Bytedance âm thầm phát hành ứng dụng mới
Lemon8 là mạng xã hội cực mới mà ByteDance, công ty mẹ của TikTok, vừa tung ra tại Anh và Mỹ. Đáng chú ý, ByteDance đang trả tiền cho những nhà sáng tạo nội dung để đăng bài trên ứng dụng mới này.
>>Vì sao ByteDance là startup thành công nhất thế giới (phần 1)
Trước đó vào năm 2020, Lemon8 chào sân Nhật Bản, rồi dần dần mở rộng sang Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Singapore.
Lemon8 tự mô tả mình là một “cộng đồng lối sống”. Bản tin trên ứng dụng này chia ra các tab là “Đang theo dõi” và “Dành cho bạn” như TikTok. Người dùng còn có thể lọc nội dung theo các chuyên mục như “Làm đẹp”, “Thời trang”, “Ẩm thực”. Ngoài ra Lemon8 còn có một trang giống tab Khám phá của Instagram, nơi mà nội dung được hiển thị theo hashtag. Đồng thời người dùng có thể tìm kiếm các nội dung xu hướng bằng từ khóa.
Reuters nhận định rằng Lemon8 cố gắng học theo ứng dụng Tiểu Hồng Thư (Xiaohongshu) cực nổi tiếng của Trung Quốc, thứ mà người dùng mệnh danh là “ứng dụng gợi ý mua sắm và lối sống”.
Điều đáng lưu ý là dường như ByteDance đang trả tiền cho các nhà sáng tạo nội dung để đăng tải nội dung lên Lemon8. Một nhà sáng tạo nội dung chia sẻ các tài liệu cho thấy mình được trả tiền để đăng bài. Bên cạnh đó có hai nhà sáng tạo nội dung khác nhận được email từ Lemon8 với thông tin về cấu trúc “nhuận bút”.
Theo các nhà sáng tạo nội dung, để được đánh giá chất lượng nội dung cao trên Lemon8, thì bài đăng phải có slide ảnh (carousel) chất lượng cao và phần văn bản (caption) dài, chi tiết về một chủ đề nào đó. Chẳng hạn hướng dẫn trang điểm hoặc công thức nấu ăn, hoặc cách phối một vài món đồ thời trang.
Nhà sáng tạo nội dung Ese Nuesiri cho rằng Lemon8 giống như Pinterest và Instagram thuở sơ khai. Còn nhà sáng tạo nội dung Shantania Beckford nhận xét đây là sự kết hợp giữa Instagram và Pinterest, đồng thời có định hướng tập trung vào chi tiết hơn những mạng xã hội khác.
>>Vì sao ByteDance là startup thành công nhất thế giới (phần 2)
Trong khi đó Eleanor Wood, một nhà sáng tạo nội dung mảng làm đẹp, nhận định Lemon8 ưu tiên những nội dung “mang tính thông tin và giáo dục”, có thể là vì ứng dụng này yêu cầu caption mỗi bài đăng phải dài và chi tiết.
Dĩ nhiên không phải đăng cái gì lên Lemon8 cũng được trả tiền. ByteDance có bảng quy định riêng và buộc nhà sáng tạo nội dung làm làm theo chính xác để nhận được nhuận bút. Các quy định cũng khá tốn công.
Ví dụ: Ảnh chất lượng HD, khổ dọc; Ít nhất từ 3 đến 7 ảnh; Caption dài từ 100 đến 300 từ với chức năng “thông báo và truyền cảm hứng cho mọi người về chủ đề được viết đến”. Caption phải thú vị, không tối nghĩa, cung cấp cái nhìn tổng quan về những thông tin hữu ích, kèm theo đó là lời kêu gọi hành động (CTA - call to action) và hashtag; không được lạm dụng chèn # hot, phải dùng # phù hợp với nội dung. Không được kết hợp nhiều # từ nhiều chủ đề khác nhau (chẳng hạn thời trang và làm đẹp), chỉ nên dùng mỗi chủ đề trong một bài đăng.
Một số nhà sáng tạo nội dung nói rằng việc soạn thảo và đăng tải nội dung cho Lemon8 cực kỳ tốn thời gian và mất nhiều công sức hơn so với những mạng xã hội khác. Nguyên nhân chủ yếu bởi vì các caption dài, chi tiết.
Điều này khiến một số nhà sáng tạo nội dung không chắc liệu công sức mình bỏ ra có xứng đáng hay không. Tuy nhiên một số khác thì đặt kỳ vọng cao rằng Lemon8 sẽ phát triển mạnh ở Anh trong những tháng tiếp theo.
Trong khi đó Alex Vang, một nhà sáng tạo nội dung trên Lemon8 nhưng không được trả tiền, cho biết anh dùng Lemon8 không phải vì nhuận bút, mà vì anh thích và tận hưởng cảm giác phải chăm chút cho từng bài đăng của mình.
Có thể bạn quan tâm