Cấm xe máy nội đô: Hà Nội thu mua xe máy cũ dưới 10 năm

Thy Hằng 20/03/2019 11:00

Hiện thực việc cấm xe máy trong nội đô, Hà Nội nghiên cứu không đăng ký xe mới ở các quận theo lộ trình, đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân thông qua việc thu mua xe máy cũ dưới 10 năm.

Hà Nội nghiên cứu cấm xe máy theo giờ ở 6 tuyến phố gồm Nguyễn Trãi, Xuân Thủy - Cầu Giấy, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.

Có 2 tiêu chí lớn làm căn cứ xét tuyến nào đủ điều kiện hạn chế xe máy, gồm kết cấu hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng. Mỗi tiêu chí này phải đạt ít nhất 7/10 điểm mới áp dụng cấm xe máy.

6 tuyến phố gồm Nguyễn Trãi, Xuân Thủy - Cầu Giấy, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.

6 tuyến phố thí điểm cấm xe máy gồm Nguyễn Trãi, Xuân Thủy - Cầu Giấy, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có trên 5,7 triệu mô tô và khoảng 650.000 ô tô. Để tiến tới cấm xe máy hoạt động trong nội thành, TP Hà Nội cũng nghiên cứu việc không đăng ký xe máy mới ở các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ vào năm 2020 và mở rộng sang các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân và huyện Gia Lâm, Đông Anh năm 2025. 

Trong giai đoạn này, Hà Nội ban hành chính sách hỗ trợ người dân thông qua việc thu mua xe máy cũ dưới 10 năm.

Để thực hiện lộ trình cấm xe máy tại các quận vào năm 2030, ngành giao thông dự kiến thí điểm cấm xe máy vào giờ cao điểm từ thứ hai đến thứ sáu, bố trí làn ưu tiên cho xe buýt tại các tuyến Nguyễn Trãi (từ giao vành đai 3 đến đường Láng) vào năm 2019-2020 và tuyến Xuân Thủy - Cầu Giấy (sau khi tuyến đường sắt đô thị 3A đi vào hoạt động, dự kiến sau 2020). Ngoài thời gian cấm, thành phố sẽ xem xét cho xe máy hoạt động trên làn ưu tiên cho xe buýt.

Một số tuyến phố khác cũng được nghiên cứu thí điểm cấm xe máy, như: Giải Phóng (đoạn từ giao vành đai 3 đến Đại Cồ Việt), đường Nguyễn Văn Cừ (từ cầu vượt Long Biên đến cầu Chương Dương), đường Lê Văn Lương (giao vành đai 3 đến đường Láng) và tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Hà Nội) thông tin, đề án hạn chế xe máy đưa ra hai hình thức phân vùng: Hạn chế hoạt động theo tuyến đường và hạn chế hoạt động theo khu vực. Việc tổ chức hạn chế có thể theo ngày và theo tuần.

"Thực hiện đề án là cần thiết, nhưng phức tạp và nhạy cảm, động chạm đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của rất nhiều người dân trong và ngoài thành phố", ông Hải nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Cấm xe máy trong nội thành Hà Nội cần phải có lộ trình

    Cấm xe máy trong nội thành Hà Nội cần phải có lộ trình

    01:39, 20/03/2019

  • Cấm xe máy và giải pháp “kéo - đẩy”

    Cấm xe máy và giải pháp “kéo - đẩy”

    05:00, 16/03/2019

  • Thí điểm cấm xe máy ở Hà Nội: Chưa khả thi!

    Thí điểm cấm xe máy ở Hà Nội: Chưa khả thi!

    13:08, 15/03/2019

  • EuroCham nhận định cấm xe máy ở Việt Nam là không phù hợp

    EuroCham nhận định cấm xe máy ở Việt Nam là không phù hợp

    15:48, 14/03/2019

  • Hà Nội cấm xe máy: Đừng so sánh với Bắc Kinh

    Hà Nội cấm xe máy: Đừng so sánh với Bắc Kinh

    11:00, 13/03/2019

Liên quan đến việc chỉ cấm xe máy mà không cấm tất cả phương tiện giao thông cá nhân, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho hay, từ năm 2013 thành phố đã phân vùng, hạn chế sự hoạt động của ôtô tại nhiều khu vực. Gần đây, thành phố tiếp tục hạn chế sự phát triển của taxi, đặc biệt là taxi công nghệ.

"Xe máy chỉ là một trong những phương tiện bị hạn chế. Đề án nêu toàn diện, tất cả loại phương tiện giao thông đường bộ đều bị hạn chế, quản lý với những chính sách riêng. Sở đưa ra không phải để gây khó cho người dân mà để cùng bàn bạc, có lộ trình thực hiện", ông Viện khẳng định.

Đây là lộ trình thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030" của Thủ đô.

Mục tiêu của đề án là tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt từ 30% đến 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 từ 50% đến 55%.

Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 20% đến 26% cho đô thị trung tâm. Riêng diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt từ 3% đến 4%.

Các nhóm giải pháp để thực hiện Đề án được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 2017 - 2018, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Giai đoạn 2017 - 2020, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.

Giai đoạn 2017 - 2030, thành phố từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Thy Hằng