IMF lo ngại “cú sốc tiêu cực mới” với kinh tế thế giới
Vừa qua, IMF không chỉ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018 và 2019, mà còn cảnh báo những rủi ro cho các quốc gia.
Trước thềm Hội nghị mùa thu thường niên của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) được tổ chức ở Bali, Indonesia, IMF đã đưa ra dự báo mới về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và của những nền kinh tế lớn nhất trên thế giới nói riêng cho năm nay và năm tới.
Lý do cắt giảm dự báo
Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới lần này của IMF thấp hơn so với lần trước. Bức tranh kinh tế của thế giới và của các nền kinh tế lớn được Giám đốc điều hành IMF, bà Christine Lagarde, phác hoạ một cách rất hài hước: "Trời mới mưa phùn, chưa mưa rào".
So với mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 2018 được đưa ra hồi đầu năm nay là 3,9%, IMF đưa ra dự báo mới giảm 0,2% xuống còn 3,7% cho năm 2018 và trong năm 2019 cũng sẽ vẫn ở mức như vậy. Điều này hàm chứa lo ngại sâu sắc của IMF về khả năng xảy ra "những cú sốc tiêu cực mới" trong thời gian tới làm cho mức tăng trưởng kinh tế của thế giới nói chung và của các nền kinh tế lớn trên thế giới nói riêng có thể còn bị suy giảm nhiều hơn nữa.
Kinh tế Mỹ, khu vực châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, các nền kinh tế mới nổi khác đều bị IMF điều chỉnh mức độ dự báo tăng trường cho năm nay xuống từ 0,2- 0,4% với chiều hướng diễn biến sang năm tới như dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung. Dự báo mới của IMF cho thấy, tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn tiếp diễn, cho dù vẫn còn ở mức độ thấp, và phía trước là thời kỳ bất ổn định, nhiều rủi ro, nhưng cũng chưa thể dự đoán được thời kỳ này sẽ kéo dài hay ngắn.
Việc IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới cho thấy, sự lo ngại sâu sắc của tổ chức này về khả năng xảy ra những “cú sốc tiêu cực mới” với kinh tế thế giới trong thời gian tới.
IMF đã đưa ra đưa ra 2 cơ sở cho những dự báo trên: Thứ nhất, tình hình tài chính tiền tệ ở các nền kinh tế mới nổi có biểu hiện khủng hoảng mà chưa có chính sách đối phó kiên quyết và hiệu quả. Thứ hai, với những chính sách bảo hộ thương mại, ông Trump đã và đang tiếp tục gây ra những xáo trộn lớn trong các mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế. IMF cho rằng, chính sách bảo hộ của Mỹ sẽ khiến tốc độ tăng trưởng thương mại thế giới giảm ít nhất 0,4% trong năm 2018, thậm chí giảm mạnh hơn nữa trong năm tới.
Có thể bạn quan tâm
IMF cắt giảm dự báo GDP của Đức xuống 2,3%
12:36, 05/07/2018
IMF: Nợ toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục
13:22, 19/04/2018
Tổng Giám đốc IMF: Sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán là tích cực
06:15, 12/02/2018
Bài học cho các quốc gia
IMF cho rằng, ở phần lớn các nền kinh tế trên thế giới, các cuộc cải cách kinh tế đều không được tiến hành kịp thời hoặc nếu có, thì cũng không được thực thi một cách đầy đủ và triệt để, vẫn còn nặng về hình thức, nhẹ về thực chất, và vẫn còn bị chính trị hoá.
Một lý do khác nữa được IMF đưa ra nhưng không được coi là nguyên nhân làm giảm tăng trưởng kinh tế thế giới, đó là tác động tiêu cực của diễn biến tình hình chính trị an ninh trên thế giới. Bất ổn nói chung và xung khắc lợi ích giữa các quốc gia hay cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn với nhau không phải là điều tốt lành gì đối với môi trường tăng trưởng kinh tế và kinh doanh quốc tế. Việc giá dầu mỏ tăng, đồng USD mạnh lên và khó khăn tài chính tiền tệ ở nhiều nền kinh tế mới nổi đều khiến IMF phải thận trọng hơn trong dự báo của mình.
Sự thận trọng của IMF là cần thiết và những cảnh tỉnh của tổ chức này là không thừa. Một khi kinh tế thế giới thiếu vắng đầu tàu, lại gặp phải nhiều khó khăn và thách thức về tăng trưởng như hiện tại, thì các nền kinh tế trên thế giới phải kịp thời rút ra được cho mình những nhận thức cần thiết, những kết luận làm bài học để tránh phải trả giá đắt. Hơn lúc nào hết, vấn đề quan trọng đặt ra lúc này là các quốc gia cần chủ động gây dựng, củng cố và tăng cường tính bền vững của phát triển kinh tế- xã hội, lành mạnh hoá nền tài chính ngân sách thông qua chi tiêu hợp lý và kiểm soát tốt nợ công, ổn định tiền tệ và ngăn ngừa nguy cơ bị “vạ lây” bởi biến động của các đồng tiền bên ngoài.
Bài học ở đây còn phải có đối sách thích hợp để đối phó với tác động của những đột biến có thể xảy ra trong thời gian tới như giá dầu mỏ còn tăng nữa, đồng USD còn mạnh thêm nữa, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung còn leo thang hơn nữa, khủng hoảng tiền tệ có thể xảy ra ở một số nước, chính trị thế giới diễn biến phức tạp hơn nữa…