Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm: Không phát động kiểu “trống giong, cờ mở”!
Suốt 19 năm qua, câu chuyện về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn là vấn đề nóng bỏng và cấp bách ở thị trường nội địa Việt Nam.
Năm 1999 là năm đầu tiên phát động Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam, nếu tính cả tháng VSATTP năm nay mới phát động thì tròn 20 năm. Chỉ thị số 08/1999/CT-TTG ngày 15/4/1999 của Thủ tướng Chính Phủ về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một văn bản pháp quy sớm nhất điều chỉnh vấn đề này. Nó có ý nghĩa lớn trong việc huy động các nguồn lực cùng các ngành, các cấp, các địa phương và toàn xã hội vào cuộc.
Chưa bao giờ hết "nóng”
Những năm qua, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đã có nhiều cố gắng bước đầu, những mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng xã hội đã được quan tâm và an toàn hơn trước. Tuy nhiên, nghiêm túc mà đánh giá, suốt 19 năm qua, câu chuyện về VSATTP luôn là vấn đề nóng bỏng và cấp bách ở thị trường nội địa Việt Nam. Nỗi lo canh cánh hàng ngày của các gia đình vẫn còn tồn tại và dai dẳng chưa biết bao giờ sẽ chấm dứt. Số vụ việc mất VSATTP năm 2018 tăng gấp 1,4 lần so với 2017, một ĐBQH từng phải thốt lên “Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa rất gần!”.
Có thể bạn quan tâm
Buôn bán thực phẩm bẩn: Thế giới xử lý như thế nào?
06:00, 21/03/2019
Thực phẩm bẩn và dấu hỏi lớn về công tác quản lý
02:10, 20/03/2019
Thực phẩm bẩn: Chuyện cũ mà không cũ!
11:00, 18/03/2019
Doanh nghiệp và trọng trách tiêu diệt thực phẩm bẩn
03:45, 21/12/2018
Năm 2018, các ngành các cấp đã tiến hành kiểm tra và xử lý 8446 vụ việc, phạt tiền 19,5 tỷ đồng, thu giữ hàng hóa có giá trị 25,9 tỷ. Riêng lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 6176 vụ, 5042 cá nhân và 809 tổ chức vi phạm VSATTP… Nhiều chuyên gia về lĩnh vực này nhận xét, những vụ việc bị phát hiện và xử lý được chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều vụ việc đã không kiểm soát hết, bị bỏ qua ở các khâu từ sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ trên thị trường.
Dư luận cho rằng, hiệu lực và thực thi của các luật an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng hàng hóa…vẫn còn rất hạn chế, thậm chí cảm thấy có lúc bị “nhờn” luật. Vậy chúng ta phải làm gì để tháng VSATTP không còn là hình thức? Phải giải quyết bài toán này một cách quyết liệt, khoa học và bài bản mới mong từng bước giải quyết quốc nạn này.
Trước hết về mặt nhận thức, các cấp các ngành, các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng phải coi đây là mặt trận nóng bỏng để tích cực giải quyết từng ngày từng giờ, từng địa phận, từng địa phương, từng doanh nghiệp, không nơi nào bị buông lỏng; không làm theo kiểu hình thức “trống giong, cờ mở”. Về sản xuất, là cái gốc của thực phẩm sạch, cần tổ chức sản xuất theo quy trình khép kín, đạt các tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap đã công bố. Sản xuất phải gắn với hệ thống phân phối thành chuỗi khép kín, có địa chỉ cá nhân và tổ chức chịu trách nhiệm sản xuất qua các công đoạn và tới tay người tiêu dùng cuối cùng.
Mạnh tay với bảo kê thực phẩm bẩn
Hệ thống phân phối cần kết nối chuỗi với các cơ sở sản xuất thực phẩm sạch, kinh doanh có trách nhiệm mở cửa hệ thống bán lẻ một cách rộng rãi, không phiền hà, tốn chi phí, chiết khấu, chi phí bôi trơn để sản phẩm sạch có thể dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng với chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Điều cần nói thêm rằng, thực phẩm có hàng chục nghìn mặt hàng trên thị trường, thực sự là chúng ta chưa đủ sức để quản lý tất cả các mặt hàng hiện có, do đó hãy tập trung nhân lực, tài lực, vật lực để các ngành cùng phối hợp để quản lý tốt một số mặt hàng có khối lượng tiêu thụ lớn, thiết yếu nhất cho đời sống xã hội hay xảy ra mất VSATTP như gạo, thịt, cá, rau, hoa quả.
Nếu làm được tốt các mặt hàng nói trên, chúng ta sẽ tiếp tục nhân rộng ra các mặt hàng khác, làm đâu chắc đó. Về kỷ luật thị trường, cần có những chính sách tốt hợp lý để khuyến khích những cá nhân tổ chức sản xuất thực phẩm sạch, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, tái phạm, biết bẩn và kém chất lượng mà vẫn sản xuất và tiêu thụ, gây hại tới người tiêu dùng. Các lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra thị trường cần có đủ số lượng, trang bị kỹ thuật đầy đủ và sự phối hợp chặt chẽ, đặc biệt đạo đức công vụ của các lực lượng này phải đưa lên hàng đầu.
Chấm dứt những hiện tượng tiêu cực, bảo kê mà lơ là với sức khỏe của toàn xã hội, để một bộ phận xấu lợi dụng tung ra thị trường những thực phẩm bẩn (kể cả hàng sản xuất nội địa và nhập khẩu). Cần phải có những đánh giá, sơ kết từng đợt kiểm tra để rút kinh nghiệm cho những kì tiếp theo. Theo ý kiến cá nhân, 12 tháng trong 1 năm phải là 12 tháng đảm bảo VSATTP. Cái đích cuối cùng để chúng ta phấn đấu, đó là những miếng thịt, ngọn rau, khúc cá, bát cơm của mỗi gia đình đều luôn luôn đảm bảo chất lượng để mọi người trong xã hội yên tâm sử dụng. Chỉ một điều đơn giản này thôi liệu chúng ta ước mong bao giờ mới thành hiện thực. Câu trả lời này xin để dành phần giải đáp cho các nhà quản lý, các bộ ngành, doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất kinh doanh trên đất nước Việt Nam.