VNG “theo trend” ChatGPT

QUÂN BẢO 27/11/2023 02:00

ChatGPT được ví như hiệu lệnh xuất phát cho cuộc đua ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh. Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã triển khai và giờ là đến VNG.

>>AI “kiểu ChatGPT” cố vấn tài chính

Theo thông tin từ Nikkei Asia, CTCP VNG đang có kế hoạch triển khai dịch vụ trí tuệ nhân tạo. Cụ thể hơn, VNG cho biết trong hồ sơ nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vào tháng 8, họ đang xây dựng một mô hình ngôn ngữ lớn bằng tiếng Việt để “sáng tạo nội dung, dịch ngôn ngữ và chatbot”.

Gần đây, VNG đã mở rộng tính năng dịch thuật cho Zalo - ứng dụng trò chuyện của công ty này có mức độ phổ biến còn hơn cả Facebook tại Việt Nam. VNG cho biết sắp tới họ cũng bổ sung tính năng AI tạo sinh, có thể cho phép người dùng thực hiện mọi thứ, từ viết mail tới tìm kiếm các câu trả lời thông qua truy vấn AI.

Ngoài mục tiêu tạo ra đối thủ với ChatGPT, doanh nghiệp của ông Lê Hồng Minh còn có một loạt ứng dụng khác cho trí tuệ nhân tạo như hỗ trợ trợ lý giọng nói Alexa, tạo ra hình ảnh, âm thanh trong game, v.v..

“Chúng tôi cố gắng kết hợp AI vào tất cả các sản phẩm của mình, cho dù đó là game hay Zalo, thanh toán điện tử hay đám mây”, Phó Chủ tịch VNG Vương Quang Khải - người đảm nhiệm công cuộc chuyển đổi sang AI tại VNG chia sẻ.

Cuộc đua AI “kiểu ChatGPT”

Kể từ khi được giới thiệu vào tháng 11 năm 2022, ChatGPT đã tạo ra một “cơn sốt” trên toàn cầu. ChatGPT hiện có khoảng 100 triệu người dùng hoạt động hằng tháng và theo dự đoán, con số này sẽ còn tiếp tục tăng thêm.

Với khả năng tự động hóa các tác vụ thông thường, phân tích dữ liệu theo thời gian thực, hỗ trợ nhiều ngôn ngữ và cải thiện độ chính xác của dữ liệu, ChatGPT có thể giúp con người tối ưu hóa tài nguyên đồng thời tiết kiệm thời gian xử lý nhiều tác vụ. Theo đó, các chuyên gia cho rằng những tính năng này của ChatGPT sẽ mở ra những cơ hội hoàn toàn mới cho thế giới kinh doanh trong giải quyết các điểm khó khăn. Có lẽ bởi thế mà các doanh nghiệp lớn trên thế giới đua nhau tạo những AI kiểu ChatGPT của riêng mình.

Điển hình như Microsoft đã tích hợp ngay ChatGPT trên công cụ tìm kiếm Bing không lâu sau khi nó được ra mắt. Google cũng gấp gáp cho ra ứng dụng trí tuệ thông minh Google Bard AI. Đến Meta công ty chủ quản của Facebook cũng đã giới thiệu LLaMA - mô hình ngôn ngữ dự đoán có thể tạo ra những chatbot siêu AI trong tương lai. Hay thậm chí Got It - startup Việt ở Silicon Valley tháng 5 vừa rồi cũng đã giới thiệu Kiến trúc mô hình ngôn ngữ dành cho doanh nghiệp (ELMAR).

Theo Nikkei Asia, ngưỡng đầu tư vào LLM tại Trung Quốc đã tăng từ 50 triệu USD lên 100 triệu USD kể từ đầu năm nay. Hơn 20 tổ chức của Trung Quốc đã tuyên bố họ đang phát triển LLM - mô hình ngôn ngữ trí tuệ nhân tạo kiểu ChatGPT. Những tổ chức này bao gồm cả các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Alibaba, Tencent, Baidu và Huawei Technologies.

Và mới đây nhất, ngày 4-11, tỷ phú Mỹ Elon Musk - chủ sở hữu mạng xã hội X đã giới thiệu chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên "Grok" được tích hợp sẵn trên X và xe điện Tesla, cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT.

Doanh nghiệp Việt bắt “trend”…

Tại Việt Nam, nhiều người đã tìm đến sử dụng ChatGPT từ đầu năm nay, nhưng phản hồi của chatbot bằng tiếng Việt kém chính xác hơn so với tiếng Anh. Chính vì vậy, dù không thể phủ nhận các lợi ích của ChatGPT, nhưng do những hạn chế về ngôn ngữ và dữ liệu bản địa, nên công cụ này không mấy phổ biến ở Việt Nam.

CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng từng đưa ra khuyến nghị việc nâng cấp giải pháp AI chatbot với dữ liệu được sử dụng để đào tạo là của Việt Nam với tri thức về lịch sử, văn hóa của người Việt, do người Việt Nam làm chủ công nghệ. Nhưng hiện tại, ngoài tuyên bố doanh nghiệp đã thử nghiệm thành công chặn spam tin nhắn, email bằng mô hình AI xử lý ngôn ngữ tự nhiên, sử dụng công nghệ GPT, vị CEO này chưa có thêm cập nhật gì về việc cho ra mắt một sản phẩm như ChatGPT nhưng mà là phiên bản thuần Việt.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt cũng rất tích cực ra mắt những nền tảng chatbot tương tự như LovinBot, VoiceGPT, v.v.. Nhưng cụ thể những “ChatGPT Việt” này có thành công hay không thì chưa rõ vì họ luôn im hơi lặng tiếng kể từ khi ra mắt đến nay.

Liệu VNG có bắt nổi “trend”?

Có một vấn đề khó khăn dành cho các doanh nghiệp muốn triển khai AI kiểu ChatGPT chính là dữ liệu. Bởi, dữ liệu chính là yếu tố cốt lõi rất cần để máy học, tạo ra một mô hình LLM hoàn chỉnh, cho ra được kết quả chính xác. Với VNG, họ đang có một lợi thế lớn bởi kỳ lân công nghệ này vốn sở hữu Zalo - ứng dụng trò chuyện với với 75 triệu người dùng.

Theo DataReportal, tại Việt Nam, có đến hơn 90% người dùng internet sử dụng Zalo, nhiều hơn hẳn so với lượng người sử dụng TikTok và Facebook Messenger chỉ chiếm có 77%. Bởi vậy, đây có thể là nguồn dữ liệu dồi dào lại thuần Việt để VNG cho máy học, tạo ra AI kiểu ChatGPT dành cho người Việt có độ chính xác cao hơn. Đây là một lợi thế rất lớn mà các doanh nghiệp khác không dễ có.

Như vậy là, VNG hoàn toàn có khả năng tự làm cho mình một AI kiểu ChatGPT dựa vào những nguồn lực sẵn có. Kết quả của mô hình mới này còn quá sớm để dự đoán. Song có một điều chắc chắn rằng VNG đang kỳ vọng tạo ra được mảng doanh thu mới, đồng thời dựa vào đó nâng cao danh tiếng tạo cơ hội niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. CEO của VNG Lê Hồng Minh chia sẻ với Nikkei Asia: “Tôi muốn thế giới thấy rõ có một công ty xứng đáng với danh hiệu công ty công nghệ toàn cầu có trụ sở tại Việt Nam. Điểm mạnh của VNG là vừa bay bổng vừa thực tế”.

Có thể bạn quan tâm

  • Apple phải gỡ hơn 100 ứng dụng “kiểu ChatGPT” tại Trung Quốc

    Apple phải gỡ hơn 100 ứng dụng “kiểu ChatGPT” tại Trung Quốc

    00:15, 09/08/2023

  • Stanford: ChatGPT đang ngày càng “kém thông minh” hơn

    Stanford: ChatGPT đang ngày càng “kém thông minh” hơn

    03:00, 28/07/2023

  • AI “kiểu ChatGPT” chẩn đoán bệnh

    AI “kiểu ChatGPT” chẩn đoán bệnh

    05:01, 14/07/2023

QUÂN BẢO