Người lao động cần trả lại tiền kinh phí đào tạo nghề cho doanh nghiệp nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng, lao động thử việc cũng cần có hợp đồng làm việc…
Đó là những kiến nghị, ý kiến được đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia tập trung trao đổi tại hội thảo tham vấn và lấy ý kiến về dự án Bộ luật lao động vừa được tổ chức tại TP HCM. Theo đại diện các doanh nghiệp, hiện nay luật lao động còn nhiều bất cập trong các điều khoản thỏa thuận giữa người lao động với doanh nghiệp sử dụng lao động làm nảy sinh những kiện tụng không đáng có.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, đại diện một doanh nghiệp ở TP.HCM nêu ý kiến Bộ luật Lao động cần bổ sung thêm Điều 64, người lao động tự đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải trả lại tiền kinh phí đào tạo nghề nghiệp đối với những doanh nghiệp cho người lao động đi học nghề. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khi tuyển người lao động không có bằng cấp, sau đó cho đi học khóa học đào tạo nghề rồi ký hợp đồng lao động trả lương theo năng lực làm việc. Sau khi học xong nghề, người lao động lại không muốn làm việc cho doanh nghiệp mà tự chấm dứt hợp đồng lao động theo hình thức tự nghỉ việc 5 ngày. Điều này để buộc phía doanh nghiệp tự sa thải, khiến nhiều doanh nghiệp rất khó xử lý.
Liên quan đến hợp đồng lao đông thử việc, ông Lê Hiếu, đại diện Công ty TNHH May mặc Chosion (TP HCM) nêu ý kiến, thời gian qua, lao động thử việc tại TP HCM không có hợp đồng lao động, doanh nghiệp xét thấy năng lực người lao động trong thời gian thử việc mang lại lợi ích cho công ty thì phía doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia thử việc, phía doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tiền để người lao động tự tham gia bảo hiểm tự nguyện. Về nội dung này, chuyên gia Luật lao động Quốc tế cho rằng, vấn đề thử việc người lao động ở Việt Nam hiện nay không giống như ở các nước khác. Dù thử việc thì vẫn phải có hợp đồng lao động, chứ không phải thử việc xong mới ký. Người lao động cần phải được đối xử bình đẳng, không phân biệt nam, nữ, màu da, xuất thân…. cần được áp dụng trong quá trình thử việc.
Có thể bạn quan tâm
15:48, 13/03/2016
21:09, 02/11/2015
19:42, 01/11/2015
Tại hội thảo ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết một trong những thay đổi mà vừa qua Ban chấp hành Trung ương Đảng có Nghị quyết 27 về “Cải cách chính sách tiền lương”. Trong đó có nêu rõ Nhà nước sẽ không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Bộ luật Lao động sau này sẽ thể hiện theo hướng các thang lương, bảng lương trong doanh nghiệp; khoảng cách các bậc như thế nào. Thời gian tăng lương là bao nhiêu hoàn toàn do doanh nghiệp tự quyết định trên cơ sở thương lượng với tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp đó, miễn là tiền lương mà doanh nghiệp trả cho người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu do Thủ tướng Chính phủ công bố. Mức lương tối thiểu này sẽ đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.
Cũng theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chính phủ đã thông qua nội dung các chính sách trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) và đã được Quốc hội nhất trí đưa dự án Bộ luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV. Dự kiến, vào tháng 5 năm 2019, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và trình thông qua tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10 năm 2019.
Theo đó, sẽ có 10 chính sách lớn, quan trọng được đề cập trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này. Cụ thể, có một số nội dung quan trọng như: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước; bảo đảm quyền tự do tìm kiếm việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức bằng việc mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động.
Bên cạnh đó, mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; bảo đảm tiền lương tối thiểu ở mức đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động trên cơ sở sửa đổi khái niệm tiền lương tối thiểu, các tiêu chí xác định tiền lương tối thiểu. Đồng thời tiếp tục thể chế chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua từng bước mở rộng và tạo quyền tự chủ thực sự chủ động cho người sử dụng lao động và người lao động trong trả lương. Mở rộng cơ hội và quyền của các bên tranh chấp trong việc lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp và hiệu quả nhất, tăng cường năng lực của thanh tra lao động nhằm bảo vệ các quyền, nghĩa vụ của người lao động tại nơi làm việc...