CPTPP: Cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp

Hồng Hương 02/11/2018 13:40

"Chính phủ cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền rõ ràng, tháo gỡ thủ tục hành chính tối đa, đồng thời cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp".

Trao đổi tại tổ sáng 2/11, ĐB Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng khi đàm phán CPTPP, Chính phủ cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền rõ ràng, tháo gỡ thủ tục hành chính tối đa, đồng thời cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp.

ĐB Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội

ĐB Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận tổ

ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội): Cần tạo hành lang quan trọng cho doanh nghiệp, người lao động

Việc thống nhất phê chuẩn thông qua CPTPP trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, vì Việt Nam là thành viên của các nước ASEAN, việc hội nhập bắt đầu cách đây rất nhiều năm, có đàm phán các Hiệp định với các quốc gia và có hiệu lực.

Việc tiến hành phê chuẩn thông qua CPTPP là cơ hội cho Việt Nam để hội nhập sâu rộng hơn, bắt nhịp với tiến trình của khu vực và quốc tế.

Báo cáo đánh giá tác động đã nhìn toàn diện các mặt về kinh tế xã hội, pháp luật. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, việc tạo hành lang quan trọng nhất để doanh nghiệp, người lao động và đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đánh giá khả năng, yếu thế, khó khăn trong hành lang pháp lý là gì để có biện pháp khắc phục.

ĐB Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội: Cần doanh nghiệp đồng hành 

Khi đàm phán CPTPP bắt buộc phải bí mật, nhưng khi ký rồi thì cần phải tuyên tuyền rộng rãi, để doanh nghiệp không bị bất ngờ.

Chính phủ cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền rõ ràng, tháo gỡ thủ tục hành chính tối đa, đồng thời cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp để điều chỉnh các luật cho phù hợp với tiến độ tham gia Hiệp định CPTPP.

ĐB Hoàng Văn Cường

ĐB Hoàng Văn Cường

Có thể bạn quan tâm

  • CPTPP là cơ hội cho các DNNVV Việt Nam

    CPTPP là cơ hội cho các DNNVV Việt Nam

    11:58, 02/11/2018

  • Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP

    Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP

    10:36, 02/11/2018

  • Gia nhập CPTPP: Lao động Việt Nam cần 5 cam kết chính

    Gia nhập CPTPP: Lao động Việt Nam cần 5 cam kết chính

    12:07, 02/11/2018

ĐB Hoàng Văn Cường: Cần môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch

Việt Nam có thế mạnh về giày da, đồ gỗ, còn hàng kém cạnh tranh là mỹ phẩm, văn phòng phẩm, điện ảnh, điện điện tử. Về nguyên tắc, CPTPP sẽ xóa bỏ hàng rào thuế quan về 0%, nhưng sau khi hiệp định hiệu lực, phần lớn các nước xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với Việt Nam. Trong khi Việt Nam chỉ chịu cam kết xóa bỏ bình quân 66%.

So với TPP, CPTPP lợi thế thị trường sẽ không bằng, vì Mỹ là một thị trường lớn, nhưng chúng ta sẽ đỡ sức ép khi thực hiện thỏa thuận này.

So với các nước, Việt Nam không phải quốc gia có sức cạnh tranh lớn, chỉ cao hơn so với New Zealand, chúng ta chỉ có thế mạnh giày da, đồ gỗ; hàng kém cạnh tranh là mỹ phẩm, văn phòng phẩm, điện ảnh, điện điện tử. Bên cạnh đó, nguồn gốc xuất xứ các hàng nguyên liệu cũng không nằm trong khối 10 nước CPTPP nhưng chúng ta nhận dược ưu đãi nhiều hơn so với các nước khác..

Hiện đã có 6 nước lớn thông qua hiệp định CPTPP và hiệp định sẽ có hiệu lực vào 30/12 tới, sau 60 ngày sẽ có hiệu lực nếu Việt Nam thông qua. Đây là thời điểm phù hợp. 

Hiệp định CPTPP được thông qua giúp chúng ta mở rộng thị trường cho xuất khẩu, đạt tăng 4% xuất khẩu so với nếu không tham gia. Giày da, đồ gỗ sẽ tăng 8-10%. 

Tham gia CPTPP còn có cơ hội thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất, chỉ trừ vài lĩnh vực hạn chế như viễn thông, điện. Việc mở rộng đầu tư sẽ tạo sự cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước đặc biệt trong lĩnh vực logistic, do vậy các doanh nghiệp phải đầu tư tận dụng thế mạnh. 

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thúc đẩy các nhà đầu tư có xu hướng dời Trung Quốc để chuyển hướng đưa hàng hóa vào khối các nước tham gia CPTPP, nhưng sẽ là thách thức nếu không quản lý tốt chính những hàng hóa nguồn gốc Trung Quốc được đầy vào Việt Nam. 

Nếu tận dụng tốt cơ hội có thể biến Việt Nam thành trung tâm công nghiệp chế tạo chế biến. Do vậy cần phải có chính sách ưu đãi thu hút FDI và phải coi trọng phát triển chuỗi giá trị, gắn liền chuyển giao công nghệ hiện đại.

Nếu đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư sẽ tạo thêm 20-26 nghìn lao động mỗi năm, đẩy GDP tăng cao hơn. Đây là cơ hội để tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, tạo sự phát triển đồng đều.

Nhìn chung, sự tham gia CPTPP là cần thiết, kịp thời bởi đây cũng là thời điểm đặt nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế của toàn cầu, là động lực để đổi mới thể chế, pháp luật, giúp các doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh.

Ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:Rà soát kỹ các văn bản pháp luật liên quan

Cần phải rà soát kỹ các văn bản pháp luật liên quan đến Hiệp định CPTPP để đảm bảo các điều khoản phù hợp với hiệp định này khi được thông qua. Nếu thấy cần sửa thì phải sửa ngay vì thời gian phê chuẩn CPTPP không còn lâu nữa.

Bên cạnh đó, có một số quy định chưa phù hợp và cần phải sửa trong thời gian tới, đặc biệt là về tỉ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty đại chúng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể, rõ ràng. Các quy định về tài chính mới, giám sát và xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về chứng khoán xuyên biên giới cũng cần được lưu ý.

Khi Việt Nam tham gia CPTPP, thuế sẽ giảm, giảm chi phí cho doanh nghiệp và tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, công nghệ, thiết bị tiên tiến. Tuy nhiên, cũng có mặt tiêu cực, đó là hàng hóa của các nước thành viên CPTPP sẽ vào thị trường trong nước, trong đó có những hàng hóa Việt Nam đã sản xuất được nhưng khả năng cạnh tranh không nổi, có nguy cơ bị lấn át và thua ngay trên sân nhà. 

Đặc biệt, kênh phân phối bán lẻ của các tập đoàn trên thế giới đã đang lấn át trên thị trường Việt Nam khiến hàng Việt Nam cạnh tranh trong nước cũng khó, và xuất khẩu ra ngoài nước cũng khó.

ĐB Ngọ Duy Hiểu: Cần lưu ý về công đoàn

CPTPP đã đánh giá tác động cũng như thời cơ và thách thức, chính trị, an ninh quốc gia, kinh tế thu hút đầu tư. Bộ Kế hoạch Đầu tư đã bổ sung báo cao mang tính định lượng: Tăng việc làm 20-26 nghìn người, nhưng tôi băn khoăn con số này quá ít, bởi chỉ cần vài doanh nghiệp dệt may đã có thể có số lượng công nhân như vậy.

Tôi đồng tình Chính phủ đánh giá sâu, trên cơ sở so sánh thời cơ nhiều hơn thách thức, lợi ích nhiều hơn khó khăn.

Tôi cho rằng chúng ta có đủ điều kiện để phê chuẩn nhưng cần lưu ý về công đoàn: Đây là dịp để công đoàn tiếp tục đổi mới nâng cao hoạt động của công đoàn, đổi mới nội tại, nâng cao năng lực, tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi, khắc phục tư duy cũ nặng về hiếu hỷ chuyển sang chăm lo quyền lợi người lao động.

Tham gia TPCPP, công đoàn có dịp để đổi mới hoạt động, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục tuyên truyền với doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan về nội dung của hiệp định cùng cơ hội và thách thức. Từ đó định hướng cho các doanh nghiệp cần có giải pháp đối phó.

Theo tôi, Chính phủ cần xây dựng kịch bản phát huy mặt tích cực, lợi ích thời cơ và có kịch bản đối phó với thách thức để có thêm nhiều việc làm, hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, hoàn thiện bộ luật lao động, trong đó có quy định về tổ chức đại diện cho người lao động, nhưng quy định ở mức độ nào để đảm bảo tổ chức này hoạt động đúng mục đích, tránh tình trạng lợi dụng mục tiêu về chính trị.

Hồng Hương