“Sức khỏe” 12 dự án thua lỗ bây giờ ra sao?
Chiều 17/10, tại trụ sở Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ. Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ Công Thương) đã thông tin cho báo chí về 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương.
Tính đến thời điểm hiện nay đã gần 2 năm, kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33 vào tháng 11/2016, và sau đó hơn 1 năm – ngày 29/9/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt phương án xử lý 12 dự án thua lỗ, chậm tiến độ ngành công thương.
Chuyển biến tích cực
Từ thời điểm đó đến nay, sau gần 1 năm triển khai quyết định của Thủ tướng về các phương án xử lý 12 dự án, theo ông Hưng, tất cả 12 dự án và doanh nghiệp đang xem xét đang có những chuyển biến tích cực. Trong số 6 nhà máy có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ, đến nay đã có 2 nhà máy từng bước đi vào ổn định và hoạt động có hiệu quả và có lãi.
“Dự án DAP số 1 Hải Phòng tính đến hết 8 tháng năm 2018 con số lãi của dự án này là 147, 68 tỷ đồng. Nhà máy thép Việt – Trung, 8 tháng đầu năm 2018 có lợi nhuận 527,24 tỷ đồng”, ông Hưng cho biết.
Như vậy, trước đây có 6 dự án bị lỗ thì đã có 2 nhà máy bắt đầu có lãi. Nhưng điều quan trọng hơn là sự hoạt động ổn định, đi vào nề nếp và hiệu quả. Đây là điều rất đáng ghi nhận.
Có thể bạn quan tâm
“Không cấp thêm vốn với những dự án thua lỗ”
06:36, 04/10/2018
Hồi sinh dự án thua lỗ của ngành Công Thương
06:16, 20/09/2018
“Sốt ruột” vì các đại dự án thua lỗ
15:46, 13/07/2018
Bộ Công Thương báo cáo phương án xử lý 12 dự án thua lỗ
15:18, 11/07/2018
Bộ Công thương xin rút thép Việt - Trung khỏi 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ
18:30, 02/06/2018
“Không cấp thêm vốn nhà nước cho các dự án thua lỗ”
15:56, 26/05/2018
Chua xót khi còn nhiều đại án tham nhũng, dự án thua lỗ nghìn tỷ
09:42, 26/05/2018
Với 4 dự án còn lại trong 6 dự án trước đây có sản xuất nhưng thường xuyên thua lỗ, thì đều có các phương án tiết giảm sản xuất, tiết giảm chi phí, sắp xếp lại tổ chức sản xuất, đưa mức lỗ giảm dần.
Vẫn theo ông Hưng, đây là điểm đáng mừng, có những dự án trước đây rất khó như Đạm Ninh Bình hay DAP 2, nhưng qua 2 năm theo dõi thì mức lỗ đang giảm dần. Chúng tôi kỳ vọng vào mục tiêu đề ra theo Quyết định 1468 ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xử lý 12 dự án này sẽ về đích.
"Năm 2018 đã cơ bản xử lý được những khó khăn, vướng mắc tại các dự án này. Từ nay đến năm 2020 sẽ xử lý dứt điểm 12 dự án. Trước đây có nhóm 3 nhà máy phải dừng sản xuất dù đã đầu tư lớn, như PVTex Đình Vũ rất khó khăn. Cuối năm 2016, đầu năm 2017 chúng tôi đi làm việc trực tiếp tại nhà máy này thì thấy vô cùng nan giải. Hay với nhà máy sinh học miền trung Dung Quất, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước.
Nhưng đến thời điểm này chúng tôi rât vui mừng chia sẻ, đến nay đã đưa vào vận hành vào tháng 4/2018 một số dây chuyền của PVTex Đình Vũ. Và đến ngày 21/9/2018 ban chỉ đạo Chính phủ xử lý 12 dự án họp, sau khi “kiểm đếm” lại thì thấy sản phẩm sản xuất ra có chất lượng rất tốt, lượng tiêu thụ cũng rất khả quan". -ông Hưng thông tin thêm.
Sau kiểm đếm, tổng dư nợ đều giảm
Trong kế hoạch tới đây, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cũng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ tiếp tục từng bước vận hành toàn bộ lại các dây chuyền cũng như nhà máy. “Việc này trước đây chúng tôi thấy vô cùng khó khăn”, ông Hưng bày tỏ.
Còn với 2 nhà máy sinh học miền Trung và nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước, trước đây không thể khởi động lại được, thì đến thời điểm này ông Hưng khẳng định, tất cả các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ… đã xử lý được. “Bây giờ chỉ cần bấm nút là có thể vận hành được khi điều kiện thị trường thuận lợi. Với nhà máy Bột giấy Phương Nam chúng tôi đang triển khai việc bán đấu giá”, ông Hưng nói.
Vẫn theo ông Hưng, sau 2 năm kiểm đếm lại, tổng dư nợ trung và dài hạn các dự án này đều giảm. Đến thời điểm này đã giảm được 124 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/1/2018. Có nghĩa, so với trước đây đã giảm nhưng so với đầu năm 2018 lại tiếp tục giảm thêm 124 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, không những đảm bảo được nguyên tắc Bộ Chính trị, Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đề ra là không sử dụng vốn nhà nước bơm vào cứu các dự án này. Ngoài ra, chúng ta bảo đảm nguyên tắc theo nguyên tắc thị trường và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.
Không những giảm được nợ mà còn thu hồi về cho ngân sách nhà nước 1000 tỷ đồng chưa tính lãi từ phần vốn góc của SCIC vào trong dự án giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên.
"Thực ra với 12 dự án này khó khăn đã trải qua nhiều năm, có những dự án đầu tư hơn 10 năm nay (từ năm 2003), vấn đề vướng mắc có rất nhiều, từ việc liên quan đến kỹ thuật, công nghệ, thị trường, tài chính, công tác tổ chức sản xuất kinh doanh…trong quá trình Ban Chỉ đạo Chính phủ, trong đó Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - trưởng Ban Chỉ đạo, cùng với các bộ, ngành thành viên, trong đó Bộ Công Thương là thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo, qua thời gian theo dõi rất sát sao, Bộ Công Thương nhận thấy, việc lớn nhất là đã xử lý một cách toàn diện, không chỉ về kinh tế, kỹ thuật, pháp lý mà còn cả về mặt môi trường, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội…
Khi những dự án đi vào hoạt động, duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân địa phương, chúng ta đã xử lý được rất tốt những vấn đề này nhằm đảm bảo làm tiền đề xử lý dứt điểm 12 dự án này trong thời gian tới. Đây là những điểm cốt lõi trong tiến trình xử lý để đảm bảo mục tiêu đến năm 2020, theo đúng lộ trình và mục tiêu đề ra là có thể xử lý dứt điểm”, ông Hưng khẳng định.