Quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần
Tư tưởng của Chủ tich Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần ở thời kỳ quá độ đã soi sáng đường lối xây dựng và phát triển kinh tế trong sự nghiệp đổi mới.
Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, nhà nước VN Dân chủ Cộng hoà vừa ra đời, ngày 23/9/1945 thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần nữa. Cả nước đứng lên thực hiện cuộc kháng chiến vệ quốc thần thánh.
Trong đường lối kháng chiến, Hồ Chí Minh chủ trương “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” - một chủ trương thể hiện sinh động sự kết hợp hai giai đoạn của cách mạng VN trong kháng chiến. Cuối cuộc kháng chiến (1953) Hồ Chí Minh viết tác phẩm Thường thức chính trị. Trong tác phẩm này Hồ Chí Minh chỉ ra 6 thành phần kinh tế ở nước ta (vùng tự do): Một là, kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô. Hai là, kinh tế quốc doanh, có tính chất chủ nghĩa xã hội. Ba là, các hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã mua bán, có tính chất nửa chủ nghĩa xã hội. Các hội đổi công ở nông thôn, cũng là một loại hợp tác xã. Bốn là, kinh tế cá nhân của nông dân và của thủ công nghệ, họ thường tự túc ít có gì bán và cũng ít khi mua gì. Đó là một thứ kinh tế lạc hậu. Năm là, kinh tế tư bản tư nhân. Họ bóc lột công nhân, nhưng đồng thời họ cũng góp phần vào xây dựng kinh tế. Sáu là, kinh tế tư bản quốc gia là Nhà nước hùn vốn với tư nhân để kinh doanh và do Nhà nước lãnh đạo. Trong loại này tư bản của tư nhân là chủ nghĩa tư bản. Tư bản của Nhà nước là chủ nghĩa xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân
11:22, 19/05/2018
Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm: "Dùng cán bộ cho khéo"
09:59, 19/05/2018
Bác Hồ và “Nghị quyết” đầu tiên về Doanh nhân
11:39, 19/05/2018
Để xây dựng và phát triển nền kinh tế có nhiều thành phần như trên, Hồ Chí Minh đưa ra chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ gồm bốn điểm mấu chốt: Một là, công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế thì phải trừng trị. Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân. Hai là, chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên. Ba là, công nông giúp nhau. Công nhân ra sức sản xuất nông cụ và các thứ cần dùng khác, để cung cấp cho nông dân. Nông dân thì ra sức tăng gia sản xuất, để cung cấp lương thực và các thứ nguyên liệu cho công nhân. Do đó mà càng thắt chặt liên minh giữa công nông. Bốn là Lưu thông trong ngoài. Ta ra sức khai lâm thổ sản để bán cho các nước bạn và để mua những thứ ta cần dùng. Các nước bạn mua những thứ ta đưa ra và bán cho ta những hàng hoá ta chưa chế tạo được. Đó là chính sách mậu dịch, giúp đỡ lẫn nhau rất có lợi cho kinh tế ta.
Khi miền Bắc được giải phóng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, giai cấp địa chủ phong kiến bị đánh đổ, đồng nghĩa với thành phần kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô bị xoá bỏ. Vì vậy miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại năm thành phần kinh tế mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ năm 1953. Hồ Chí Minh vẫn nhất quán với quan điểm xây dựng, phát triển và sử dụng nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng nước ta.
Chính sách Người nêu đối với các thành phần kinh tế lúc này là: Thứ nhất, với kinh tế quốc doanh – là hình thức sở hữu của toàn dân, nó lãnh đạo nền kinh tế quốc dân. Cần phải phát triển thành phần kinh tế quốc doanh để tạo nền tảng vật chất cho chủ nghĩa xã hội và thúc đẩy việc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Nhà nước phải đảm bảo cho nó phát triển ưu tiên. Hai là, với kinh tế hợp tác xã – là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động; Nhà nước cần đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ cho nó phát triển. Hợp tác hoá nông nghiệp là khâu chính thúc đẩy công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Cần phát triển từng bước vững chắc tổ đổi công và hợp tác xã. Ba là, với kinh tế cá thể của những người làm nghề thủ công và lao động riêng lẻ khác, Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của họ, ra sức hướng dẫn và giúp đỡ họ cải tiến cách làm ăn, khuyến khích họ tổ chức hợp tác xã sản xuất theo nguyên tắc tự nguyện. Bốn là, với kinh tế của những nhà tư sản công thương, Nhà nước không xoá bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ; mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước. Năm là, với kinh tế tư bản nhà nước, Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ các nhà tư bản đi theo chủ nghĩa xã hội bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức khác; Nhà nước lãnh đạo hoạt động kinh tế theo một kế hoạch thống nhất.
Thừa nhận sự tồn tại khách quan, lâu dài của các thành phần kinh tế không xã hội chủ nghĩa là sự vận dụng sáng suốt những quan điểm mácxít của Hồ Chí Minh trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thời kỳ quá độ. Mặt khác với đường lối xây dựng, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần của Hồ Chí Minh đã huy động được sức mạnh của toàn dân tộc có liên minh công nông trí thức làm gốc cùng tiến vào thời kỳ mới của dân tộc – xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, hoàn thành khát vọng của dân tộc: Độc lập dân tộc và tự do hạnh phúc cho toàn dân.