BOT Cai lậy trước giờ G: Phương án nào tối ưu?
Hơn hai tháng trôi qua kể từ sau quyết định tạm dừng thu phí tại BOT Cai Lậy của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến trong vài ngày tới, Chính phủ sẽ “chốt” phương án từ 4 phương án Bộ GTVT trình lên. Tại thời điểm chưa ngã ngũ này, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng phương án “giải cứu” BOT Cai Lậy phải là trả về đúng tuyến tránh.
Trả lời tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, ngày 17/1, Bộ đã báo cáo Chính phủ các phương án giải quyết bất cập tại trạm thu giá BOT Cai Lậy theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 34/TB-VPCP ngày 23/1/2018.
"Trong các phương án có nội dung điều chỉnh thời gian thu phí. Ví dụ, dừng thu phí thì dùng nguồn tiền nào để trả và trả theo thời gian bao lâu, như vậy phải đàm phán với nhà đầu tư? Phương án chỉ thu phí trên tuyến tránh thì sẽ phải theo dõi lại lượng xe, tính toán lại thời gian bảo đảm", Thứ trưởng Đông nói.
Đại diện Bộ GTVT cũng cho biết có cả phương án đặt 2 trạm thu phí, trạm trên Quốc lộ 1. "Hai trạm thu này để hoàn phần đầu tư vào Quốc lộ, còn trạm đặt trên tuyến tránh dùng cho tuyến tránh... Cũng có phương án giảm mức phí cho phương tiện từ 30-100% đối với một số xã lân cận trạm BOT, Bộ GTVT đang tiếp tục nghiên cứu và sẽ sớm báo cáo Chính phủ trong những ngày tới”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Có thể bạn quan tâm |
Theo đại diện Bộ GTVT, các phương án đưa ra được cho là căn cứ vào nhiều yếu tố. Quan điểm của Bộ GTVT là hài hòa được lợi ích của người dân và phương án tài chính của chủ đầu tư.
Trước đó, sau những lùm xùm tại BOT Cai Lậy, ngày 4/12/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau khi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cùng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.
Sau đó, Người đứng đầu Chính phủ đã quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy từ 1-2 tháng để tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn.
Chia sẻ với DĐDN, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, 4 phương án được Bộ GTVT đưa ra đều phải cân bằng lợi ích của người dân và nhà đầu tư. “Về lâu dài BOT Cai Lậy phải đưa trạm về đường tránh. Bộ GTVT phải đàm phán lại với nhà đầu tư đã thảm lại mặt đường 1 để có phương án xử lý, kiểm tra, tính toán chất lượng để đền bù thoả đáng cho nhà đầu tư”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nhìn nhận.
Đặc biệt, không chỉ với riêng BOT Cai Lậy, tất cả các dự án BOT đều cần phải công khai, minh bạch. Nói như ông Trần Văn Bình, chủ cơ sở vận tải đường bộ tại tỉnh Vĩnh Long cho rằng, người dân không phản ánh việc nhà nước huy động vốn xã hội hóa để đầu tư cho công trình thiết yếu, bức xúc mà chỉ phản ánh những dự án chưa hợp lý và không công khai minh bạch tương tự như dự án BOT Cai Lậy.
Tuy nhiên, theo ông Bình, dự án dẫu sao cũng đã làm rồi, theo lý và tình người tham gia giao thông phải góp chi phí hoàn vốn cho nhà đầu tư, vấn đề phương thức và mức thu phải hợp lý.
“Người dân phản đối BOT Cai Lậy là vì nhà đầu tư quá tận thu, làm tuyến tránh nhưng lập trạm thu trên quốc lộ 1 là không hợp lý. Do đó, phương án hợp lý nhất là dời trạm vào thu trên tuyến tránh còn phần đầu tư tăng cường mặt đường thì nhà nước "thối" lại cho nhà đầu tư”, ông Bình kiến nghị.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh An Giang phân tích, hàng năm nhà nước thu phí bảo trì đường bộ hàng chục ngàn tỷ đồng, mục đích sử dụng số tiền này chủ yếu để duy tu bảo dưởng và đầu tư công trình giao thông.
“Như vậy, Bộ GTVT có thể sử dụng kinh phí này để hoàn trả phần nhà đầu tư bỏ ra để tăng cường mặt đường trên tuyến quốc lộ 1 và dời trạm thu phí vào tuyến tránh để thu hoàn vốn cho tuyến tránh. Đây được xem là phương án tối ưu nhất trong 4 phương án mà Bộ GTVT đã trình Chính phủ xem xét”, ông Xuân khẳng định.
Ông Xuân lý giải, khi di dời trạm thu phí về đúng vị trí ở tuyến tránh, Bộ GTVT có toàn quyền đưa ra những quyết định hành chính nhằm hạn chế phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1 vào thị xã Cai Lậy. Ví dụ cấm xe tải nặng, xe chở nhiều hành khách, giờ cao điểm... nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân địa phương, đảm bảo quyền lợi của người dân và nhà đầu tư BOT.
“Đồng thời với việc dời trạm thu phí, Bộ GTVT sẽ điều chỉnh tăng thời gian thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh lên 10 năm, thậm chí lâu hơn. Đây là giải pháp duy nhất đối với BOT Cai Lậy, bởi vì nó vừa phù hợp với pháp luật, vừa dung hòa được lợi ích của người dân và doanh nghiệp”, Luật sư Hoàng Văn Hướng - Học viện Tư pháp nhận định.
Là một trong 88 tuyến giao thông được xây dựng theo hình thức BOT, tuyến tránh Cai Lậy được xây dựng theo Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 108 của Chính phủ về huy động nguồn lực ngoài xã hội để hiện đại hóa hạ tầng giao thông. Dự án BOT Cai Lậy có tổng mức đầu tư là 1.398 tỷ đồng (chưa quyết toán), nguồn vốn 100% tư nhân. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 210 tỷ đồng (Bắc Ái góp 136,5 tỷ đồng (65%); TRICO góp 73,5 tỷ đồng (35%)), chiếm 15% tổng mức đầu tư; phần còn lại là vốn vay ngân hàng. Năm 2014: Khởi công dự án gồm phần tuyến tránh qua thị xã Cai Lậy đầu tư mới dài 12km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và thêm phần bảo trì Quốc lộ 1 đoạn qua Cai Lậy dài 26,5km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng, trong đó nâng cấp 14 cầu. Trạm thu phí ban đầu được thiết kế đặt trên quốc lộ cách vị trí hiện nay 600 m về hướng Vĩnh Long nhưng năm 2015, liên doanh đầu tư, quản lý và khai thác dự án xin điều chỉnh vị trí trạm về vị trí hiện nay với lý giải do chỗ cũ dân đông, đất thổ cư nhiều và chưa thống nhất khiếu nại đền bù và được Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang và UBND huyện Cai Lậy đã đồng ý. |