Thời gian tới, Quảng Bình sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, để dành đất, dành cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư thực chất, có năng lực,...
Theo số liệu từ UBND tỉnh Quảng Bình tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp quý I/2025 tổ chức ngày 29/3, trong năm 2024 địa phương đã cấp đăng ký thành lập mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 536 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 6.800 tỷ đồng (giảm 6,4 % về số lượng doanh nghiệp và tương đương về số vốn đăng ký so với cùng kỳ). Đến hết năm 2024, trên địa bàn Quảng Bình có hơn 9.000 doanh nghiệp hoạt động.
Cũng trong năm qua, tại Quảng Bình đã có 34 dự án đầu tư trong nước trên địa bàn được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng. Trong đó có dự án Sân Golf Vĩnh Hưng với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Cam Liên với tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng. Đồng thời, chấp thuận chủ trương đầu tư 12 dự án (có nhà ở, đất ở) với tổng vốn đầu tư hơn 8.415 tỷ đồng, chấp thuận chủ trương đầu tư 1 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 187 tỷ đồng.
Bên cạnh nét khởi sắc, nhiều dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh tiến độ triển khai thực hiện còn chậm, một số dự án chậm tiến độ kéo dài, xử lý khó khăn. Hiện Quảng Bình đang có 129 dự án của nhà đầu tư chậm tiến độ trên tổng số hơn 700 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư. Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) đã tham mưu chấm dứt hoạt động, thu hồi quyết định chủ trương đầu tư 54 dự án (trong đó riêng năm 2024 thu hồi 44 dự án, 3 tháng đầu năm 2025 đã thu hồi thêm 4 dự án) và đang tiếp tục rà soát để thu hồi tất cả các dự án chậm tiến độ kéo dài, không có khả năng thực hiện.
Đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, năm 2024 Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình thu hồi đất đối với 03 dự án và tiếp tục rà soát, chỉ đạo thu hồi đất đối với các dự án chậm tiến độ kéo dài, nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không có khả năng thực hiện. Đồng thời, báo cáo Ban Thường vụ cho chủ trương thu hồi, hiện đang thực hiện các thủ tục để tiếp tục thu hồi đất đối với 12 dự án chậm tiến độ kéo dài, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không có khả năng tiếp tục thực hiện.
Lý giải về tình trạng chậm tiến độ các dự án, UBND tỉnh Quảng Bình dẫn ra một số nguyên nhân như hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều chồng chéo, bất cập, có nhiều điểm chưa rõ ràng, khó khăn khi triển khai thực hiện. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền phải chờ xin ý kiến, hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương dẫn đến thời gian xử lý kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp/nhà đầu tư.
Cùng với đó, hầu hết các dự án không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất, nhà đầu tư phải tự thoả thuận bồi thường, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nên gặp không ít khó khăn trong quá trình thoả thuận đền bù giải phóng mặt bằng, một số dự án thực hiện thủ tục tham vấn cộng đồng trong quá trình thẩm định Báo cáo Đánh giá tác động môi trường gặp nhiều khó khăn do không nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Ngoài ra, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và một số quy hoạch chuyên ngành còn chưa đồng bộ, còn chồng chéo, một số quy hoạch chung của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên nội dung quy hoạch quá chi tiết và không phù hợp thực tiển nên khi triển khai thực hiện gặp vướng mắc. Đặc biệt, một số tồn tại, hạn chế của các dự án bất động sản chưa được khắc phục triệt để, thị trường, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án,...
Một vấn đề nữa là vẫn còn nhiều nhà đầu tư có tư tưởng giữ đất, chờ chuyển nhượng, không tập trung nguồn lực để triển khai dự án hoặc triển khai cầm chừng. Đây chính là các dự án mà thời gian vừa qua Quảng Bình đã tăng cường rà soát, quyết liệt thu hồi và sẽ tiếp tục rà soát để có thể thu hồi dứt điểm trong năm 2025.
Tại Hội nghị, ông Trần Hải Châu - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình cho hay năm 2025 địa phương đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8%. Ông Châu nhấn mạnh, đây là mục tiêu thách thức nhưng cũng là cơ hội để khẳng định vị thế và tiềm năng của tỉnh.
“Để đạt được mục tiêu này, sự đóng góp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư là vô cùng quan trọng”, ông Trần Hải Châu nhấn mạnh.
Vì vậy, ông Châu cho biết trong thời gian tới, tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy kinh tế tư nhân. Vị này cũng cho hay địa phương luôn cầu thị, lắng nghe và mong muốn phát huy tối đa trí tuệ, sức mạnh và tinh thần dám nghĩ dám làm của cộng đồng doanh nghiệp/nhà đầu tư.
“Thành công của các doanh nghiệp/nhà đầu tư chính là thành công của tỉnh”, ông Châu nói thêm.
Theo định hướng, thời gian tới Quảng Bình sẽ chú trọng tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, xem phát triển công nghiệp là trọng điểm và ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hoá, giá trị gia tăng cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao,...
Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới, Quảng Bình sẽ đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật cho người dân và doanh nghiệp, giải quyết kịp thời, đúng quy định, kể cả trong điều kiện thực hiện tinh gọn bộ máy Nhà nước các cấp. UBND Quảng Bình cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rút ngắn tiến độ thẩm định chủ trương/ điều chỉnh chủ trương đầu tư, khảo sát, đánh giá hiện trạng, chuyển mục đích sử dụng rừng; thủ tục giao đất cho thuê đất, cấp phép xây dựng, PCCC…để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, các ngành chức năng sẽ tiếp tục theo dõi, rà soát, xử lý thu hồi đất, thu hồi các dự án chậm tiến độ, không có khả năng thực hiện, để dành đất, dành cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư khác thực chất hơn, có năng lực hơn và quyết tâm hơn.
Theo tìm hiểu, lĩnh vực du lịch tại Quảng Bình trong năm qua được xem là lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực nhất. Tổng số lượt khách du lịch năm 2024 ước đạt 5,2 triệu lượt khách, tăng 15,3% so với năm 2023, đạt 104% so với kế hoạch đề ra và tăng 4% so với năm 2019.
Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác xây dựng các sản phẩm du lịch liên vùng với các địa phương liên kết, các trung tâm đón tiếp khách quốc tế lớn của cả nước, hoạt động dịch vụ lưu trú du lịch, lữ hành năm 2024 tăng trưởng mạnh mẽ.