Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất phải đặt trong bối cảnh phát triển chung của ngành
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc quy hoạch, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất phải được đặt trong bối cảnh phát triển chung cảng hàng không khu vực này và theo lộ trình đến năm 2025 đưa sân bay Long Thành vào khai thác. Sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất sẽ cùng được duy trì khai thác.
Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2018.
Khai thác đồng thời cả sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất
Có thể bạn quan tâm |
Bởi theo Thứ trưởng, thực chất sân bay Tân Sơn Nhất đã có quy hoạch từ trước, do tư vấn Việt Nam lập, vì vậy cần xem xét trong bối cảnh chung. Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT tuyển tư vấn nước ngoài để rà soát và công ty tư vấn ADPi Engineering của Pháp được chọn. Họ nghiên cứu rất công phu, báo cáo cả Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Sau đó Bộ họp công khai cách đây 2 ngày.
Theo Thứ trưởng Đông: “Phải đặt việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất trong bối cảnh phát triển chung cảng hàng không khu vực này và theo lộ trình đến năm 2025 đưa sân bay Long Thành vào khai thác. Khi đưa vào khai thác sân bay Long Thành không có nghĩa sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đóng cửa, mà vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, giống như một số sân bay tương tự tại Nhật Bản, Thái Lan...
Chúng ta phải xác định, cân nhắc hiệu quả đồng vốn đầu tư, hiệu suất sử dụng để không dư thừa năng lực, đồng tiền khi đầu tư… Tất cả những mặt này đã được nghiên cứu kỹ từ tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài”.
Tiếp thu thêm ý kiến
Về những ý kiến phản biện của nhóm tư vấn TP HCM, ông Đông cho hay, Bộ sẽ tiếp thu và làm rõ việc quy hoạch trước kia còn phù hợp hay không trong bối cảnh tương quan 2 sân bay (Long Thành và Tân Sơn Nhất).
Theo đó, trong khi tư vấn Pháp cho rằng việc mở rộng sân bay này về phía Bắc (khu vực có đất quốc phòng, sân golf) sẽ gây tốn kém trong thu hồi đất, ảnh hưởng tới khu vực dân cư xung quanh,… nên đã đề xuất chủ yếu mở rộng sân bay về phía Nam. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu của TP HCM lại có quan điểm ngược lại và thống nhất phương án mở rộng Tân Sơn Nhất về phía Bắc dù có hay không xây thêm đường băng thứ 3
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc và xây thêm đường băng thứ 3 hay không đã được đề cập trước đây, qua nghiên cứu, tư vấn nước ngoài đề nghị không xây dựng đường băng thứ 3 và phát triển thêm đường lăn, phát triển ga hàng hoá, cơ sở dịch vụ hàng không…
"Chúng ta vẫn phải tận dụng phát triển về phía Bắc, trong khi phát triển nhà ga về phía Nam tổ chức sẽ hiệu quả, đảm bảo giá trị đồng tiền”, Thứ trưởng Giao thông nhấn mạnh và khẳng định, Bộ sẽ tiếp thu cả những ý kiến mang tính phản biện, hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng trong tháng 3.
Trước đó, trong cuộc họp của ADPi với lãnh đạo Bộ Giao thông vào chiều qua 27/2, một số chuyên gia cho rằng, việc xây dựng đường băng mới là rất tốn kém, ngoài chi phí xây dựng nêu trên còn thêm chi phí giải phóng mặt bằng 45.000 tỷ đồng với hàng nghìn hộ dân.
Sân bay Tân Sơn Nhất rộng khoảng 800 ha, bao gồm hai đường băng nằm về phía bắc nhà ga hành khách và hai nhà ga hành khách T1, T2. Phía bắc là khu vực đất quốc phòng, sân golf do Bộ Quốc phòng quản lý rộng 157 ha; phía đông tây sân bay đều tiếp giáp khu dân cư. Công suất sân bay Tân Sơn Nhất đạt 25 triệu hành khách, song mỗi năm đón khoảng 35 triệu người. Trước tình trạng quá tải, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông nghiên cứu phương án mở rộng sân bay này trong khi chưa xây dựng sân bay Long Thành. Phương án được trình dự kiến bổ sung đường lăn song song, hệ thống đường lăn nối và xây dựng bổ sung nhà ga T4 mà không phải giải phóng mặt bằng khu dân cư, thời gian thực hiện quy hoạch nhanh (khoảng từ 2 đến 3 năm). Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch Tân Sơn Nhất, tháng 10/2017, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông chủ trì thuê tư vấn chuyên ngành nước ngoài đủ năng lực, kinh nghiệm để khảo sát, nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cả về phía bắc (khu vực sân golf) và phía nam; nâng tổng công suất đạt khoảng 45 - 50 triệu hành khách/năm. |