Xoá bỏ hạn chế ngành nghề với lao động nữ?
Trong tháng 10 này, Dự thảo Bộ Luật Lao động mới sẽ được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến các bộ ngành, sau đó trình Thủ tướng vào tháng 12 và trình Thường vụ Quốc hội tháng 3/2019.
Dự Luật sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5/2019 và dự kiến thông qua vào kỳ họp sau đó.
Theo đó, hiện Chính phủ Việt Nam đang tiến hành sửa đổi Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2012 với nguyên tắc bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) trong lao động.
Lao động mất cơ hội việc làm
Theo đó, bên cạnh những mặt được, việc BLLĐ năm 2012 chứa đựng nhiều quy định mang tính có lợi hơn cho lao động nữ so với lao động nam làm xuất hiện tình trạng doanh nghiệp hạn chế sử dụng lao động nữ vì làm tăng chi phí doanh nghiệp do phải thực hiện các chế độ chính sách đối với lao động nữ.
Nói như Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, mặc dù Chính phủ Việt Nam luôn coi bình đẳng giới là ưu tiên quan trọng trong xây dựng, triển khai chính sách, pháp luật. Nhưng hàng loạt thách thức còn tồn tại như khoảng cách giới trong phân bổ việc làm theo khu vực và nghề nghiệp; phụ nữ vẫn còn khó khăn hơn nam giới trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là các nhóm lao động nữ nghèo, nữ nông thôn, di cư, dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, thu nhập giữa lao động nữ và lao động nam còn chênh lệch, xét trong cả giai đoạn 2009-2016, tiền lương bình quân của nữ luôn thấp hơn nam với mức chênh lệch khoảng 30 USD trên tổng mức lương 200 USD/tháng.
Do đó, các kiến nghị góp ý sửa đổi BLLĐ lần này đã có nhiều nội dung chú trọng vào bình đẳng giới giữa lao động nam và nữ. Cụ thể, tại Điều 160 BLLĐ năm 2012 quy định không sử dụng lao động nữ trong 3 loại công việc gồm thứ nhất, công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ. Thứ hai, công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước. Thứ ba, công việc làm thường xuyên dưới hầm mỏ.
Mặc dù quy định này được ban hành nhằm bảo vệ lao động nữ bằng cách loại trừ họ khỏi các công việc nặng nhọc, các công việc được xác định là có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ của lao động nữ.
Tuy nhiên, theo báo cáo của nhóm chuyên gia Dự án Investing in Women (Úc) cho thấy, quy định này là phân biệt đối xử đối với lao động nữ, loại trừ họ khỏi cơ hội tiếp cận, lựa chọn việc làm và có thu nhập từ việc làm một số công việc, mặt khác, chưa bình đẳng trong việc bảo vệ chức năng sinh sản của lao động nam, Nhà nước chưa ban hành và công khai Danh mục những công việc ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản của lao động nam.
Hơn nữa, do các công việc trong thị trường lao động thay đổi rất nhanh, nên danh mục các công việc ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ sinh sản sẽ thường xuyên bị lạc hậu, thiếu hoặc thừa.
“Nếu giữ nguyên chính sách, lao động nữ sẽ không có cơ hội làm các công việc này ngay cả khi các công việc đó đã không còn các yếu tố độc hại, nguy hiểm”, chuyên gia lưu ý.
Có thể bạn quan tâm
TP HCM: Nhiều băn khoăn của doanh nghiệp về Dự án Bộ luật lao động
11:30, 06/09/2018
Việt Nam – Ethiopia chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật Lao động
15:48, 13/03/2016
Hiểu biết của doanh nghiệp về pháp luật lao động tăng lên rõ rệt
21:09, 02/11/2015
“Đòn bẩy” nâng cao nhận thức về pháp luật lao động
19:42, 01/11/2015
Để lao động tự quyết định công việc
Về mặt pháp luật, quy định hiện hành cũngg không phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật Bình đẳng giới và Luật Việc làm cũng như nguyên tắc của Bộ luật Lao động do hạn chế quyền được lựa chọn việc làm cũng như cơ hội có việc làm của lao động nữ. Bộ luật Lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động và Luật Việc làm do chưa quan tâm và tạo ra sự bình đẳng trong việc cảnh báo, khuyến cáo lao động nam về bảo vệ chức năng sinh sản của họ.
Do vậy, nhóm chuyên gia kiến nghị: “Người lao động cần có quyền tự quyết định lựa chọn làm các công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ với điều kiện được thông tin đầy đủ về các công việc đó”.
Cách tiếp cận này sẽ mang lại cơ hội bình đẳng cho lao động chủ động lựa chọn việc làm phù hợp với nhu cầu và điều kiện trong mỗi giai đoạn. Giúp người cân bằng giữa công việc và tái sản xuất, tạo ra sự công bằng giữa lao động nam và nữ trong tiếp cận các cơ hội việc làm.
Bởi trên thực tế, lao động nữ đang được đánh giá là phải đối mặt với nhiều thách thức về việc làm đặc biệt trong kỷ nguyên số. Cụ thể, lao động nữ chiếm tỷ trọng cao ở những ngành nghề không đòi hỏi chuyên môn như lao động giản đơn (40% so với 35%), nhân viên dịch vụ và bán hàng (21% so với 12%)… Đặc biệt, khoảng cách giới trong dạy nghề và bậc học tiến sĩ còn cao, thể hiện qua tỷ lệ phụ nữ tham gia thấp hơn đáng kể so với nam. Bên cạnh đó, lao động nữ vẫn tập trung làm việc nhiều nhất trong nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Từng có ý kiến về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì cho biết, ở nước ta, khung pháp lý chống phân biệt đối xử về giới nhằm bảo vệ phụ nữ và lao động nữ đã tương đối đầy đủ, nhưng trong quá trình triển khai chưa được chú trọng, khiến một số chính sách chưa đi vào đời sống.
Hơn nữa, theo ông Lợi, nhận thức của xã hội về giới chưa có nhiều thay đổi, lao động nữ vẫn thường có tâm lý “nhường” cơ hội phát triển cho nam giới hoặc tự bằng lòng với những gì đang có. Để khắc phục, các ngành, đơn vị, địa phương cần thực thi hiệu quả chính sách thúc đẩy bình đẳng giới; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới.
Thực tế cho thấy, ở nước ta, lao động nữ chiếm tới 48% lực lượng lao động xã hội. Bởi vậy, việc sớm gỡ bỏ các rào cản hạn chế sự phát triển toàn diện của lao động nữ sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.