TP HCM: Nhiều bất cập trong quản lý khiến xe buýt giảm tuyến
Cơ cấu tổ chức hợp tác xã xe buýt chưa phù hợp, mỗi xe buýt đều có chủ sở hữu dẫn đến tình trạng tranh giành khách là một trong những nguyên dân dẫn đến tình trạng xe buýt vắng khách.
Theo Sở GTVT TP HCM hiện nay do mỗi xe buýt có một chủ sở hữu nên dẫn đến việc xe buýt chạy tranh giành khách, gây mất an toàn giao thông dẫn đến chất lượng xe buýt giảm, kéo khách đi xe giảm theo….
Trước những hạn chế này, Sở GTVT TP chủ trương tái cấu trúc, sáp nhập các HTX lại thành vài đầu mối mạnh và hoạt động như loại hình công ty nhưng không thể thực hiện được. Nếu sáp nhập, riêng việc xử lý tài sản là chiếc xe đang vay, thế chấp ở các ngân hàng là vô cùng phức tạp. Vì thế việc tập trung và hiện đại hóa, đồng bộ hóa về hoạt động, chất lượng của toàn hệ thống xe buýt TP là rất khó. Đây chính là điểm yếu dẫn đến lượng khách đi xe buýt suy giảm.
Hiện nay từ chính sách hỗ trợ đầu tư mua sắm xe năm 2014 đã dẫn tới một số hệ lụy. Nếu như ở lần đầu tư xe thứ nhất từ năm 2002, xã viên, thành viên các HTX chưa thực sự là chủ sở hữu xe; mọi hoạt động của xã viên, thành viên đều nằm dưới sự điều hành của HTX. Đến đợt đầu tư thứ hai sau năm 2014, mỗi thành viên sau khi vay mua xe là trở thành chủ sở hữu phương tiện, gia nhập các HTX.
Theo Luật HTX 2013, mỗi thành viên đều có quyền ngang nhau; HĐQT, ban giám đốc là những người do các thành viên bầu lên hoặc thuê. Do đó, HĐQT hoặc giám đốc HTX không có toàn quyền quyết định hoạt động của HTX nếu chưa thông qua tập thể xã viên. Vì cơ chế này nên dẫn tới việc xã viên thường khiếu nại mỗi khi cảm thấy quyền lợi bị ảnh hưởng.
Theo vị đại diện một hợp tác xã xe buýt trên địa bàn TP HCM, cho biết một nguyên nhân khách khiến tình trạng vắng khách, xe buýt bỏ tuyến là do đơn giá vận chuyển không sát, cấp rót không đủ, không đúng thời điểm.
Có thể bạn quan tâm
Sunshine Group đặt nền móng vững chắc tại thị trường TP.HCM
18:06, 15/11/2018
TP.HCM chưa đồng ý giao dự án cầu Cát Lái cho Đồng Nai
07:42, 15/11/2018
TP HCM: Nhiều tuyến xe buýt chết “yểu” vì... GrabBike!
05:05, 24/10/2018
Giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể cao hơn xe buýt khoảng hơn 40%
11:00, 27/09/2018
Hiện nay toàn TP có 145 tuyến xe buýt, trong đó 105 tuyến có trợ giá. Cách thức trợ giá là lấy chi phí chuyến xe trừ đi doanh thu. Trong đó, chi phí chuyến xe căn cứ trên đơn giá định mức được TP ban hành.Từ năm 2002 đến nay TP đã ba lần xây dựng đơn giá chi phí cho hoạt động xe buýt vào các năm 2002, 2009 và 2017 (riêng năm 2017 dự kiến đến… cuối năm 2018 mới xong!).Hầu hết HTX vận tải đều cho rằng bộ định mức đơn giá ban hành năm 2009 nay đã quá lạc hậu bởi chi phí đầu vào tăng nhiều, từ giá xe, nhiên liệu đến tiền lương.
Để giải quyết tình trạng xe buýt vắng khách, bỏ tuyến lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết, trước hết cần đổi mới tư duy phục vụ gắn với đổi mới công nghệ, lấy hành khách làm trung tâm, không còn sự phân biệt đối xử giữa học sinh-sinh viên được trợ giá đi vé 2.000 đồng/lượt với khách đi vé 6.000 đồng/lượt. Tiếp đó, cùng với nguồn tiền trợ giá, hệ thống xe buýt phải tạo nguồn thu trở lại bằng quảng cáo (năm 2017 thu được 53 tỉ đồng từ quảng cáo trên xe buýt), thu từ bến bãi và một số nguồn xã hội hóa. Sau cùng, tiếp tục xã hội hóa, đấu thầu hệ thống xe buýt, công khai, minh bạch toàn bộ hoạt động của hệ thống xe buýt.
Trước đó tình trạng nhiều xe buýt vắng khách thua lỗ khiến nhiều tuyến buýt phải tuyên bố bỏ tuyến, mới đây Sở GTVT TP đã ký quyết định tạm dừng hoạt động hai tuyến buýt số 37 và 60 từ đề nghị của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM về việc tạm ngừng hoạt động tuyến xe buýt có trợ giá này. Tuyến buýt số 37 có lộ trình hoạt động từ cảng quận 4 - Nhơn Đức, do Hợp tác xã vận tải 26 đảm nhận, và tuyến buýt số 60 lộ trình từ Bến xe An Sương - Khu công nghiệp Lê Minh Xuân do Hợp tác xã vận tải 19/5 đảm nhận. Cả hai tuyến đều tạm ngừng hoạt động với lý do vắng khách, không đủ chi phí hoạt động.
Trước đó vào tháng 8 Sở GTVT TP. HCM cũng đã ký quyết định tạm dừng hoạt động tuyến xe buýt 149 và 40 theo đề nghị của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng. Hai tuyến xe buýt số 149 và 40 ngưng hoạt động vì vắng khách, hoạt động không hiệu quả.
Tuyến buýt 149 có lộ trình từ Công viên 23/9 - Tân Phú - bến xe An Sương, do Hợp tác xã vận tải liên tỉnh và Du lịch Việt Thắng đảm nhận. Tuyến xe buýt 40 nằm trong diện được trợ giá có trợ giá, tuyến buýt này chạy từ bến xe Miền Đông - bến xe Ngã 4 Ga, do Hợp tác xã Vận tải Đông Nam đảm nhận, vì khách đi lại thấp, không đủ chi phí hoạt động.
Như vậy từ đầu tháng 7 đến nay TP.HCM đã có năm tuyến xe buýt trợ giá phải đổi lộ trình và tạm ngừng hoạt động, gồm các tuyến buýt số 40, 149, 11 và gần nhất là tuyến 37, 60.