Quỹ đạo tăng trưởng và bài toán thâm hụt ngân sách
Để phản ứng lại thâm hụt tài khóa, Việt Nam thường áp dụng các biện pháp mang nặng tính hành chính như kiểm soát giá cả, áp trần lãi suất và tín dụng, kiểm soát tỷ giá, cắt giảm đầu tư công....
Tuy nhiên, những biện pháp ít tính thị trường này chỉ có tác động ngắn hạn nhưng có rủi ro tăng sự thiếu hụt tổng cung do chúng bóp méo thị trường các nhân tố sản xuất trong nước, nguồn lực sẽ được phân bổ một cách không hợp lý, và do vậy làm giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Có thể bạn quan tâm
Chính phủ tiếp tục gỡ khó cùng doanh nghiệp
11:14, 26/03/2019
Chưa “gom” bộ máy hành chính, doanh nghiệp còn “vất vả”
07:10, 26/03/2019
Điều này lại làm cho việc kiềm chế thâm hụt ngân sách càng khó khăn hơn và việc tăng hoặc áp thuế/phí mới là một trong những biện pháp cuối cùng mà Chính phủ có thể sử dụng. Tuy nhiên, gánh nặng thuế/phí cao sẽ làm giảm động cơ sản xuất, giảm tiết kiệm và đầu tư của khu vực tư nhân, và đẩy tiếp nền kinh tế vào giai đoạn khó khăn hơn.
Có thể nói, thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh hiện nay là một trong những rủi ro vĩ mô lớn nhất của nền kinh tế, đồng thời làm hạn chế các lựa chọn của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi vùng trũng suy giảm và tiến vào “quỹ đạo tăng trưởng” mới.
Trong bối cảnh đó, việc đánh giá một cách toàn diện thực trạng về chính sách tài khóa, từ đó đánh giá được tính bền vững tài khóa và không gian tài khóa trong giai đoạn mới của nền kinh tế, đồng thời phân tích tác động của chính sách tài khóa đến nền kinh tế là một việc làm hết sức cần thiết hiện nay.
Điều này sẽ đóng góp quan trọng về cơ sở lý luận và thực tiễn cho cải cách chính sách tài khóa tại Việt Nam trong bối cảnh hiện tại, đáp ứng việc duy trì cán cân ngân sách bền vững, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn.
Năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong vòng hơn một thập niên vừa qua, đồng thời chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện. Những động lực đóng góp chính vào tăng trưởng, về phía sản xuất là khu vực FDI với ngành công ngiệp chế biến chế tạo, về phía chi tiêu là tiêu dùng nội địa và thặng dư thương mại.
Tuy nhiên, cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục gặp nhiều khó khăn và rào cản trong phát triển. Lạm phát và tỷ giá mặc dù nằm trong phạm vi điều chỉnh dự kiến, nhưng đã đương đầu nhiều sức ép. Dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp, và đặc biệt là rủi ro tài khóa ngày càng gia tăng.
Trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp, do vậy thâm hụt NSNN thường xuyên ở mức cao và hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực. Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi và hệ quả là nợ công gia tăng.
Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô, và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế. Thực trạng này cũng dẫn đến Chính phủ không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn.
Để phản ứng lại với những bất ổn vĩ mô do hậu quả của thâm hụt tài khóa kéo dài, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác thường áp dụng các biện pháp mang nặng tính hành chính như kiểm soát giá cả trong nước, áp trần lãi suất và tín dụng, kiểm soát tỷ giá, cắt giảm đầu tư công....