Xây dựng sản phẩm trên nền tảng người khác liệu có bền?

QUÂN BẢO 28/10/2023 00:30

Khi xây dựng sản phẩm dựa trên nền tảng của các bên khác, đơn vị làm sản phẩm phải hiểu rằng hướng đi của họ không hề bền vững, vì mọi quyền kiểm soát đều đang nằm ngoài tầm với của họ.

>>Vì sao Yeah1 xin hủy chào bán riêng lẻ 78,6 triệu cổ phiếu?

eJoy 4,5 triệu USD

Xuất hiện trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6 tập 4, Bùi Thị Hoàng Điệp giới thiệu đến các Shark sản phẩm eJoy của mình. Đây là công cụ học kiến thức và tiếng Anh qua hình thức xem phim, chơi game, thư giãn.

Theo chia sẻ của bên phát triển, eJoy tích hợp AI của Google, Microsoft, Amazon vào tất cả website để dịch thuật, tra cứu nội dung, từ đó tiết kiệm thời gian cho người dùng, giúp người dùng không còn phải tự mở từ điển tra cứu nữa. Ngoài dịch nghĩa, AI còn có thể tạo ra các câu đố (quiz) để người dùng tự lưu lại và ôn tập. Hoàng Điệp cho biết ở thời điểm hiện tại, eJoy là công cụ duy nhất có thể tích hợp vào tất cả các website video để hỗ trợ người dùng.

Đối tượng khách hàng mà eJoy đang khai thác là những người cần học các khóa trên các nền tảng như Coursera, Udemy hoặc các nền tảng chuyên ngành của họ bằng tiếng Anh, cần công cụ để dịch nghĩa, dịch thuật ngữ. Trong đó có 2 nhóm khách hàng tiêu biểu. Một là những người làm về công nghệ, cần cập nhật các kiến thức mới, hai là những bác sĩ cần học các kiến thức y khoa bằng tiếng Anh.

Mô hình kinh doanh của eJoy là thu phí thuê bao (subscription). Khách hàng có thể trả theo tháng, theo quý hoặc theo năm. Mức phí dao động từ 70.000đ/tháng đến 1,7 triệu đồng/năm. Với hơn 1,5 triệu người dùng kể từ khi thành lập năm 2019 đến nay, kèm thêm với 800.000 người dùng thường xuyên hằng tháng, eJoy có doanh thu trung bình khoảng 15.000 USD mỗi tháng. Doanh thu này đã giúp eJoy có lãi, nhưng eJoy vẫn đang dùng phần lãi để tiếp tục đầu tư vào các sản phẩm mới.

Hoàng Điệp mong muốn được các Shark đầu tư 100.000 USD cho 2,2% cổ phần, đồng nghĩa cô đang định giá doanh nghiệp của mình ở mức 4,5 triệu USD. Đây là một định giá rất cao.

Shark Hưng nhận định rằng thư viện và toàn bộ các USP (unique selling point - lợi điểm bán hàng độc nhất) của eJoy đều phụ thuộc hoàn toàn vào bên thứ ba. Nếu bên thứ ba có rục rịch hoặc thay đổi gì, thì xem như lợi thế của eJoy quay về con số 0.

Tương tự vậy, Shark Hùng Anh cũng cho rằng nền tảng dữ liệu của eJoy không phải đến từ chính nội lực công ty gây dựng nên. Và những băn khoăn của các “shark” không phải là không có cơ sở.

Bài học nhãn tiền

Nhiều người hẳn đã từng “log in” Facebook để chơi mấy trò Nông trại vui vẻ hay Mafia Wars. Nói không quá lời, Facebook lôi kéo được người dùng ban đầu cũng nhờ công rất lớn của những game như vậy.

Tác giả của mấy game đình đám đó là Zynga, một đối tác “ruột” của Facebook. Họ chuyên viết game trên nền tảng Facebook, và được Facebook chia lại cho một phần lợi nhuận, gần giống với việc YouTube đã chia cho Yeah1.

Mọi chuyện đang êm đẹp, cho đến một ngày, Facebook bỗng quay ngoắt sang các đối thủ cạnh tranh của Zynga. Họ mở cửa, mời gọi và hỗ trợ nhiệt tình cho các Cty khác “lao vào” làm game trên Facebook.

Chỉ trong thời gian ngắn, lượng game Facebook bỗng tăng vọt. Zynga bị chìm nghỉm, mất năng lực đàm phán. Bởi vì quá phụ thuộc vào nền tảng của Facebook nên Zynga không thể chống đỡ lại được “đòn” này. Cty này bị sụt ngay 36% doanh thu năm, đến nay đã 14 năm vẫn chưa gượng dậy lại được.

Một trường hợp “sát sườn” hơn chính là Yeah1. Yeah1 đã từng là một công ty rất mạnh trong việc làm nội dung hướng đến giới trẻ và tạo ra những xu hướng mới phát lên trên YouTube. Họ có 7 tỉ lượt xem mỗi tháng, đặc biệt là những khách hàng trẻ, những người sẵn sàng chi thoáng cho các sản phẩm yêu thích hoặc đang là xu hướng.

Giá cổ phiếu (YEG) của họ thời đỉnh cao đạt 343.000đ/cp. Doanh thu năm 2018 của Yeah1 đạt 1.658 tỉ đồng, tăng trưởng 97%, lợi nhuận sau thuế cả năm 180 tỉ đồng so với mức 82 tỉ đồng của năm 2017.

Yeah1 có lẽ vẫn phát triển mạnh mẽ nếu như đầu tháng 3/2019, Youtube không khóa toàn bộ tài khoản Youtube Adsense của họ với lý do “hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách”.

90% doanh thu của Yeah1 nhờ hoạt động trên Youtube, Yeah1 gần như không thể đỡ được “đòn đau” này. Chỉ trong một ngày cổ phiếu của họ bốc hơi 500 tỷ đồng vốn hóa, 10 ngày sau bốc hơi 3000 tỷ, cổ phiếu rớt giá còn hơn 10.000đ/cp. Đến nay Yeah1 vẫn chưa gượng dậy lại được.

Vì Yeah1 kinh doanh trên nền tảng Youtube, nên Youtube hoàn toàn nắm trong tay quyền sinh sát Yeah1. Youtube thích “ra tay” lúc nào, Yeah1 “chết” lúc đó.

Quay về với mô hình của eJoy, bản chất eJoy cũng là một tính năng tiện ích đính kèm vào các nền tảng của “người khác”. Vì thế, cũng giống như Zynga hay Yeah1 kể trên, “sinh mạng” của đơn vị “đính kèm” luôn nằm trong tay của chủ nền tảng. Mặc dù bây giờ eJoy đang có nhiều người dùng nhưng những người dùng này bản chất không hoàn toàn là “của eJoy”, mà phụ thuộc vào nền tảng khác. Điều đó tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Những lo ngại của các “shark” có vẻ như rất dễ hiểu.

Có thể bạn quan tâm

  • Yeah1 xoay xở tìm lại chính mình

    Yeah1 xoay xở tìm lại chính mình

    16:00, 11/07/2022

  • Lộ diện nhóm cổ đông “thay máu” Yeah1

    Lộ diện nhóm cổ đông “thay máu” Yeah1

    05:00, 08/06/2022

  • Yeah1 sắp thành công ty vô chủ?

    Yeah1 sắp thành công ty vô chủ?

    05:00, 30/05/2022

QUÂN BẢO