Đức muốn cấm “lạm phát thu nhỏ”
Chính phủ Đức nhận định rằng ngoài việc lừa dối người tiêu dùng, lạm phát thu nhỏ còn là hành động không thân thiện với môi trường. Nước láng giềng Pháp cũng có những suy nghĩ và động thái tương tự.
>>“Cầm cương” lạm phát để ổn định nền kinh tế
Lạm phát thu nhỏ, tiếng Anh là shrinkflation, là từ ghép giữa shrink (thu nhỏ) và inflation (lạm phát), là hành động mà các thương hiệu không tăng giá nhưng lại cố tình đóng gói mỗi đơn vị sản phẩm ít đi. Tình trạng này rất thường gặp trong thời kỳ lạm phát, khi các công ty phải vật lộn với chi phí nguyên liệu, đóng gói, nhân công, vận chuyển, v.v.. Và khoảng từ giữa năm ngoái, năm 2022, đến giờ, các nhãn hàng đang đua nhau thực hiện lạm phát thu nhỏ.
Các nhãn hàng nghĩ rằng, người tiêu dùng chỉ quan tâm giá cả, chứ không theo dõi sát sao khối lượng tịnh hoặc những chi tiết nhỏ như mỗi hộp khăn giấy có bao nhiêu tờ. Thậm chí họ có thể sử dụng một số mẹo nhỏ để khiến khách hàng chú ý đến những điểm khác trong bao bì.
Thế nhưng giờ thực tế lại cho thấy ngược lại. Đây là hành động mà người dùng không hề thích. Một báo cáo năm 2022 của Morning Consult cho thấy khi người tiêu dùng biết sản phẩm nào bị lạm phát thu nhỏ, đến 48% sẽ chuyển sang dùng thương hiệu khác.
Tình trạng này vốn dĩ tồn tại rất nhiều trong các sản phẩm hàng tiêu dùng. Nhưng hiện nay chính phủ Đức muốn chấm dứt hành động lạm phát thu nhỏ. Bà Steffi Lemke, Bộ trưởng Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, An toàn hạt nhân và Bảo vệ người tiêu dùng, đã lên tiếng phản đối lạm phát thu nhỏ và tài trợ các hành động pháp lý nhằm vào tình trạng này.
Theo bà, lạm phát thu nhỏ không chỉ lừa dối người tiêu dùng, mà còn là hành động không thân thiện với môi trường. Dù đứng dưới góc nhìn một nhà bảo vệ người tiêu dùng, hoặc một nhà bảo vệ môi trường, thì bà đều thấy việc các nhãn hàng làm như vậy là không nên.
Nước Pháp cũng không hoan nghênh lạm phát thu nhỏ. Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Kinh tế Pháp, gọi lạm phát thu nhỏ là “hành động cực kỳ phản cảm”. Giống như bà Lemke, ông tuyên bố sẽ cố gắng đưa ra một luật chống lại lạm phát thu nhỏ, yêu cầu các nhà sản xuất phải ghi rõ thông tin mỗi khi họ thu nhỏ sản phẩm mà không hạ giá.
Chưa cần luật này ra đời, thì chuỗi siêu thị Carrefour của Pháp cũng tự mình hành động bằng cách dán nhãn cảnh báo lên các sản phẩm thuộc dạng lạm phát thu nhỏ.
Bắt đầu từ giữa tháng 9/2023, họ dán nhãn 26 sản phẩm trên các kệ hàng với dòng chữ “Sản phẩm này đã bị giảm kích thước hoặc trọng lượng, khiến giá thực tế lại tăng.” Chẳng hạn một chai nước vị đào thương hiệu Lipton (PepsiCo) giảm từ 1,5 lít xuống còn 1,25 lít, đẩy giá thực tế tăng hơn 40% mỗi lít. Sữa công thức Guigoz của Nestle giảm từ 900 gram xuống còn 830 gram. Hoặc hộp kem Viennetta của Unilever giảm từ 350 gram còn 320 gram.
Đại diện truyền thông của Carrefour khẳng định rằng mục đích của họ là để nhắc nhở các nhà sản xuất phải cân nhắc lại chiến lược định giá. Họ sẽ tiến hành dán nhãn cảnh báo tại tất cả siêu thị của mình tại Pháp. Chiến dịch sẽ kéo dài cho đến khi các nhãn hàng đồng ý giảm giá.
Tại Mỹ, chưa có siêu thị lớn nào đưa ra hành động hoặc lời kêu gọi tương tự về tình trạng lạm phát thu nhỏ. Tuy nhiên trong một cuộc khảo sát từ Retail Brew, có đến 88,5% khách hàng được phỏng vấn đều nhất trí cho rằng các siêu thị nên làm theo Carrefour, cảnh báo người tiêu dùng về các sản phẩm bị lạm phát thu nhỏ.
Có thể bạn quan tâm