Vì sao Bộ GTVT không đồng ý để Hà Nội "xé rào" trông xe dưới gầm cầu vượt?

Thy Hằng 18/03/2019 11:00

Bộ GTVT khẳng định, việc tiếp tục cho phép sử dụng gầm cầu vượt để làm điểm trông giữ xe theo đề nghị của UBND Tp. Hà Nội là không có cơ sở pháp lý.

Bộ GTVT vừa có công văn số 2320/BGTVT – KCHT phản hồi đề nghị của UBND Tp. Hà Nội về việc điều chỉnh một số nội dung của Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT để duy trì các điểm trông giữ xe dưới khu vực gầm cầu trên địa bàn Tp. Hà Nội.

Tp. Hà Nội có 4 vị trí gầm cầu đang tổ chức trông giữ phương tiện phải đóng cửa từ ngày 31/12/2018. Thế nhưng, thực tế đến nay các vị trí này vẫn tiếp tục trông giữ các phương tiện.

Hà Nội hiện có 4 vị trí gầm cầu đang tổ chức trông giữ phương tiện phải đóng cửa từ ngày 31/12/2018 gồm gầm cầu Vĩnh Tuy, Mai Dịch, Chương Dương và Ngã tư Vọng.

Xin “xé rào” vì…thiếu quỹ đất

Theo đó, Bộ GTVT khẳng định, việc tiếp tục cho phép sử dụng gầm cầu vượt để làm điểm trông giữ xe và sửa đổi một số điều của Thông tư 35/2017/TT-BGTVT theo đề nghị của UBND Tp. Hà Nội là không có cơ sở pháp lý.

“Đề nghị UBND Tp. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo đúng quy định của pháp luật”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Trước đó, Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh một sô nội dung trong Thông tư 35, cho phép thành phố tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện tại 4 gầm cầu vượt hết năm 2023 trong khi chưa có quỹ đất thay thế.

TP Hà Nội cam kết đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị tại các vị trí trông giữ này.

Cụ thể, theo Thông tư số 35, Hà Nội sẽ không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước ngày 01/12/2017, khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ. Trường hợp không thực hiện hoàn trả sẽ bị cưỡng chế giải tỏa theo quy định.

Trong khi đó, đối chiếu theo Thông tư 35, hiện trên địa bàn Tp. Hà Nội có 4 vị trí gầm cầu đang tổ chức trông giữ phương tiện phải đóng cửa từ ngày 31/12/2018. Thế nhưng, thực tế đến nay các vị trí này vẫn tiếp tục trông giữ các phương tiện.

Báo cáo của UBND Tp. Hà Nội cho rằng, việc triển khai thực hiện theo Thông tư 35 có những khó khăn, vướng mắc. 4 vị trí gầm cầu này được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận tổ chức trông giữ phương tiện trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư 35. Với dung lượng hiện có 4 gầm cầu này đang giải quyết tốt một phần nhu cầu giao thông tĩnh của  khu vực.

Cụ thể, gầm cầu Vĩnh Tuy hoạt động từ năm 2010 có sức chứa khoảng 350 ô tô. Gầm cầu Chương Dương sức chứa khoảng 300 xe máy (trông giữ phương tiện miễn phí phục vụ tuyến phố đi bộ và mở rộng không gian đi bộ khu vực phố cổ Hà Nội các tối 3 ngày cuối tuần trên địa bàn quận Hoàn Kiếm).

Gầm cầu Mai Dịch sức chứa khoảng 30 ô tô và 200 xe máy (trông giữ phương tiện của sinh viên và Đội CSGT số 6). Gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng (phục vụ nhân dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai do bệnh viện quá tải không đủ chỗ trông giữ xe).

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhu cầu trông giữ phương tiện của người dân trên địa Tp. Hà Nội là rất lớn. Tuy nhiên, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đỗ xe.

Tốc độ tăng trưởng các loại phương tiện giao thông đường bộ của Hà Nội quá nhanh, khoảng 10,2%/năm đối với ô tô và khoảng 6,7%/năm đối với xe máy. Còn tỷ lệ tăng trưởng diện tích đất dành cho giao thông đô thị/diện tích đất xây dựng mới chỉ đạt từ 0,25 - 0,3%/năm. Khu vực nội thành còn kém hơn, đất dành cho các điểm, bãi đỗ xe mới chỉ đạt khoảng 0,12% tổng diện tích khu vực.

Trong khi đó, bãi đỗ xe công cộng theo quy hoạch đang trong quá trình đầu tư xây dựng, chưa hoàn chỉnh, các điểm trông giữ phương tiện dưới lòng đường còn hạn chế nên chưa đáp ứng nhu cầu trông giữ phương tiện của người dân, các cơ quan, đơn vị, phục vụ các hoạt động văn hóa và các hoạt động khác của Thành phố Hà Nội.

Chính vì thế phát sinh tình trạng trông giữ xe không phép để trục lợi, giá trông giữ xe đắt gấp 2, gấp 3 lần, thậm chí gấp 4 lần  giá quy định của thành phố.

Có thể bạn quan tâm

  • TP. HCM lại thay đổi giá dịch vụ giữ xe

    TP. HCM lại thay đổi giá dịch vụ giữ xe

    06:20, 26/09/2018

  • TP HCM: Đã có

    TP HCM: Đã có "thuốc" trị loạn giá trông giữ xe

    15:17, 16/07/2018

  • Các điểm trông giữ xe trái phép sẽ hết “cửa” sống?

    Các điểm trông giữ xe trái phép sẽ hết “cửa” sống?

    11:12, 12/01/2018

  • Hà Nội tăng giá trông giữ xe: Có hạn chế được xe cá nhân?

    Hà Nội tăng giá trông giữ xe: Có hạn chế được xe cá nhân?

    10:38, 03/01/2018

  • Giá trông giữ xe ở Hà Nội tăng gần gấp đôi: Người dân “méo mặt”

    Giá trông giữ xe ở Hà Nội tăng gần gấp đôi: Người dân “méo mặt”

    09:03, 03/01/2018

Còn nhiều tranh cãi

Bộ GTVT mặc dù đã có ý kiến trả lời “từ chối” đề xuất của Tp. Hà Nội, tuy nhiên tình trạng thiếu điểm trông giữ phương tiện vẫn là nỗi lo thường trực của người dân thủ đô khi mà tốc độ gia tăng phương tiện lớn hơn nhiều lần so với tốc độ tăng trưởng diện tích đất dành cho giao thông đô thị. 

Do đó, nhiều chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, trong bối cảnh hiện nay đề xuất của Hà Nội tiếp tục duy trì các điểm đỗ xe dưới gầm cầu là hợp lý, để giải quyết nhu cầu dân sinh cần thiết của người dân quanh khu vực. Tránh tình trạng đỗ xe tràn làn ngoài đường, vỉa hè gây mất trật tự ATGT và cũng hạn chế tình trạng các bãi xe tự phát.

Trong trường hợp giải tỏa hết các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu nói trên nếu không làm rào thép B40 như cầu Ngã Tư Sở thì các điểm này hiện cũng trở thành điểm kinh doanh quán nước, hàng rong, thậm chí là bãi xe “lậu”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quy hoạch điểm trông giữ xe dưới gầm cầu mang nhiều nguy cơ. Nói như ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, phương tiện, đặc biệt là ô tô, xe tải luôn chứa nhiều nhiên liệu, hàng hóa dễ cháy nổ, do vậy chập cháy có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, hầu hết các gầm cầu cạn, cầu vượt tại Hà Nội hiện nay bên trên đều là đường giao thông nên nếu xảy ra cháy nổ lớn thì thiệt hại, hậu quả sẽ không thể lường trước được. 

“Ở một số thành phố phát triển trên thế giới, gầm cầu thường được đơn vị quản lý trồng cỏ, hoa tươi… Việc này vừa đảm bảo được việc phục vụ đúng chức năng vừa tạo cảnh quan. Với những đoạn không trồng cỏ, hoa được, người ta xây những ụ nổi để chống việc lấn chiếm, sử dụng sai mục đích”, ông Quyền dẫn dụ thêm.

Trong lúc còn nhiều tranh cãi, cũng có ý kiến chuyên gia đề xuất Hà Nội có thể sử dụng đất từ các dự án treo để giải quyết tình trạng thiếu diện tích trông giữ phương tiện.

Thy Hằng