Công ty Nhật Bản Toshiba đã chính thức công bố việc phân tách thành ba công ty hoạt động độc lập, bao gồm Infrastructure Service Co, Device Co và Toshiba.
>>>>Bài học kinh doanh từ công ty IPO 1,7 tỷ USD
Infrastructure Service Co sẽ bao gồm các hệ thống năng lượng, hệ thống cơ sở hạ tầng, giải pháp xây dựng và giải pháp kỹ thuật số của Toshiba. Infrastructure Service Co sẽ cung cấp các giải pháp CNTT cho các cơ quan chính phủ và các công ty tư nhân, sản xuất, truyền tải và phân phối điện, các nguồn năng lượng tái tạo, quản lý năng lượng, các giải pháp hệ thống cho cơ sở hạ tầng công cộng, đường sắt và công nghiệp, cũng như các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong xây dựng.
Trong khi đó, Device Co sẽ bao gồm mảng kinh doanh thiết bị điện tử và giải pháp lưu trữ của Toshiba. Các sản phẩm của công ty sẽ bao gồm chất bán dẫn, mạch tích hợp, ổ cứng trung tâm dữ liệu dung lượng cao và thiết bị sản xuất chất bán dẫn.
Về phía Toshiba, hãng sẽ sở hữu cổ phần tại Kioxia Holdings Corporation và Toshiba Tec Corporation. Như một phần của việc chia tách, Toshiba sẽ chuyển đổi cổ phần của Kioxia Holdings Corporation thành tiền mặt.
Infrastructure Service Co dự kiến sẽ tạo ra doanh thu ròng 17 tỷ USD trong năm tài chính 2021. Còn Device Co dự kiến sẽ có doanh thu ròng 7,6 tỷ USD.
Việc chia tách đã được hội đồng quản trị của Toshiba nhất trí thông qua và là một phần của kế hoạch dựa trên đề xuất từ ủy ban đánh giá chiến lược của hội đồng quản trị. Một phát ngôn viên của công ty cho biết sau khi chia tách, Toshiba sẽ làm cho hoạt động kinh doanh của mình linh hoạt hơn. Hơn nữa, điều này sẽ cho phép mỗi công ty đưa ra quyết định chính xác hơn trong các lĩnh vực nói trên và giảm chi phí hoạt động.
Satoshi Tsunakawa - CEO của Toshiba, cho hay: "Bạn có thể coi đây là sự giải thể, nhưng với tôi đó là sự tiến bộ trong tương lai". Ông nói thêm, kế hoạch này sẽ giúp họ trở nên linh hoạt hơn nhờ chia tách các bộ phận cơ sở hạ tầng - vốn đã hoạt động trong thời gian dài như hệ thống xử lý nước, khỏi bộ phận sản xuất các bộ phận điện tử công nghệ cao. Theo ông, đây là các lĩnh vực cần được đầu tư mạnh và thực hiện những quyết định quan trọng.
Một số ít công ty Nhật Bản - điển hình là Hitachi, vẫn tiếp tục duy trì cấu trúc tập đoàn đa ngành. Song, Toshiba quyết định tái cấu trúc toàn diện sau khi đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng, bắt đầu là vụ bê bối kế toán năm 2015 dẫn đến việc cổ đông nước ngoài sở hữu hơn 1 nửa công ty.
Từng là một tên tuổi lớn ở Nhật Bản, Toshiba đã trở nên mờ nhạt đáng kể sau nhiều năm quản lý sai lầm. Họ đã phải trả một khoản tiền phạt kỷ lục trong một vụ bê bối kế toán và sau đó mất hàng tỷ đô la khi đột nhập thất bại vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Trong quá khứ, Toshiba từng đã phát minh ra bộ nhớ flash cách đây ba thập kỷ, nhưng buộc phải bán phần lớn mảng kinh doanh chip được đánh giá cao vào năm 2018 vì thua lỗ trong hoạt động năng lượng hạt nhân.
Khủng hoảng của Toshiba bắt đầu từ một vụ bê bối kế toán năm 2015. Một báo cáo được công bố vào tháng 6 cho thấy bằng chứng về sự thông đồng giữa các giám đốc điều hành của Toshiba và quan chức tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp để ngăn chặn tiếng nói của các cổ đông nước ngoài trước cuộc họp cổ đông thường niên vào tháng 7/2020. Sau đó, các cổ đông của Toshiba đã cách chức Chủ tịch Osamu Nagayama.
"Toshiba đã để mất lòng tin sau khi bê bối kế toán được đưa ra ánh sáng. Hãng cho biết đã tự cải tổ. Nhưng sau đó, Toshiba lại nảy sinh thêm vấn đề khác. Vì thế, việc tách thành 3 công ty và xây dựng lại hệ thống quản trị là một quyết định đúng đắn", chiến lược gia Masayuki Kubota tại Công ty chứng khoán Rakuten Securities nhận xét. Kubota cho rằng Toshiba sẽ rất khó vận hành cùng lúc cả mảng kinh doanh đã bão hòa và mảng liên quan đến công nghệ thay đổi nhanh.
Một câu hỏi còn bỏ ngỏ đối với Toshiba là tương lai của Kioxia, bộ phận chip nhớ mà họ vẫn giữ cổ phần lớn nhất, một trong những tài sản còn giá trị nhất của họ. Hãng tin Bloomberg đã đưa tin, công ty sản xuất chip nhớ flash NAND này đang xem xét niêm yết cổ phiếu và có thể được định giá hơn 36 tỷ USD trên thị trường hiện tại.
Hideki Yasuda, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Ace, cho rằng: “Một thời gian thực sự khó khăn đang ở phía trước đối với Giám đốc điều hành Tsunakawa và Toshiba trong việc cải thiện tình hình quản trị rối ren của công ty, bởi việc tìm người cho những chiếc ghế trống có thể sẽ vô cùng khó khăn”.
Có thể bạn quan tâm