Các bà nội trợ hiện yên tâm phần nào vì mua thực phẩm sạch trong các hệ thống siêu thị nhưng có đến 2.000 chợ truyền thống vẫn đang hoạt động thì khó tránh khỏi hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM, với vai trò quản lý của cơ quan Nhà nước, TP.HCM rất trăn trở làm sao để người dân Thành phố có thể an tâm, an toàn với các mặt hàng thực phẩm. Là thị trường hơn 13 triệu dân song TP.HCM hiện vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu nông sản, thủy hải sản mà phải nhận nguồn cung từ các vùng lân cận và nhập khẩu nước ngoài.
"Chúng ta chắc chắn làm được thực phẩm sạch, thể hiện qua con số hàng ngàn tỉ USD hàng nông sản xuất khẩu mỗi năm, kể cả sang thị trường rất khó tính. Tuy nhiên, quay lại với thị trường TP.HCM, người dân vẫn phải sống chung với thực phẩm bẩn, lẫn lộn giữa thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch", bà Lan trăn trở.
Có thể bạn quan tâm
04:07, 28/11/2018
09:34, 22/01/2018
13:20, 18/01/2018
02:06, 17/01/2018
09:30, 15/01/2018
13:12, 13/01/2018
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuỗi cửa hàng Vinmart+ thông tin, đến nay có hơn 1.600 cửa hàng Vinmart+ và hơn 100 siêu thị Vinmart trên toàn quốc. Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới bán lẻ, Vingroup còn đầu tư 33 phòng thí nghiệm đạt chuẩn châu Âu để kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa bán tại hệ thống Vinmart, Vinmart+. Việc tuyển chọn nhà cung cấp trong nước cung cấp hàng vào kinh doanh tại các cửa hàng, tập đoàn cũng đầu tư vào các nhãn hàng riêng.
Đến nay đã có 14 trang trại VinEco tại một số tỉnh, thành với diện tích hơn 3.000 ha, có khả năng cung ứng khoảng 3.000 tấn rau củ, trái cây cho hệ thống Vinmart, Vinmart+. Cũng trong tháng này, dòng sản phẩm thức ăn nhanh Vinmart Good (gồm các loại trái cây sấy…) sẽ ra thị trường. "Trong tháng 12, hệ thống sẽ khai trương 100 cửa hàng tại TP.HCM. Đó là những địa chỉ đáng tin cậy mà các bà nội trợ có thể lựa chọn", bà Hồng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, hiện chỉ có 18% các nhà sản xuất nông sản trong nước đạt chuẩn Viet G.A.P, dù đây vẫn chưa là tiêu chuẩn để hàng nông sản Việt có thể xuất khẩu ra thế giới. Nhiều sản phẩm tốt nhưng chịu cảnh rớt từ vòng gửi xe vì "siêu thị trong nước không chấp nhận hàng hóa không đạt chuẩn Viet G.A.P, và các nhà bán lẻ thế giới cũng không thu mua sản phẩm không đạt Global G.A.P", bà Hạnh cho biết.
Bà Lan cũng thừa nhận cơ quan quản lý không đủ sức mạnh, lực lượng để len lỏi đến từng ngóc ngách, từng gia đình, vì thế ý thức chủ động chọn mua, sử dụng thực phẩm sạch từ bản thân mỗi gia đình là rất quan trọng trong công tác đẩy lùi thực phẩm bẩn và khuyến khích ăn sạch sống xanh.