TOSHIBA: Tín hiệu từ sự sụp đổ (Phần 2)

QUÂN BẢO 27/03/2023 10:05

Sự sụp đổ của Toshiba gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Nhật Bản. Những thứ từng giúp Nhật Bản lên ngôi sẽ không còn tác dụng, thay vào đó họ phải cải cách cơ cấu để có thể cạnh tranh với thế giới mới.

>>TOSHIBA: Gây dựng 70 năm, mất mình chỉ trong 1 thập kỷ (Phần 1)

Vụ bê bối chấn động

Năm 2015, một cuộc điều tra bắt nguồn từ tin tố giác nội bộ chỉ ra rằng Toshiba đã phóng đại lợi nhuận lên tới 1,2 tỷ USD trong những năm mảng PC bị thua lỗ nghiêm trọng.

Nguyên nhân được nhận định là vì muốn làm hài lòng cổ đông. Theo đó, Tổng giám đốc lúc này là ông Atsutoshi Nishida, người thăng tiến trong công ty kể từ ngày còn sản xuất T1100, đã đặt mục tiêu lợi nhuận phi thực tế cho bộ phận PC. Và dĩ nhiên con số mơ ước ấy không thể đạt đến được. Thay vì công bố thất bại, cấp dưới lại xào nấu số liệu.

Một bản báo cáo dài 334 trang từ ủy ban do Toshiba thành lập chỉ ra rằng chính Nishida còn khuyến khích kế toán gian lận sổ sách. Chẳng hạn 1/2009, khi nhân viên báo cáo bộ phận PC lỗ khoảng 18 tỷ yên (203 triệu USD lúc đó), Nishida đề nghị khai khống, tăng thành lợi nhuận 10 tỷ yên để đơn vị không bị đóng cửa.

Mặc dù vụ bê bối này không trực tiếp khiến Toshiba sụp đổ, thế nhưng nó bộc lộ sâu sắc những vấn đề hiện hữu trong nội bộ công ty, cũng là thứ tồn tại ở nhiều tập đoàn công nghệ Nhật Bản. Đó là việc những cấp quản lý đã quen với các thông tin tích cực và sợ phải báo tin xấu cho cấp lãnh đạo. Văn hóa này đã bóp nghẹt khả năng đổi mới của Toshiba vào thời điểm cực then chốt.

Giáo sư Ulrike Schaede đến từ Đại học California, người chuyên nghiên cứu về các tập đoàn Nhật Bản, mô tả Toshiba và các công ty Nhật Bản khác là chỉ toàn những người “chỉ biết vâng lời, chỉ làm việc vì nghĩ rằng sếp của mình muốn mình làm việc đó, thay vì làm những việc họ cho là đúng đắn hoặc thích hợp”. Kết quả là lãnh đạo muốn sao thì làm vậy, không tạo ra bất kỳ ý tưởng mới nào.

Các thương vụ mua lại không phù hợp

Mặc dù thiếu đột phá, thế nhưng yếu tố chính khiến Toshiba gần như phá sản là kém may mắn.

Năm 2006, Toshiba trả 5,4 tỷ USD để mua lại Westinghouse, một công ty xây dựng cơ sở vật cho năng lượng hạt nhân có trụ sở tại Mỹ. Toshiba không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nhưng đó là thời điểm ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân đang có tiềm năng rất lớn. Chẳng hạn năm 2005, chính phủ Mỹ thông báo các khoản bảo lãnh cho vay, tín dụng thuế sản xuất và các ưu đãi khác để phục hồi ngành năng lượng hạt nhân của nước mình. Còn ở nước ngoài, các nước như Việt Nam, Ấn Độ và cả Nhật Bản đều bày tỏ cam kết thúc đẩy năng lượng hạt nhân.

Thế nhưng “mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên”, thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản năm 2011 ảnh hưởng nặng đến nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi. Thế là Nhật Bản đóng cửa gần như tất cả các lò phản ứng hạt nhân của mình, và các quốc gia khác cũng không thể tiếp tục đầu tư vào năng lượng hạt nhân.

Hiệu ứng domino xảy ra tại các bộ phận hạt nhân của Toshiba. Chicago Bridge & Iron, công ty mà Westinghouse ký hợp đồng để xây dựng bốn lò phản ứng hạt nhân tại Mỹ, đã phải bán bộ phận xây dựng hạt nhân cho Westinghouse với hy vọng rút lui khỏi những dự án cứ mãi bị trì hoãn. Westinghouse sau này nhận ra rằng cái giá phải trả còn đắt hơn những gì họ tưởng tượng. Vì gánh nặng nợ nần và không thể hoàn thành các dự án đã ký ở Mỹ, Westinghouse nộp đơn xin phá sản vào tháng 3/2017.

Với động thái này, khoản lỗ mà Toshiba phải gánh chịu là hơn 6 tỷ USD. Có khả năng công ty phải gánh khoản lỗ ròng 9,9 tỷ USD cho năm tài chính kết thúc vào 31/3/2017. Điều này khiến công ty cân nhắc bán mảng kinh doanh NAND flash, bộ phận duy nhất có triển vọng phát triển. Nếu không làm vậy trước ngày 15/5 thì công ty sẽ bị hủy niêm yết.

Những tập đoàn của Nhật Bản đang ở đâu?

Năm 2016, Foxconn của Đài Loan mua lại Sharp, một tập đoàn đang lụi tàn, với giá 4,4 tỷ USD. Năm 2014, Sony rời khỏi mảng PC, cắt giảm mạnh mảng điện thoại di động, cân nhắc bán bộ phận giải trí. Hoạt động kinh doanh có lãi nhất là bán bảo hiểm nhân thọ. Ngay cả Nintendo cũng từng ở trên bờ vực phá sản trước khi Pokemon Go xuất hiện.

Các chuyên gia lập luận rằng Nhật Bản vẫn đang bị mắc kẹt, với một bên là các đổi mới từ Mỹ, một bên là sản phẩm giá rẻ của Châu Á. Muốn thoát ra được, các tập đoàn Nhật Bản phải cải cách văn hóa, tạo ra sản phẩm phù hợp hơn với nền kinh tế internet, thay vì nền kinh tế xây dựng trên những sản phẩm mua và bán vật lý.

Ông William Saito, cố vấn Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nhận định rằng Nhật Bản thường dẫn đầu một ngành công nghiệp khi nó đang ở trong giai đoạn mở đầu. Thế nhưng đáng tiếc là tại thời điểm 2017 đó, trong mọi ngành ngoại trừ ô tô, thì Nhật Bản đều mất đi vị trí dẫn đầu vào tay một nước khác.

Đối với Nhật Bản, cần phải gọt bỏ những tồn đọng trước khi nghĩ đến chuyện hồi sinh. Một thế hệ làm việc chỉ nghĩ đến lương phải được nghỉ hưu, và các công ty phải bị sụp đổ.

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2017, không có công ty nào trong số 4000 công ty công khai của Nhật Bản bị phá sản. Thế nhưng đó không phải dấu hiệu của một nền kinh tế bùng nổ, mà là nền kinh tế đầy xác sống và các gã khổng lồ ì ạch.

Hay như cách ông Saito nói, sự sụp đổ của Toshiba gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Nhật Bản, đó là những thứ từng giúp Nhật Bản lên ngôi sẽ không còn tác dụng, thay vào đó họ phải cải cách cơ cấu để có thể cạnh tranh với thế giới mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Toshiba hạ giá “bán mình”

    Toshiba hạ giá “bán mình”

    04:15, 25/03/2023

  • Toshiba được cứu: “Viên ngọc quý” Nhật Bản có thể trở lại?

    Toshiba được cứu: “Viên ngọc quý” Nhật Bản có thể trở lại?

    10:35, 03/01/2023

  • Toshiba - gã khổng lồ sụp đổ

    Toshiba - gã khổng lồ sụp đổ

    11:52, 24/11/2021

QUÂN BẢO