Không “xé rào” cho các FDI “chất lượng kém”

Nguyễn Việt 09/04/2019 11:00

Đi kèm với cải thiện mô hình tăng trưởng, thì Việt Nam cũng cần phải thay đổi cấu trúc sản xuất và xuất khẩu theo hướng gia tăng đóng góp của khu vực FDI.

Chính phủ Việt Nam nhất quán hoàn thiện thể chế chính sách để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. FDI là bộ phận hữu cơ, thành viên tích cực của nền kinh tế và Việt Nam sẽ thực hiện hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp FDI.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam nhất quán hoàn thiện thể chế chính sách để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. 

Đây là khuyến nghị về chính sách thu hút FDI và xây dựng công nghiệp hỗ trợ trong ấn phẩm đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018 do trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới công bố gần đây.

Theo đó, thay vì chỉ đầu tư vào Việt Nam để tận dụng nhân công giá rẻ thì cần đầu tư vào những ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao tại Việt Nam, đưa Việt Nam ở vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực, và đi kèm với phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng năng suất lao động, đào tạo lao động kỹ năng tốt, lành nghề và có kỷ luật.

“Sàng lọc” chất lượng FDI

Vẫn theo khuyến nghị của báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018, Việt Nam cần thay đổi chính sách ưu đãi cho khu vực FDI. Cụ thể, giảm dần việc áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế một cách tràn lan và “xé rào” ở các địa phương; rà soát lại toàn bộ các quy định pháp lý về ưu đãi thuế đối với các dòng vốn FDI “kém chất lượng”. 

Có thể bạn quan tâm

  • Quỹ đạo tăng trưởng và bài toán thâm hụt ngân sách

    Quỹ đạo tăng trưởng và bài toán thâm hụt ngân sách

    14:23, 26/03/2019

  • Chính phủ tiếp tục gỡ khó cùng doanh nghiệp

    Chính phủ tiếp tục gỡ khó cùng doanh nghiệp

    11:14, 26/03/2019

  • Chưa “gom” bộ máy hành chính, doanh nghiệp còn “vất vả”

    Chưa “gom” bộ máy hành chính, doanh nghiệp còn “vất vả”

    07:10, 26/03/2019

Cần chuyển dần những ưu đãi đột phá cho các dòng vốn FDI “có chất lượng”, tạo giá trị gia tăng cao, đóng góp vào tăng trưởng bền vững; cần phải có cơ chế kiểm soát các địa phương trong thu hút FDI.

Xu hướng chung của các tập đoàn đa quốc gia hiện nay là chuyển dịch đầu tư về Việt Nam trong quá trình cơ cấu lại chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu của các tập đoàn. Để tận dụng cơ hội lớn này, bên cạnh việc phát triển nguồn lực và gia tăng khả năng chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI đến doanh nghiệp trong nước, điểm mấu chốt là phải xây dựng được các ngành công nghiệp hỗ trợ hiện đại, đáp ứng được nhu cầu mở rộng cơ hội kết nối vào mạng sản xuất toàn cầu của các công ty đa quốc gia.

Một số kiến nghị mà báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018 đưa ra là, bên cạnh thu hút các công ty lớn, đa quốc gia sản xuất các ngành có giá trị gia tăng tại Việt Nam, cần có cơ chế thu hút các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ từ nước ngoài đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển các DNNVV ở Việt Nam tham gia sản xuất trong lĩnh vực cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu, bán thành phẩm…Cần đảm bảo về những hỗ trợ như đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, ưu đãi về tài chính, thuế, cơ chế cấp vốn, cải cách triệt để hơn nữa về thể chế, đối xử bình đẳng, kết nối hạ tầng…đối với các doanh nghiệp này.

Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp dưới hình thức cụm công nghiệp nhằm gia tăng sự liên kết trong chuỗi giá trị. Có thể có những cơ chế đặc thù để hình thành nhanh chóng một số khu cụm công nghiệp hỗ trợ cho một số ngành quan trọng như linh kiện điện tử và cơ khí tại một số địa phương có gắn với các ngành công nghiệp chế tạo và điện tử đang có…

Và một môi trường tốt để FDI “xây tổ”

Trước đó, tại Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới vừa tổ chức gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Việt Nam cần chuyển đổi phương thức tiếp cận FDI với “động cơ” chính là thu hút công nghệ cao, lao động chất lượng cao, chủ động thu hút FDI và phân cấp mạnh mẽ cho các chính quyền địa phương như TP HCM để thu hút các tập đoàn đa quốc gia “xây tổ”; chuyển tư duy thu hút đầu tư theo quy mô vốn sang tiêu chí dựa vào hiệu quả giá trị gia tăng của dòng vốn FDI.

Ông Kyle Kelhofer - Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Lào, Campuchia cho biết, muốn có thế hệ FDI mới, đòi hỏi Việt Nam phải tạo ra sự chuyển dịch thu hút chiến lược ở các khối ngành khác nhau, mang tính tổng thể chứ không căn cứ vào các doanh nghiệp FDI cụ thể. Ưu đãi từ thuế nên chuyển sang ưu đãi thông qua hiệu quả đầu tư và giá trị gia tăng, chuyển từ cung cấp dịch vụ sang vừa cung cấp dịch vụ nhưng mang tính tập trung và thúc đẩy hơn việc bảo đảm hoạt động của các doanh nghiệp FDI, tận dụng hiệu quả các hiệp định tự do thương mại.

Cùng ý tưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc Youngsup Joo cho rằng Việt Nam cần xây dựng “phiên bản 2.0” về thu hút FDI, tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, thu hút FDI theo “chiều ngang”, tức là doanh nghiệp Việt Nam không còn là “nhà thầu phụ” nữa mà trở thành các đối tác, hợp tác với các doanh nghiệp FDI ở nhiều lĩnh vực khác thay vì chỉ có trong lĩnh vực sản xuất và hướng tới thị trường khu vực và toàn cầu.

Nguyễn Việt