Khi quảng cáo lên màn bạc (Phần 1)
Một số doanh nghiệp sẵn sàng móc thêm hầu bao để không chỉ đưa sản phẩm lên màn hình, mà còn lồng ghép tên thương hiệu vào câu thoại.
>>Quảng cáo theo thời tiết
Product Placement (tạm dịch: Quảng cáo ngầm qua phim ảnh) là một hình thức quảng cáo đã xuất hiện từ lâu và ngày càng phổ biến trong thế giới điện ảnh lẫn tiếp thị. Tuy nhiên, “lên phim” không dễ và không hẳn đã thành công.
Trong phim Cast Away ra mắt năm 2000, bạn diễn của tài tử Tom Hanks không phải là một ngôi sao hạng A Hollywood, mà chỉ là một quả bóng chuyền của hãng đồ thể thao Wilson. Quả bóng chỉ xuất hiện 10 phút rưỡi trong phim nhưng đã giúp Wilson đạt lợi nhuận quảng cáo 1,85 triệu đôla Mỹ mà chẳng tốn một xu chi phí nào.
Đó chỉ là một ví dụ cho hình thức Product Placement với hàng trăm thương hiệu xuất hiện rải rác trong hàng trăm bộ phim từ trước đến nay, ở đủ mọi cung cách: từ lộ liễu (như cảnh phim dài 30 giây chiếu một chiếc Lexus chạy dọc bờ biển) đến mờ nhạt tới mức khán giả chẳng biết có quảng cáo trong đó.
Điện ảnh - Tiếp thị cộng sinh
Với Product Placement, mọi người thường nghĩ ngay đến việc các doanh nghiệp phải trả (nhiều) tiền cho nhà làm phim để mặt hàng của họ “lên sóng”. Trong nhiều trường hợp, điều này rất hiển nhiên.
Một số doanh nghiệp sẵn sàng móc thêm hầu bao để không chỉ đưa sản phẩm lên màn hình, mà còn lồng ghép tên thương hiệu vào câu thoại hoặc hợp tác quảng cáo thêm với diễn viên chính của phim, và đặc biệt “tiền nhiều” nếu đó là phim “bom tấn”.
Có thể kể đến:
Hãng môtô Harley-Davidson trả 10 triệu đô để quảng cáo xe điện trong bom tấn Avengers: Age Of Ultron (2015).
Hãng bia Heineken chi khoảng 45 triệu đô để xuất hiện 7 giây trong phần Skyfall (2012) của loạt phim điệp viên James Bond.
>>Chiến dịch quảng cáo thông minh của GoPro
Hãng ô tô BMW tiêu khoảng 110 triệu đô để anh chàng James Bond đi xe của mình trong các phim Golden Eye (1995), Tomorrow Never Dies (1997) và The World is not Enough (1999).
Nhưng sau đó, hãng Ason Martin chìa ra 140 triệu đô, và 007 chuyển sang đi xe của hãng này.
Tuy nhiên, một điều bất ngờ là trong hầu hết trường hợp, nhà làm phim và doanh nghiệp không có trao đổi tiền bạc nào. Lí do: Làm phim quá tốn kém.
Tính ra trung bình mỗi bộ phim làm mất khoảng 65 triệu đô, chưa kể tiền quảng cáo và phát hành. Trong đó, khoản đạo cụ ngốn một phần lớn. Ví dụ như 7 tập phim Quá nhanh, quá nguy hiểm (Fast & Furious) đã phá tới 1.487 chiếc xe ô tô, tổng trị giá ước tính khoảng 30 triệu đô.
Vì thế, đoàn làm phim luôn muốn cắt giảm chi phí cho phần này. Trong khi đó doanh nghiệp thì luôn có sẵn mặt hàng để có thể vừa làm đạo cụ và vừa quảng cáo.
Thành thử, Product Placement chính là cách giúp hai bên cùng có lợi: đoàn phim giảm chi phí (và có thể dành chi phí đó để đầu tư âm thanh, hiệu ứng, v.v…), đổi lại các mặt hàng trở nên quen thuộc và thương hiệu doanh nghiệp trở nên phổ biến với khán giả hơn. Thế là rất nhiều sản phẩm được “lên phim” miễn phí.
Như hãng kính Ray-Ban: dù xuất hiện liên tục trong hai bộ phim thuở mới vào nghề của tài tử Tom Cruise là Risky Business (1983) và Top Gun (1986), Ray-Ban không phải trả bất cứ chi phí nào.
Hay như Google: đã lên hình miễn phí trong The Internship (2013), gã khổng lồ công nghệ còn được phép đề xuất và kiểm soát cách thể hiện thương hiệu Google với đạo diễn, diễn viên và biên kịch; cho đoàn phim hẳn năm ngày quay tại trụ sở Google; thậm chí cử 100 nhân viên Google làm diễn viên quần chúng.
Tuy nhiên, không phải cứ “lên phim” là xong. Vì trong quá trình bàn thảo việc Product Placement, bộ phim vẫn chưa thành hình, mới chỉ nằm trong các trang giấy của kịch bản, nên nhiều khi lúc bộ phim ra đời, sản phẩm trong phim bỗng mang một ý nghĩa khác hẳn. Năm 1998, hãng Kahlúa yêu cầu đoàn phim bỏ tên mình ra khỏi bộ phim The Big Bebowski vì lo ngại thương hiệu của mình bị khán giả liên hệ với chứng nghiện rượu.
Chính vì thế, sản phẩm muốn lên phim phải cần sự có mặt của các chuyên gia. Đó là các công ty chuyên môi giới Product Replacement.
Có thể bạn quan tâm