McDonald’s bán hàng của… đối thủ
“Không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn”, nếu phối hợp với kẻ thù mà ra lợi nhuận thì các công ty cũng sẽ sẵn sàng.
>>McDonald's đổi thương hiệu ở Nga: Ngon và thế là xong!
Nhằm lôi kéo khách hàng đến cửa hàng nhiều hơn, McDonald’s sẽ bắt đầu thử nghiệm nhiều món mới, trong đó có bán bánh doughnut của Krispy Kreme, một đối thủ trong mảng bữa sáng của họ.
Cuộc thử nghiệm sẽ bắt đầu từ ngày 26/10. Tuy nhiên bánh doughnut sẽ chỉ được bán tại 9 cửa hàng ở khu vực Louisville, Kentucky. McDonald’s cho biết cuộc thử nghiệm giúp họ đánh giá xem liệu hợp tác với Krispy Kreme có tác động tích cực đến việc kinh doanh của họ hay không.
Các món doughnut được McDonald’s đưa vào thực đơn gồm bánh phủ đường, bánh phủ socola rắc cốm và bánh nhân dâu. Khách hàng có thể mua lẻ từng cái hoặc mua hộp sáu cái. Những cửa hàng nằm trong chương trình thử nghiệm sẽ bán bánh cả ngày, tuy nhiên khách hàng chỉ có thể dùng tại chỗ hoặc mua mang đi, chứ không áp dụng cho các dịch vụ vận chuyển.
Về phần mình, Krispy Kreme phân phối bánh doughnut tươi đến các cửa hàng McDonald’s. Họ sử dụng hệ thống “hub and spoke” để phân phối bánh hiệu quả nhất. Đây là một hình thức mà các trung tâm phân phối sẽ nhận sản phẩm từ nhiều nguồn khác nhau, gom sản phẩm và gửi trực tiếp đến nơi giao hàng cuối cùng. Ở đây các hub sản xuất có thể là những cửa hàng hoặc nhà máy bánh doughnut. Họ làm bánh rồi gửi trực tiếp sản phẩm bánh mới mỗi ngày đến những địa điểm bán lẻ như cửa hàng tạp hóa hoặc nhà ga.
Theo McDonald’s, hiện nay khách hàng đang cắt giảm dần phần tiền ăn uống bên ngoài do lạm phát tăng cao. Trong tháng 8, khi giá trong thực đơn tăng 8% so với năm ngoái, chuỗi burger lập tức ghi nhận tình trạng những khách hàng thu nhập thấp hơn đã giảm số lần ghé thăm cửa hàng. Do đó để thu hút khách hàng, họ phải thử nghiệm nhiều món mới, cũng như các chương trình khuyến mãi mới.
>>Nhân viên McDonald’s đau đầu vì chiến dịch marketing
Trong khi đó, Tổng giám đốc Mike Tattersfield của Krispy Kreme cho biết hệ thống của ông vẫn khá ổn định vì giá một chiếc bánh doughnut khá rẻ, người dùng vẫn đủ sức chi trả cho một khoản nho nhỏ như vậy. Trong quý 2, Krispy Kreme báo cáo doanh thu tăng 7,5% ở thị trường Mỹ và Canada. Tuy nhiên họ vẫn cắt giảm dự báo doanh thu toàn năm với lý do đồng đô la Mỹ đang mạnh và các trung tâm sản xuất ở Mỹ vận hành yếu hơn, không đủ đáp ứng bánh cho những nơi khác.
Đây không phải là lần đầu tiên một chuỗi thực ăn nhanh lại dựa vào món bánh doughnut để thu hút khách hàng. Trước đó năm 2020, KFC từng đưa món mới “Fried Chicken and Donut” vào thực đơn trên toàn quốc sau khi những thử nghiệm cho thấy món này nhận được sự chú ý lớn từ mạng xã hội.
McDonald’s cũng không phải là cái tên duy nhất muốn làm mới mình để thu hút khách hàng. Từ Wingstop cho đến Taco Bell, các chuỗi thức ăn nhanh đều đang thêm nhiều thứ mới mẻ để lôi kéo thêm người tiêu dùng giữa cơn bão lạm phát.
NHƯ VẬY LÀ
Sự hợp tác của McDonald’s và Krispy Kreme cũng là minh chứng cho câu “không có kẻ thù mãi mãi, chỉ có lợi ích mãi mãi”. Hai thương hiệu này là đối thủ trong thị trường bữa sáng, thế nhưng cũng có những điểm có thể bù đắp cho nhau rất tốt. Chẳng hạn Krispy không hề có được cái mác “ăn lúc nào cũng được” như như McDonald’s. Còn McDonald’s lại muốn xem thử liệu những chiếc bánh doughnut ngọt ngào này có thể giúp họ phát triển hay không.
Nếu màn hợp tác này thành công, biết đâu đây lại là phát súng mở đường cho phong trào hợp tác giữa các thương hiệu thức ăn nhanh, chẳng hạn Dunkin’ in KFC?
Có thể bạn quan tâm