Áp dụng hiệu quả các văn kiện quốc tế về biển
Hơn 80 chuyên gia, học giả về quản lý biển đến từ hơn 20 quốc gia thành viên ARF đã cùng nhau trao đổi để áp dụng hiệu quả các văn kiện quốc tế trong ứng phó với các thách thức đang nổi trên biển.
Ngày 26/02, Hội thảo Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) về vận dụng Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Công ước Luật biển) và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi trên biển, do Việt Nam và Úc đồng tổ chức, đã khai mạc tại TP. Nha Trang, Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có hơn 80 quan chức, chuyên gia, học giả về quản lý biển đến từ hơn 20 quốc gia thành viên ARF.
Hội thảo này là hoạt động tiếp nối hai Hội thảo ARF về Công ước Luật biển được tổ chức vào các năm 2011 và 2014 trong khuôn khổ Nhóm Công tác giữa kỳ của ARF về An ninh biển, đồng thời cũng là một trong các nỗ lực nhằm thực hiện Kế hoạch Hành động Hà Nội về triển khai Tuyên bố Tầm nhìn ARF và Chương trình hoạt động của ARF về An ninh biển giai đoạn 2018-2020.
Mục tiêu chính của Hội thảo là tạo ra diễn đàn để các chuyên gia, học giả và quan chức các thành viên ARF trao đổi về các phương thức để áp dụng hiệu quả các văn kiện quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước Luật biển để giải quyết các thách thức trong quản lý biển hiện nay, góp phần nâng cao nhận thức về các thách thức an ninh biển đang nổi lên, chia sẻ nhận thức, kinh nghiệm và thực tiễn tốt liên quan đến thực thi luật biển và nhằm xác định những cơ hội hợp tác giữa các thành viên ARF.
Phát biểu khai mạc, đồng chủ trì Hội thảo, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Tuyết Mai, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế và đại diện Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc - ông Justin Whyatt, Phó Cục trưởng Cục Pháp lý, nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Luật biển với tư cách là khung pháp lý toàn diện điều chỉnh các quyền và lợi ích hợp pháp của các các quốc gia, bao gồm cả các quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, quốc gia không có biển, trong việc sử dụng biển và đại dương, khai thác và bảo tồn tài nguyên biển và tăng cường hợp tác biển giữa các quốc gia.
Bên cạnh Công ước Luật biển và các Hiệp định thực thi Công ước (Hiệp định năm 1994 về việc thực hiện Phần XI của Công ước và Hiệp định năm 1995 về đàn cá lưỡng cư và di cư xa), các văn kiện quốc tế khác có liên quan đến quản lý biển bao gồm các hiệp định đa phương liên quan đến tàu cá và hoạt động đánh cá bất hợp pháp, các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế liên quan đến lao động trên biển, Công ước liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, Công ước của Liên hợp quốc về tội phạm xuyên quốc gia và Hiệp định Hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở châu Á (RECAAP) v.v... Một số sáng kiến đã được đề xuất và thúc đẩy giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác đối thoại nhằm ứng phó với các thách thức an ninh biển.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức an ninh biển nổi lên như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khai thác tài nguyên biển thiếu bền vững, ô nhiễm biển do các hoạt động của con người, đặc biệt là ô nhiễm từ bờ, Công ước Luật biển và các văn kiện quốc tế có liên quan được kỳ vọng là khung khổ quan trọng cho tất cả các bên, bao gồm Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế liên chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân các nước cùng hợp tác nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển.
Đồng thời, khu vực ASEAN và các nước đối tác tồn tại nhiều tranh chấp biển nên việc tăng cường hợp tác trong bảo tồn và quản lý biển cũng giúp các quốc gia liên quan xây dựng lòng tin, tạo không khí hữu nghị trong khu vực, giảm thiểu các hành vi đơn phương và xung đột trên biển, tạo điều kiện thực hiện hiệu quả Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG 14) về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển thuộc Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.
Chương trình Hội thảo bao gồm 8 phiên thảo luận, tập trung vào 4 chủ đề: Những thách thức an ninh biển truyền thống trong khu vực: xu hướng mới nổi, các quy tắc quản lý và nhu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng biển hòa bình và bền vững; Công ước Luật biển và các vấn đề nổi lên trong bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên biển; Biến đổi khí hậu và luật biển: tác động và giải pháp khả thi, trong đó có tác động của mực nước biển dâng đối với đường cơ sở, ranh giới trên biển, quy chế đảo và các cấu trúc ngoài khơi, vấn đề bảo vệ các rạng san hô và các khu vực nhạy cảm khác; Hợp tác quốc tế và khu vực: các sáng kiến và cách thức khả thi, trong đó có vấn đề nghĩa vụ hợp tác và các lựa chọn hợp tác theo Công ước Luật biển và các văn kiện quốc tế có liên quan khác, đề xuất giải pháp và sáng kiến nhằm tăng cường vai trò dẫn dắt của ASEAN trong hợp tác biển khu vực và thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác khu vực về quản lý rác thải nhựa trên biển.
Có thể bạn quan tâm
Đồng loạt tăng giá tour Đảo tại Nha Trang - Khánh Hoà: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc
00:05, 26/02/2019
ASEAN vẫn là thị trường 'béo bở' cho cá tra Việt Nam trong 2019?
16:52, 22/02/2019
Quảng Ninh được gì từ Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019?
11:38, 22/01/2019
Hội nghị Bộ trưởng hẹp ASEAN 2019: Tạo chuyển biến trong khu vực
13:10, 18/01/2019
Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) được thành lập năm 1994, là diễn đàn đa phương giữa 10 nước ASEAN và các đối tác của ASEAN để thảo luận về các vấn đề hòa bình, an ninh, với mục tiêu chính là xây dựng lòng tin và tăng cường đối thoại trong khu vực với ASEAN làm trung tâm. Hiện tại, tham gia Diễn đàn này có tổng cộng 27 thành viên (gồm 26 quốc gia và Liên minh châu Âu). Việt Nam và Úc đều là thành viên sáng lập của Diễn đàn này.