Việc làm xanh tại Việt Nam tăng trưởng hơn 20%
UNDP dự báo đến năm 2030 sẽ có khoảng 8,4 triệu việc làm mới được mang lại từ quá trình chuyển đổi xanh nhưng đáng tiếc, 60% thanh niên có thể thiếu các kỹ năng cần thiết.
>>>Xanh hoá kinh tế, nhu cầu việc làm sẽ thay đổi thế nào?
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thế giới đang bước vào quá trình chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững. Cũng như nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác trong nền kinh tế, thị trường lao động cũng sẽ phải chuyển đổi để có thể tạo ra các việc làm xanh phù hợp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị biến đổi khí hậu và thiên tai gây ảnh hưởng nhiều nhất trên toàn cầu. Hàng năm, bình quân, khoảng 852 triệu USD giá trị hoạt động kinh tế và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực như nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, du lịch và công nghiệp phải chịu rủi ro từ biến đổi khí hậu.
Để hạn chế những tác động bất lợi, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia nỗ lực lớn có hành động chống biến đổi khí hậu cũng như hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và một tương lai phát thải ròng bằng 0 mà Việt Nam đã cam kết tại COP26. Vì vậy, theo bà Ramla Khalidi - đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, việc thực hiện chuyển đổi lực lượng lao động để thúc đẩy nền kinh tế xanh và ít carbon là rất quan trọng.
UNDP dẫn thống kê cho thấy, quá trình chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế bền vững sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh tế mới cho các bạn trẻ cũng như khoảng 8,4 triệu việc làm mới cho thanh niên đến năm 2030. Trước mắt, trong năm 2022 - 2023, số lượng việc làm xanh đã tăng 22%
Đây là vấn đề quan trọng được Việt Nam đề cập và có những bước chuẩn bị từ những năm trước, Cụ thể, trong Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tăng trưởng xanh theo những lĩnh vực, ngành nghề (có thể là những công việc trong các ngành kinh tế truyền thống hoặc trong các ngành kinh tế xanh mới nổi) sẽ tạo ra nhiều việc làm xanh, việc làm bền vững tương ứng góp phần bảo tồn hoặc khôi phục môi trường.
Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng xác định việc chuẩn bị lực lượng lao động với những kỹ năng xanh để đáp ứng yêu cầu của việc làm xanh và tăng trưởng xanh có vai trò quan trọng.
>>>Các ngành hàng xuất khẩu truyền thống có thể được xanh hóa
Tuy nhiên, theo nhận định của bà Pauline Tamesis - điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, tại thời điểm hiện nay, chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu về các kỹ năng xanh ngày càng tăng cao. Đến năm 2030, khoảng 60% thanh niên có thể thiếu các kỹ năng cần thiết để phát triển trong nền kinh tế xanh.
Bà Pauline Tamesis cho rằng, cần phải giải quyết sự chênh lệch này và đảm bảo tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận bình đẳng với các kỹ năng xanh để có thể làm chủ tương lai của mình và đóng góp cho nền kinh tế xanh thông qua các hoạt động giáo dục chất lượng cao. Theo điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, kỹ năng xanh là những công cụ, kiến thức thực tế giúp người lao động tận dụng các công nghệ thân thiện với môi trường cũng như đưa ra các quyết định có ý thức về môi trường trong công việc và đời sống.
Nội dung này cũng được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị giúp nâng cao tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đó là đầu tư cho kỹ năng và vốn nhân lực có thể giúp cải thiện năng suất và tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó có chính sách cơ chế khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh...
Có thể bạn quan tâm
Song hành chuyển đổi xanh và chuyển đổi số
15:49, 13/06/2023
Doanh nghiệp chịu sức ép nào trong chuyển đổi số để chuyển đổi xanh?
15:26, 21/03/2023
Cần ưu tiên vốn lớn, vốn rẻ cho chuyển đổi xanh
02:05, 13/02/2023
Chuyển đổi xanh thông qua ESG
12:27, 29/11/2022
Ngành thủy sản và xu thế tất yếu chuyển đổi xanh
10:10, 29/11/2022
Việc làm bền vững cho tất cả mọi người
04:15, 01/05/2023
Giải pháp thúc đẩy việc làm bền vững ở Việt Nam
14:47, 27/06/2018