dài, lượng du khách cũng giảm sâu.
Theo thống kê, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình năm 2021 chỉ ước đạt khoảng 569.826 lượt khách, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 11% so với kế hoạch. Trong đó, khách nội địa ước đạt 564.126 lượt khách giảm 69% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 12% so với kế hoạch; khách quốc tế ước đạt 5.700 lượt khách, giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 11% so với kế hoạch năm 2021.
Dù vậy, du lịch Quảng Bình vẫn giữ vững thương hiệu là điểm đến an toàn, hấp dẫn và tiếp tục được truyền thông quốc tế đánh giá cao. Năm 2022, Quảng Bình đặt mục tiêu đón 2 triệu lượt khách đến địa phương, trong đó, số khách nội địa đạt hơn 1,9 triệu lượt và khách quốc tế đạt 10.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch là 2.250 tỷ đồng.
Để thu hút du khách, Quảng Bình đã lên phương án đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, khẳng định thương hiệu du lịch "Quảng Bình - điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn và khác biệt" đến khách du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời, lên kế hoạch thu hút khách bằng các sản phẩm, dịch vụ mới, xúc tiến mở đường bay nội địa từ các trung tâm du lịch lớn trong cả nước, tích hợp để đón khách đến với Quảng Bình.
Xác định tập trung thị trường khách nội địa, đẩy mạnh khách du lịch trong tỉnh, Quảng Bình đã đưa ra Chương trình "Người Quảng Bình đi du lịch Quảng Bình" và "Mỗi người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên/một đại sứ du lịch". Thị trường trọng điểm hướng tới gồm: Hà Nội và khu vực các tỉnh Đông Bắc Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương lân cận từ Thanh Hóa đến Quảng Nam; chú trọng thị trường tiềm năng là Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Thái Nguyên và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
Chinh phục khách quốc tế
Để đưa du lịch trở lại “đường đua”, Quảng Bình đã tung ra nhiều sản phẩm hứa hẹn mang đến “luồng gió mới” như: Thám hiểm rừng sâu hang Ba của Oxalis Adventure; khám phá hệ thống hang Hổ và đu dây mạo hiểm từ hố sụt Kong của Jungle Boss; khám phá Khe Nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời-Bãi Đạn của Netin Travel…
Tour “Chinh phục Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới” của Oxalis Adventure đã được đặt kín chỗ trong năm 2022 cho thị trường du lịch nội địa và mở bán cho năm 2023 thu hút hơn 80% là khách nước ngoài. Ngoài ra, các sản phẩm du lịch mạo hiểm khác cũng đã bắt đầu khởi động trở lại.
Theo ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, trước mắt thị trường quốc tế mà ngành du lịch Quảng Bình nhắm tới là các thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, như các thị trường truyền thống Bắc Mỹ, các nước châu Âu; Mở rộng hợp tác, xúc tiến đón khách từ thị trường khách ASEAN; Châu Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Để thu hút lượng khách này, Quảng Bình tiếp tục xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, mới lạ. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ các các phẩm du lịch mạo hiểm, trải nghiệm thiên nhiên, khám phá hang động; phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.
Mới đây nhất, sự kiện đón đoàn làm phim BBC Landmark Natural History Series đến làm phim quảng bá cho du lịch Quảng Bình được kỳ vọng sẽ là "cú hích" cho du lịch tăng tốc trở lại sau suốt thời gian dài “đóng băng”.
“Tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng, triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và dịch vụ hấp dẫn để thu hút khách; xây dựng văn hóa du lịch Quảng Bình, tạo ấn tượng với khách du lịch về sự thân thiện, an toàn, trung thực. Ngoài ra, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho du khách khi đến với Quảng Bình”, ông Phong cho hay.
Có thể bạn quan tâm