Đây là chia sẻ của ĐBQH Lê Quân (Hà Nội) với DĐDN bên hành lang Quốc hội tại phiên thảo luận tại tổ về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sáng 2/11.
- Ông đánh giá thế nào về những tác động của CPTPP đến DNNVV Việt Nam?
Với DNNVV, khi Việt Nam tham gia CPTPP cũng giống như tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với thị trường rộng mở, các DNNVV Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tham gia xuất khẩu vào những thị trường ngách của những quốc gia mà chúng ta ký kết. Đặc biệt, khi những rào cản thuế quan được hạ thấp, sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tốt hơn khi vào các thị trường quốc tế. Đây chính là cơ hội cho các DNNVV của Việt Nam.
- Vậy còn thách thức với các DNNVV thì thế nào, thưa ông?
Thách thức cũng tương ứng khi chúng ta mở cửa với một số lĩnh vực như nông nghiệp, với sự phát triển của thương mại điện tử rất nhanh, sản phẩm quốc tế sẽ cạnh tranh ngay trên thị trường Việt Nam, nếu các DNNVV không đổi mới sẽ gặp nhiều khó khăn. Đơn cử trong lĩnh vực nông nghiệp, các sản phẩm như thịt gà, thịt lợn… rõ ràng năng suất, giá thành, giá bán của các sản phẩm nhập khẩu bao giờ tính cạnh tranh cũng cao hơn. Như vậy, đòi hỏi các DNNVV trong lĩnh vực nông nghiệp nếu muốn cạnh tranh được ngay trên “sân nhà” thì phải tìm ra được sự khác biệt.
Có thể bạn quan tâm
10:36, 02/11/2018
05:05, 02/11/2018
12:38, 01/11/2018
09:07, 01/11/2018
- Theo ông, sức nóng và sự cảm nhận về CPTPP của các DNNVV hiện đang ở cấp độ nào?
Vì nền kinh tế của Việt Nam hiện nay có độ mở cao, kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, cho nên các DNNVV đã rất tích cực và chủ động tìm kiếm và tự phát triển thị trường, đặc biệt là đưa các sản phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới. Với những sản phẩm như cà phê, chè, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ… các DNNVV đã nhanh nhạy tìm kiếm thị trường.
- Thưa ông, khi tham gia CPTPP doanh nghiệp Việt Nam có có hội tìm kiếm thị trường rộng lớn hơn, nhưng cũng sẽ phải chịu áp lực khi tiêu chuẩn và chất lượng các nước còn lại thường cao hơn chúng ta?
Vấn đề này theo tôi cũng không ảnh hưởng quá nhiều, vì bản thân Việt Nam đã ký 7 Hiệp định Thương mại Tự do với các quốc gia trong khối CPTPP này. Ví dụ, với thị trường Nhật Bản họ đã có những điều kiện và hàng rào kỹ thuật rất cao, cho nên việc chúng ta mở rộng thêm một số thị trường mới và việc hạ thấp thêm rào cản thuế quan cùng những điều kiện ưu đãi khác sẽ là cơ hội nhiều hơn chứ không phải thách thức trong vấn đề đó.
- Ông có lời khuyên gì với các DNNVV khi Việt Nam tham gia CPTPP?
DNNVV phải chú trọng hơn vào nghiên cứu thị trường, mạnh dạn hơn trong kết nối. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự phát triển mạnh mẽ của sự kết nối, do đó, doanh nghiệp cần chủ động ra bên ngoài khảo sát thị trường quốc tế, chủ động liên kết với các đối tác, chủ động ứng dụng CNTT, ứng dụng thương mại điện tử vào việc phát triển thị trường, có như vậy mới nhanh chóng mở rộng và phát triển thị trường được.
Theo tôi, ngoài việc đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước với gần 100 triệu dân, thị trường quốc tế tuy có những rào cản kỹ thuật cao nhưng chính đây lại là cơ hội giúp doanh nghiệp Việt Nam nếu phát huy thế mạnh của mình thì sẽ có một thị trường ổn định và giá trị gia tăng cao.
- Xin cảm ơn ông!