Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm: "Dùng cán bộ cho khéo"

Phương Thảo (tổng hợp) 19/05/2018 09:59

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ của Đảng, cho đó là “cái gốc” của sự nghiệp cách mạng.

Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII) vừa khép lại, nhưng những vấn đề nóng hổi về công tác cán bộ vẫn còn để lại nhiều dư âm trong các tầng lớp nhân dân.

Khái niệm về cán bộ được Hồ Chủ tịch nêu lên lần đầu tiên trong dịp thăm tỉnh Thanh Hóa, ngày 20-02-1947: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.

Với cách đánh giá như vậy, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10-1947), Người đúc rút: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định” và dành toàn bộ phần IV để viết về vấn đề cán bộ. Trong công tác cán bộ, yêu cầu đầu tiên của Hồ Chủ tịch là phải vận dụng quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào việc xem xét, đánh giá cán bộ. Đó là quan điểm khách quan, bởi nếu không thì “cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông”; quan điểm phát triển “Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của người cũng biến hóa. Vì vậy cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa”; quan điểm lịch sử, cụ thể “Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất, ngày 1/5/1952. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất, ngày 1/5/1952. (Ảnh tư liệu)

Người yêu cầu phải biết phân tích bản chất và hiện tượng, bên trong và bên ngoài của một con người khi thực hiện các công việc khác nhau trong cả một giai đoạn dài: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ”. Cùng với đó, Người dẫn chứng rất cụ thể một số biểu hiện của người tốt, người không tốt, thậm chí là tay sai của địch; trong đó, tiêu chuẩn quan trọng nhất để phân biệt cán bộ tốt là “cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không”. Với quan điểm và phương pháp đánh giá cán bộ như vậy không những đánh giá, sử dụng đúng cán bộ mà còn khắc phục được những căn bệnh, khuyết điểm chủ quan thường mắc trong công tác cán bộ.

Từ quan điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở các cấp, các ngành: “Phải cân nhắc cán bộ cho đúng và phải dùng cán bộ cho khéo”, “Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc”, “nếu cân nhắc không cẩn thận không khỏi đem người chỉ nói mà không làm vào những địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại”.

Người viết: "khi cất nhắc cán bộ cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy mến phục không, nghĩa là phải xem xét uy tín của cán bộ trước quần chúng". Ngoài ra cần "phải xem người ấy xứng với việc gì". Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh "nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc", "nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người chỉ nói mà không làm vào những địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại". Người phê phán "thường chúng ta không biết tuỳ tài mà dùng người", "thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao, thành thử hai người đều lúng túng". Người chỉ ra tác dụng to lớn của việc bố trí sử dụng đúng người, đúng việc "Nếu biết tuỳ tài mà dùng người sẽ thành công". Ngoài ra còn phải biết "phân phối cán bộ cho đúng" nghĩa là phải bố trí cán bộ cho các ngành, các khu vực, các cấp một cách hợp lý, "phải dùng người, đúng chỗ, đúng việc".

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, thấu hiểu nhân tình, thế thái, nên Hồ Chủ tịch phát triển kinh nghiệm dùng người của các bậc tiền nhân một cách rất biện chứng và nhân văn: “Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người sửa chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được”. Bởi vì, tuy nói “tùy tài mà dùng người”, nhưng năng lực của mỗi người không phải tự nhiên mà có, phần nhiều tích lũy được qua rèn luyện, phấn đấu, nên quá trình sử dụng phải biết tạo điều kiện để cán bộ phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, nếu không vừa hỏng việc vừa mất cán bộ: “Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời”.

Muốn dùng cán bộ lâu dài, đạt hiệu quả, theo Bác, vừa phải có tinh thần đấu tranh phê bình vừa phải biết yêu thương cán bộ. Bằng sự từng trải, Hồ Chủ tịch cho rằng, có làm việc thì có sai lầm, vấn đề là phải phê bình cho đúng và kịp thời để người cán bộ dễ dàng nhận ra và vui vẻ sửa chữa. Phê bình cho đúng tức là không nên nặng lời, công kích mà bằng thái độ chân thành cùng với họ phân tích nguyên nhân và hậu quả của sai lầm đó, làm cho người mắc sai lầm tự nhận rõ để sẵn sàng khắc phục, không có cảm giác bị ép buộc phải sửa chữa. Kịp thời là “hễ thấy cán bộ sai lầm, phải lập tức sửa chữa ngay”, không để xảy ra sai lầm lớn. Nếu để xảy ra lầm lỗi lớn mà không xử phạt thì sẽ mất sự tôn nghiêm của kỷ luật, mà xử phạt thì làm cho người đó “mất cả lòng tự tin, người hăng hái cũng hóa thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng”.

Như vậy, quan điểm về phê bình cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc và tình thương đối với cán bộ. Người cho rằng: “Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ”. Theo Hồ Chủ tịch, phê bình và yêu thương có sự tác động với nhau một cách biện chứng: “Thương yêu là luôn luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa ngay”. Người còn cho rằng, thương yêu là tạo điều kiện để cán bộ học tập nâng cao trình độ và cơ hội cống hiến; đồng thời, quan tâm giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống để yên tâm công tác.

Như vậy, quan điểm đánh giá và sử dụng cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa toàn diện, vừa tổng hợp mà cốt lõi của nó là nguyên tắc khách quan, công bằng và công tâm. Chỉ trên quan điểm đánh giá, sử dụng cán bộ như vậy, chúng ta mới đánh giá, sử dụng đúng cán bộ, đánh giá, sử dụng đúng tài năng, đức độ của cán bộ để bố trí họ vào những vị trí hữu ích nhất cho dân, cho nước.

Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018) đúng vào dịp Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) vừa thành công tốt đẹp. Hội nghị đã bàn một trong những vấn đề hết sức quan trọng của Đảng là “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Cán bộ cấp chiến lược, có thể được hiểu là cán bộ cấp Trung ương (trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ trưởng, trưởng các ngành, thứ trưởng, phó trưởng các ngành, cán bộ cấp tỉnh, thành là bí thư và phó bí thư, chủ tịch Ủy ban nhân dân…).

Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải là cán bộ có tư duy tầm chiến lược; nắm bắt được cục diện để hoạch định chiến lược có tính dài hạn và cốt lõi; phải hiểu và vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm toàn diện, biết lựa chọn vấn đề trọng tâm nhằm tạo ra đột phá trong phát triển; biết hiện thực hóa tư duy thành hành động mang tính thuyết phục cao, có khả năng truyền cảm hứng và đặc biệt phải biết cách dùng người, nhất là các chuyên gia giỏi, có uy tín, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng; đặc biệt phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức, có khả năng tự kiểm soát bằng đạo đức (Báo Nhân dân điện tử ngày 15/5/2018).

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khái quát: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” và Người cũng chỉ dặn: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư” (Hồ Chí Minh Toàn tập, sách đã dẫn, tr. 291).

Lời căn dặn của Bác với cán bộ và công tác cán bộ cũng chính là mong mỏi của nhân dân về việc Đảng ta có đội ngũ cán bộ được dân tin yêu, quý trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm: "Dùng cán bộ cho khéo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO