Toshiba thúc đẩy bán dẫn làm động lực tăng trưởng mới

TRƯỜNG ĐẶNG 14/06/2024 03:30

Tập đoàn Toshiba của Nhật Bản đang lên kế hoạch đầu tư 640 triệu USD vào chất bán dẫn dành cho xe điện và lưới điện trong kế hoạch tái cơ cấu sau khi hủy niêm yết vào cuối năm ngoái.

JIP dẫn đầu nhóm đầu tư mua lại Toshiba vào cuối năm 2023

JIP dẫn đầu nhóm nhà đầu tư mua lại Toshiba vào cuối năm 2023 (Ảnh: AzFin)

Tái cơ cấu sau khi về tay JIP

Tập đoàn Toshiba đang có kế hoạch chi khoảng 100 tỷ yên (640 triệu USD) để xây dựng hoạt động kinh doanh chất bán dẫn trong ba năm tới.

>>Sự bùng nổ của các công ty bán dẫn trong cơn sốt AI

Phó Chủ tịch điều hành cấp cao Japan Industrial Partners (JIP) Koji Ikeya nói với Nikkei Asia: “Chúng tôi kỳ vọng tổng số tiền đầu tư trên toàn công ty sẽ ở mức tương tự như ba năm qua, nhưng chúng tôi sẽ chuyển hướng đầu tư sang các doanh nghiệp đang phát triển”.

Tháng 12 năm 2023, Toshiba đã chính thức rời khỏi sàn chứng khoán sau khi được JIP mua lại đa số cổ phần. Ông Ikeya cũng là Phó Chủ tịch của công ty cổ phần tư nhân JIP - công ty dẫn đầu nhóm nhà đầu tư đã mua lại Toshiba.

Kế hoạch đầu tư vốn của Toshiba tính đến tháng 3 năm 2027 dự kiến sẽ đạt tổng cộng khoảng 400 tỷ yên. Ngoài ra, tập đoàn này cũng tiến hành những hoạt động tái cơ cấu khác để tập trung nguồn vốn. Theo kế hoạch trung hạn công bố hồi tháng 5, Toshiba cho biết sẽ cắt giảm 4.000 việc làm vào tháng 11 tới.

Toshiba đã tiến hành tái cơ cấu đáng kể, bao gồm một số thay đổi chiến lược như tách thành ba thực thể độc lập, gồm Công ty Dịch vụ Cơ sở hạ tầng tập trung vào các giải pháp năng lượng và cơ sở hạ tầng, và Device Co., chuyên cung cấp các thiết bị điện tử và giải pháp lưu trữ. Ngoài ra, việc quản lý cổ phần của Toshiba tại các công ty khác như Kioxia Holdings cũng sẽ được giao cho một công ty quản lý khác.

Công ty cũng tích cực thoái vốn khỏi một số hoạt động kinh doanh không cốt lõi, chẳng hạn như cổ phần tại Toshiba Carrier Corporation, Toshiba Elevator and Building Systems, và Toshiba Lighting & Technology Corporation.

>>Cần thị trường ngách để Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn

Rót vốn vào bán dẫn và lưới điện

Ông Ikeya cho biết: “Chúng tôi sẽ hướng tới tăng trưởng không chỉ thông qua tái cơ cấu mà còn thông qua đầu tư chiến lược”.

Một trụ cột trong hoạt động đầu tư tăng trưởng của Toshiba là chất bán dẫn được sử dụng trong xe điện và thiết bị lưới điện. Ngoài ra, công ty cũng sẽ tăng cường hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng năng lượng cốt lõi của mình.

Bán dẫn và phát triển lưới điện được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng mới của công ty lâu đời Nhật Bản

Bán dẫn và phát triển lưới điện được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng mới cho Toshiba

Toshiba sẽ mở một dây chuyền sản xuất mới tại một công ty con sản xuất ở quận Ishikawa, miền Trung Nhật Bản và mở rộng một nhà máy bán dẫn ở quận Hyogo gần Osaka, cũng như một cơ sở chế biến ở tỉnh Prachin Buri của Thái Lan.

Toshiba đặt mục tiêu tăng gấp đôi lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh năng lượng và cơ sở hạ tầng của mình vào tháng 3 năm 2027 lên 160 tỷ yên. Theo đó, họ sẽ đầu tư 20 tỷ yên (hơn 127 triệu USD) vào năm 2027 cho một nhà máy ở thành phố Hyderabad phía Nam Ấn Độ và một nhà máy ở Kawasaki gần Tokyo để tăng cường sản xuất máy biến áp, thiết bị đóng cắt và các thiết bị khác. Nhu cầu về máy biến áp cho các trung tâm dữ liệu được cho đang gia tăng cùng với sự mở rộng của AI.

Nhu cầu điện của Ấn Độ dự kiến sẽ vượt nguồn cung cho đến khoảng năm 2030. Nhu cầu năng lượng tái tạo ngày càng tăng kéo theo nhu cầu về mạng lưới truyền tải và phân phối điện kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng. Ấn Độ cũng có thể trở thành cơ sở xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu, thị trường hàng đầu về năng lượng tái tạo.

Toshiba cũng sẽ tìm cách tăng doanh thu từ các dịch vụ cho các công ty điện lực, chẳng hạn như thu thập và phân tích dữ liệu vận hành từ các nhà máy điện để tăng hiệu quả và phát hiện các vấn đề.

Công ty đặt mục tiêu nâng lợi nhuận hoạt động cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2027 lên 380 tỷ yên, gần gấp 10 lần so với năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2024.

Trong tương lai, JIP không loại trừ khả năng niêm yết Toshiba trở lại trên sàn chứng khoán. Ông Ikeya nói với Nikkei: “Tôi muốn biến Toshiba trở thành một công ty có năng lực công nghệ có thể tỏa sáng trong trung và dài hạn, ngay cả khi JIP không còn là cổ đông”.

Có thể bạn quan tâm

  • Đâu là mấu chốt của ngành bán dẫn?

    Đâu là mấu chốt của ngành bán dẫn?

    03:30, 12/06/2024

  • Malaysia đang làm gì để trở thành trung tâm bán dẫn toàn cầu?

    Malaysia đang làm gì để trở thành trung tâm bán dẫn toàn cầu?

    03:30, 31/05/2024

  • Điều kiện để “ông lớn” bán dẫn chọn Việt Nam

    Điều kiện để “ông lớn” bán dẫn chọn Việt Nam

    04:00, 10/05/2024

  • Mỹ

    Mỹ "hé lộ" tham vọng lớn trong ngành bán dẫn

    03:30, 10/05/2024

  • Mỹ

    Mỹ "mạnh tay" thu hút FDI vào bán dẫn

    03:30, 08/05/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Toshiba thúc đẩy bán dẫn làm động lực tăng trưởng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO