Kinh tế địa phương

Thích ứng với AI để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng

Hồng Quang 17/05/2025 23:39

Thích ứng sớm để tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, tiêu dùng sẽ góp phần nâng cao năng suất, tối ưu hoá chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp, đó là trình độ hiểu biết và kinh phí đầu tư còn có sự hạn chế nhất định. Điều này đòi hỏi chính quyền các địa phương và đơn vị có liên quan cần phải đưa ra những giải pháp kịp thời, thiết thực nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp, phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay.

Nhận diện cơ hội và thách thức

Riêng tại Nghệ An, nơi có phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động, với năng lực quản trị, trình độ công nghệ, khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Những năm trở lại đây, các doanh nghiệp phải chịu nhiều tác động tiêu cực đến từ đại dịch Covid-19, sự biến động của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm… dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.

Với tiềm lực tài chính mỏng và khả năng thích ứng thấp, hàng loạt doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh này đã không thể đủ sức chống chịu và đành phải rút lui khỏi thị trường. Số liệu mà Chi cục Thống kê tỉnh Nghệ An đưa ra cũng cho thấy, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, hơn 100 doanh nghiệp đã giải thể và đặc biệt số doanh nghiệp thông báo giải thể là 259 đơn vị, tăng 68,18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, doanh nghiệp cần phải thích ứng nhanh với xu thế chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng AI trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, doanh nghiệp cần phải thích ứng nhanh với xu thế chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng AI trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh khó khăn trên, một số ý kiến lại có góc nhìn khác, lạc quan hơn khi cho rằng, tỉnh Nghệ An vẫn ghi nhận nhiều nét nổi trội của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi có mức tăng trưởng dương theo từng năm nhờ tầm nhìn tốt, chiến lược dài hạn, cộng thêm khả năng thích nghi linh hoạt với xu thế phát triển dựa trên các nền tảng công nghệ, chuyển đổi số hiện nay.

Lấy ví dụ đơn cử như Công ty CP Tân Thành Long Group, xuất phát điểm với số vốn ít ỏi và mới bước vào thị trường chưa lâu, thế nhưng nhờ chiến lược kinh doanh tốt, tạo độ tin cậy cao đối với khách hàng đã đưa doanh nghiệp này vững vàng “sống khỏe” trong giai đoạn khó khăn, thách thức. Trong 3 năm liên tiếp, doanh nghiệp này liên tiếp có mức tăng trưởng dương, trung bình tăng 10%/tháng so với cùng kỳ.

“Xu hướng tiêu dùng hiện nay phụ thuộc khá nhiều vào các nền tảng số, do vậy chúng tôi đã triển khai chiến lược kinh doanh theo mô hình O2O, tức là vừa trực tuyến, vừa truyền thống nhằm tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Đồng thời, công ty cũng đầu tư thêm các thiết bị, máy móc hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của thị trường” – ông Phạm Văn Long, Giám đốc Công ty chia sẻ.

Ví dụ điển hình nêu trên đã giúp chúng ta thấy rõ, trong bối cảnh kinh tế tràn ngập những khó khăn, thách thức thì giá trị của việc chuyển đổi số đã thay đổi số phận của các doanh nghiệp như thế nào, nhất là đối với những doanh nghiệp có số vốn ít ỏi và năng lực cạnh tranh thấp. Để không cảm thấy lạc lõng trong môi trường hiện đại, doanh nghiệp cần phải thích ứng nhanh với xu thế chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng AI trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nghệ An hiện nay vẫn còn gặp nhiều trở ngại nhất định khi tiếp cận AI. Theo khảo sát của phóng viên đối với một số đơn vị trên địa bàn cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn còn có sự e ngại, chưa thực sự cởi mở trong việc tiếp nhận và ứng dụng AI trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn cho rằng, chi phí để đầu tư vào các giải pháp AI là khá cao, trong khi năng lực tài chính lại có sự hạn chế nhất định,…

Hỗ trợ doanh nghiệp “thực chiến” với AI

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là sản xuất và kinh doanh. Trong đó, AI nổi lên như một trong những công nghệ then chốt, có khả năng thay đổi cục diện cạnh tranh, nâng cao hiệu quả vận hành và tạo ra giá trị gia tăng mới cho doanh nghiệp.

VCCI Chi nhánh Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình vừa tổ chức Hội nghị tập huấn ứng dụng chuyển đổi số góp phần sản xuất và tiêu dùng bền vững cho doanh nghiệp hội viên
VCCI Chi nhánh Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình vừa tổ chức Hội nghị tập huấn ứng dụng chuyển đổi số góp phần sản xuất và tiêu dùng bền vững cho doanh nghiệp hội viên.

“Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc nắm bắt và ứng dụng hiệu quả AI không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành một yếu tố sống còn để nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí, mở rộng thị trường và mang đến những trải nghiệm vượt trội cho khách hàng. Việc trang bị kiến thức và kỹ năng về AI cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa chiến lược” – ông Trần Thanh Hải cho hay.

Trên cơ sở đó, mới đây Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình đã tổ chức hội nghị tập huấn để truyền tải các nội dung liên quan đến AI theo hướng “thực chiến”, phù hợp với điều kiện áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ông Lê Nguyễn Chung - Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI), các doanh nghiệp cần nhanh chóng thích ứng và chủ động áp dụng công nghệ số để nâng cao năng suất, tối ưu hóa chi phí và hướng tới phát triển bền vững.

Chương trình tập huấn lần này tập trung vào các nội dung thiết thực như: Cập nhật xu hướng ứng dụng AI trong sản xuất – kinh doanh; hướng dẫn sử dụng công cụ AI để tự động hóa quy trình làm việc; tạo nội dung tiếp thị hấp dẫn bằng AI (hình ảnh, video, thông điệp…); xây dựng trợ lý AI cá nhân hóa cho từng bộ phận chức năng trong doanh nghiệp; đặc biệt là triển khai ứng dụng AI ngay vào hoạt động thực tế sau tập huấn.

Các nội dung được truyền tải theo hướng “thực chiến”, sát thực tế, phù hợp với điều kiện áp dụng tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ - đối tượng chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế Nghệ An hiện nay. Đây là một trong những hoạt động nằm trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030, theo Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 08/01/2021 của UBND tỉnh Nghệ An.

“Thông qua chương trình, ban tổ chức kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế số, kinh tế xanh và bền vững tại Nghệ An”, ông Lê Nguyễn Chung cho biết.

Được biết, với sự tham dự của gần 200 đại biểu, học viên đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất, kinh doanh, hội nghị tập huấn không chỉ mang lại kiến thức cập nhật, hữu ích mà còn là diễn đàn để các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường kết nối, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện trong cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thích ứng với AI để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO