Chính phủ tiếp tục gỡ khó cùng doanh nghiệp

Nguyễn Việt thực hiện 26/03/2019 11:14

Thủ tướng biết rõ “trên nóng, dưới lạnh”, và đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh tới đây sẽ quyết liệt, thực chất hơn.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐHKTQD, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Nguyễn Việt

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐHKTQD, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Nguyễn Việt

Đây là chia sẻ của GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng bên lề hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng 2019, hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng”, tổ chức ngày 25/3.

-Theo ông, đâu là động lực cho nền kinh tế Việt Nam từ nay đến hết năm 2019?

Động lực chính trong tăng trưởng kinh tế 2019 vẫn là khối sản xuất, các ngành chế biến, chế tạo; khu vực FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Chúng tôi chờ mong có những đột phá mới về cải cách hành chính để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng và đóng góp tích cực hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế 2019. Ngoài ra, cần có những đột phá khác như hạ tầng, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số… là những động lực để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2019.

Tuy nhiên, vẫn có những thách thức về các mục tiêu kinh tế của năm 2019, đó là nền kinh tế quốc tế có thể không duy trì được đà tăng trưởng như năm 2018. Hay vấn đề căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có những kết quả rõ ràng… là những khả  năng tiềm ẩn.

Do đó, khuyến nghị của chúng tôi là Chính phủ cần nỗ lực duy trì và tạo lập ổn định kinh tế vĩ mô, có như vậy thì các nhà đầu tư mới yên tâm đầu tư. Khi các nhà đầu tư tin tưởng và yên tâm vào chính sách cũng như môi trường kinh doanh thì mới chính là động lực tăng trưởng của Việt Nam, kể cả trong ngắn hạn (năm 2019) cũng như trung và dài hạn.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế Việt Nam sẽ “đi tắt đón đầu” trong 2019

    05:19, 19/02/2019

  • Thách thức nào chờ đón nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019?

    05:36, 14/02/2019

  • Những bứt phá tạo "sắc hồng" cho kinh tế Việt Nam 2019

    16:00, 05/02/2019

  • Doanh nghiệp dân tộc sẽ là chủ thể, là cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam

    05:00, 05/02/2019

  • Kinh tế Việt Nam đang ở mức... rất khả quan!

    05:05, 31/01/2019

  • Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019: Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững

    08:54, 18/01/2019

  • Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 12 năm 2018: Tăng trưởng khả quan nhưng không được chủ quan

    10:22, 17/01/2019

-Trong báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018 có nêu vấn đề thâm hụt ngân sách cũng như nợ công. Vậy theo ông, vấn đề này ảnh hưởng như thế nào đến việc điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam? Và chúng ta cần phải làm gì để ổn định vấn đề tài khóa, thưa ông?

Báo cáo kinh tế vĩ mô thường niên của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm nay với chủ đề chính là hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng. Hiện tại, vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần, và đang nằm trong chỉ tiêu cho phép. Tuy nhiên, so sánh với các nước trong khu vực ASEAN, thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam vẫn ở mức cao. Theo đánh giá của chúng tôi, đây là một trong những thách thức phải thay đổi toàn diện để phục vụ cho tăng trưởng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Về vấn đề thu ngân sách, không chỉ đơn giản dựa vào tăng phí, mà phải mở rộng diện thu phí. Trong đó, giải pháp căn cơ nhất là phải giảm tỉ lệ chi cho khu vực hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước. Bên cạnh đó phải tự cân bằng ngân sách để giảm nợ công, quản lý nợ công cần hướng đến  minh bạch, công bằng, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về phân cấp ngân sách, cần hướng đến giao nhiều quyền tự chủ hơn cho các địa phương. Đi cùng đó là nâng cao năng lực giải trình và tính trách nhiệm, kỷ luật giám sát tài chính… Đây là những khuyến nghị chính sách lớn của chúng tôi sau khi đã nghiên cứu những tác động chính sách tài chính tới tăng trưởng và rủi ro về nợ công trong thời gian sắp tới.

-Vẫn theo báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là rào cản kinh doanh. Quan điểm của ông như thế nào về những cải cách của Chính phủ thời gian vừa qua?

Một trong những khâu đột phát chúng ta đã thực hiện tốt trong thời gian qua là cải cách thể chế, trong đó có cải thiện về chỉ số môi trường cạnh tranh. Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực từ cải thiện môi trường kinh doanh đang có dấu hiệu bị chững lại. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp đang rất mong muốn Chính phủ cần có những bước đi quyết liệt hơn, cải cách thực chất hơn nhằm tháo gỡ rào cản không chỉ cho khu vực kinh tế tư nhân và tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung.

-Ông có nói về câu chuyện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng trên thực tế nhiều chuyên gia cũng như doanh nghiệp vẫn kêu ca “trên nóng dưới lạnh”. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?

Đúng như vậy, trên thực tế vẫn còn hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”, do đó Chính phủ cũng đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng, là cần cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, thực chất hơn. Tôi nghĩ rằng Chính phủ biết rất rõ việc này, Thủ tướng cũng thường xuyên đề cập đến vấn đề này. Việc đổi mới, cải cách thể chế phải phát huy sức mạnh toàn bộ hệ thống chính trị. Thủ tướng rất nhiều lần khẳng định và đưa ra thông điệp cũng rất rõ ràng, cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các điều kiện kinh doanh để hướng tới một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn là một trong những mục tiêu xuyên suốt, tới đây sẽ có những bước đi quyết liệt, thực chất hơn.

- Thưa ông, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế, nhưng theo đánh giá thì những gì giành cho khu vực này vẫn chưa tương xứng. Theo ông thời gian tới cần phải có những chính sách gì để giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển đúng với tiềm năng?

Kinh tế tư nhân đã được thừa nhận là khu vực kinh tế quan trọng của đất nước, tuy nhiên dự địa để phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn rất lớn. Đặc biệt trong khu vực kinh tế tư nhân có khối kinh tế hộ gia đình chiếm tỉ trọng rất lớn, gần 30% vào GDP. Do đó, chính sách cần phải cởi mở hơn để các hộ kinh doanh cá thể chính thức đăng ký kinh doanh một cách dễ dàng, thuận lợi. Từ đó sẽ tạo ra nguồn dư địa rộng hơn để tăng nguồn thu cho Chính phủ.

-Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính phủ tiếp tục gỡ khó cùng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO