Được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn: Bất cập từ quản lý và giải pháp cho doanh nghiệp" vào chiều ngày 18/1.
Tham dự tọa đàm có: Ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế; Ông Trần Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ; Ông Hồ Quang Thái - Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả; Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty CP Nấm Việt; Ông Lê Khánh Mạnh - Tổng Giám Cty CP Đầu tư và Xây dựng DELCO; Bà Bùi Bích Liên - Giám đốc Kinh doanh, Thương hiệu ORFARM; Ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Cty TNHH Ba Huân Hà Nội; Ông Trần Mạnh Chiến - Giám đốc Chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm; Bà Nguyễn Thùy Dương - Tổng Giám đốc Siêu thị SEIKA Mart; Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.
Từ trái qua phải: Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế.Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, an toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, được tiếp cận với thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản đối với mỗi con người. Thực phẩm an toàn đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khoẻ con người, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm kém chất lượng gây ra không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí cho chăm sóc sức khoẻ. An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội.
Vệ sinh an toàn thực phẩm tại nước ta hiện đang gây nên nhiều lo lắng cho người dân. Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Mùa lễ hội năm 2018 đã cận kề, lợi dụng thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, các đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, đưa các sản phẩm kém chất lượng ra thị trường. Vì thế, rất nhiều các vụ ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong đã xảy ra. Trước thực trạng thực phẩm bẩn còn nhức nhối, Ban chỉ đạo liên ngành TW về vệ sinh an toàn thực phẩm đã thành lập 6 đoàn liên ngành để thanh kiểm tra tại 12 địa phương. Ngoài ra, các địa phương cũng sẽ thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đấu tranh với các hành vi dối, sai phạm nghiêm trọng an toàn thực phẩm còn nhiều gian nan, bởi các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn hoạt động ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Trong khi đó, việc quản lý, thanh kiểm tra và phòng chống thực phẩm bẩn của các cơ quan hữu quan còn chồng chéo, bất cập, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, người dân chưa kiên quyết với việc phòng chống vi phạm an toàn thực phẩm, khiến vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn có xu hướng gia tăng.
Nhằm tìm ra nguyên nhân, nêu rõ tác hại của thực phẩm bẩn đối với sức khỏe con người và nền kinh tế xã hội, đề ra những giải pháp phòng chống thực phẩm bẩn, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn: Bất cập trong quản lý và giải pháp cho doanh nghiệp” vào lúc 14h - 17h ngày 18 tháng 1 năm 2018 tại Hội trường 3, Tầng 7, Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
VẤN NẠN VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA THỰC PHẨM BẨN TỚI ĐỜI SỐNG TINH THẦN NGƯỜI DÂN. TÁC ĐỘNG CỦA NÓ TỚI NỀN KINH TẾ VÀ DOANH NGHIỆP
Chủ trì buổi tọa đàm, Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, trước khi tiến hành trao đổi, chúng ta cần nắm qua một số nội dung về an toàn thực phẩm đã được nêu ra trong các văn bản của cơ quan nhà nước.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
Theo đó, Quốc hội đã có chương trình giám sát về an toàn thực phẩm. Đây dược coi là 1 trong 10 sự kiện nổi bật trong năm 2017, và hôm nay chúng ta cũng cần lưu ý nội dung này. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự sửa đổi đã bổ sung thêm một số nội dung liên quan quan đến việc có nhiều hành vi vi phạm an toàn thực phẩm được hình sự hóa.
Vấn nạn thực phẩm bẩn đã được Quốc hội đánh giá là một trong những “trận chiến” lớn của nước ta. Chúng ta nhìn từ góc độ của doanh nghiệp nên cần mở đầu từ các doanh nghiệp và cũng lắng nghe các ý kiến từ người tiêu dùng.
Có 6 điểm yếu được nêu ra trong Nghị quyết của Quốc hội: Văn bản pháp luật chưa rõ ràng, cụ thể; Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật còn yếu; Công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các ngành chưa theo kịp tình hình; Đầu tư nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu; Hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước chưa cao; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về an toàn thực phẩm còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã chỉ rõ các nguyên nhân tình trạng thực phẩm bẩn vẫn còn diễn ra như: Còn tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ; Công nghệ chế biến lạc hậu; Thu hồi xử lý thực phẩm chưa nghiêm; Môi trường sản xuất chưa an toàn; Quy hoạch vùng sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ; Chế tài xử lý chưa răn đe; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa tốt; Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường...
Từ góc độ người áp dụng pháp luật và thi hành pháp luật, luật sư Trần Hữu Huỳnh đã đặt câu hỏi cho bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế về thực trạng thực phẩm bẩn hiện nay qua đánh giá của Quốc hội.
Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế
Bà Trần Việt Nga cho biết: Theo Nghị quyết của Quốc hội, vấn đề an toàn thực phẩm là một trong hai vấn đề đang được giám sát Quốc gia. Được quan tâm ở các cấp. Bộ y tế là một trong những đơn vị tham gia vào đoàn giám sát các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đặc biệt là cơ sở giết mổ (lợn, gà, bò…).
Qua thực tế kiểm tra cho thấy, nếu an toàn thực phẩm vẫn còn những cơ sở nhỏ lẻ thì việc không an toàn vẫn còn tiếp tục xảy ra. Một số địa phương đã làm được bước đầu về ô nhiễm môi trường nhưng an toàn thực phẩm thì chưa.
Vấn đề an toàn thực phẩm ngoài bản thân trách nhiệm người sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm túc nếu không có địa phương vào cuộc thì không thể nào giám sát được.
Theo bà Nga, "Việc truy xuất nguồn gốc và thu hồi chưa nghiêm. Bởi muốn làm được thì ngay từ ban đầu phải có hệ thống kiểm soát thì mới truy xuất và thu hồi được. Nhưng do Việt Nam có quá nhiều cơ sở nhỏ lẻ nên kiểm soát rất khó khăn. Trong khuôn khổ toạ đàm hôm nay, rất mong các doanh nghiệp có mặt đưa ra được những sáng kiến, giải pháp và Bộ y tế sẽ xem xét để thực hiện làm sao để vấn đề an toàn thực phẩm được tốt hơn".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Trả lời câu hỏi: "Trách nhiệm của người tiêu dùng để xảy ra vấn nạn thực phẩm bẩn?", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, trong nghị quyết Quốc hội cũng có nêu về trách nhiệm người tiêu dùng.
Từ góc độ Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đánh giá nghị quyết của quốc hội là chính xác tuy nhiên việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đúng mức. Theo đó, cần tạo lập chuỗi và quan tâm kiểm soát quá trình từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến lưu thông sản phẩm trên thị trường. Kiểm soát được chuỗi thì chúng ta có thể có cơ sở để truy xuất nguồn gốc.
Về phía người tiêu dùng, theo ông Hùng, người tiêu dùng cần được bảo vệ 2 quyền.
Thứ nhất là quyền thông tin. Hiện quyền thông tin về hàng hóa, đơn vị kinh doanh sản xuất còn hạn chế. Người tiêu dùng khó có thể kiểm tra được chất lượng hàng hóa kể cả những hàng hóa có tem, giấy chứng nhận. Điều này khiến doanh nghiệp muốn làm ăn tử tế, tâm huyết cũng khó có điều kiên phát triển. "Theo khảo sát của chúng tôi, người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận giá đắt hơn nhưng phải an toàn. Nhưng số tiền bỏ ra đó có mua được sản phẩm chuẩn hay không là cả vấn đề. Có thể nói giữa người sản xuất và người tiêu dùng chưa “gặp” được nhau". - ông Hùng thông tin.
Thứ hai là quyền an toàn. Hiện nay rất nhiều thực phẩm của chúng ta vẫn chứa nhiều tồn dư hóa chất, chất bảo quản dẫn đến tình trạng khi người tiêu dùng sử dụng bị ngộ độc thực phẩm.
Theo ông Hùng, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng đã được Quốc hội quan tâm, thái độ đối với hành vi thực phẩm đã được quan tâm và thể hiện rõ bằng luật pháp, các địa phương cũng đã có các cơ quan chỉ đạo nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và còn rất phức tạp.
Đối với câu hỏi: "Ở góc độ đại diện cho Quỹ chống hàng giả, ông đánh giá thế nào về thực trạng và lỗ hổng từ việc quản lý gây ra thực phẩm bẩn?",ông Hồ Quang Thái - Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả cho biết, thực trạng thực phẩm bẩn đang gây bức xúc dư luận. Nhất là khi đi chợ, siêu thị mua thực phẩm, người tiêu dùng băn khoăn không biết dùng loại thực phẩm nào. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường.
Ông Hồ Quang Thái - Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả
Hiện nay cơ sở để căn cứ xác định hàng giả là vô cùng khó khăn chẳng thế mà 6 năm vừa rồi mới chỉ khởi tố được một vụ về VSATTP. Muốn xác định được hàng giả thì trên tay phải có hàng thật để so sánh và có đơn khởi kiện của doanh nghiệp thì cơ quan quản lý mới có cơ sở để xử lý. Chưa kể hành lang pháp lý chưa đủ mạnh.
"Đơn cử như chúng tôi kiểm tra ở chợ Kim Biên TP.HCM thì thấy bày bán hoá chất một cách công khai các chất kích thích cây cối mọc nhanh, tẩy hàng ôi thiu, hương liệu pha chế đồ uống... Hay các tư thương dùng hoá chất để ướp tẩm thực phẩm như măng, biết là rất hại nhưng khi bắt giữ người sai phạm thì không xử lý được vì chưa có chế tài.
Trước đó chúng tôi có kiểm tra một doanh nghiệp mỹ phẩm. Quy chuẩn doanh nghiệp tự công bố và được Sở Y tế TP.HCM cấp chứng nhận nhưng khi chúng tôi kiểm tra đột xuất thì tất cả các sản phẩm đều vi phạm. Một loại máy mà sản xuất ra được 38 sản phẩm khác nhau, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Do vậy, người dân đang mong chờ cơ chế giám sát từ phía cơ quan quản lý, đồng thời cần phải rạch ròi các cơ sở sản xuất kinh doanh" - ông Thái nói.
Ông Nguyễn Văn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ
Tiếp tục bình luận về thực trạng thực phẩm bẩn, ông Nguyễn Văn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ cho biết, ông đánh giá cao câu chuyện phải truy suất nguồn gốc được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội. “Chúng ta cần phải truy suất rõ nguồn gốc mới chống được thực phẩm bẩn. Đây sẽ là cơ sở để phát hiện thực phẩm này xuất xứ từ đâu. Từ đó người sản xuất mới gắn được trách nhiệm của họ vào việc sản xuất”. – ông Cường nói.
Theo ông Cường, ngay trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ mà Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ đang làm cũng có nhiều vấn đề mà câu chuyện giải cứu nông sản là một ví dụ cụ thể. Từ câu chuyện này đã dẫn đến việc người dân không gắn bó, không xây dựng thương hiệu và nảy sinh tâm lý ngắn hạn.Việc người nông dân tối đa hóa lợi ích sẽ dẫn đến lạm dụng hóa chất làm nguyên liệu thừa một số hóa chất gây hại tới sức khỏe.
“Có nhiều con số đáng nghi ngại về việc nhập hóa chất, nhất là những hóa chất có hại. Tại nước ta, việc quản lý hóa chất đang có nhiều vấn đề, từ đó người nông dân sẽ lạm dụng việc sử dụng hóa chất. Nếu quản lý chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, sản xuất thì người nông dân sẽ giảm bớt điều đó”. – ông Cường khẳng định.
Về câu chuyện thương hiệu, theo ông Cường, nếu người dân không có trách nhiệm kiểm soát nguồn đầu vào sẽ không có trách nhiệm. “Một người bạn tôi khi về làng thấy bà cụ bán đu đủ thì ghế vào mua. Sau khi anh ấy đi một quãng đường dài để về nhà thì bà cụ kia đã chạy theo để đòi lại quả đu đủ vì nó đã được tiêm thuốc. Người bạn đó đã hỏi tôi một câu hỏi "Tại sao một bà cụ già như vậy, nông dân chất phác lại làm việc vô tâm như vậy?".
“Tôi mong muốn câu chuyện bắt đầu từ trách nhiệm mỗi con người. Doanh nghiệp có thể làm giả thực phẩm bẩn vì họ không gắn với thương hiệu của chính họ. Điều này cũng có nghĩa với việc họ có thể làm giả, làm nhái thương hiệu của người khác. Do đó, tôi đánh giá cao truy suất nguồn gốc và gắn với thương hiệu trong Nghị quyết”. – ông Cường bày tỏ.
Ông Trần Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam
Ở góc độ nông nghiệp sạch và hữu cơ, ông Trần Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết, khi nói đến thực trạng an toàn thực phẩm chúng ta mới đang quan tâm tới khâu cuối cùng đó là khâu tiêu dùng. Tuy nhiên khi nói tới an toàn thực phẩm phải nói tới chuỗi thực phẩm vì nó tồn tại qua các khâu như sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng.
Ngay cả định hướng về truyền thông, hệ thống giám sát vẫn đang chú trọng ở khâu cuối cùng nhiều hơn tới khâu đầu tiên. Nếu chúng ta không giải quyết tốt khâu đầu tiên – khâu sản xuất thì chưa giải quyết hết được gốc vấn đề của an toàn thực phẩm.
Nguồn thực phẩm chính là nhỏ lẻ ở nông dân và được án ở các chợ nên việc quản lý rất khó khăn. Nhà nước cũng đã và đang có chủ trương làm thế nào để sản xuất nhỏ lẻ để nâng lên lớn hơn. Và có nâng tầm thì quản lý mới tốt hơn. Tuy nhiên, đó vẫn là câu chuyện rất khó khăn vì còn có liên quan tới quy mô, chất lượng…. Đấy đang là thực trạng chi phối rất lớn tới việc quản lý an toàn thực phẩm.
“Với thực phẩm an toàn thực phẩm hữu cơ chúng tôi dựa trên chu trình ba khâu như vậy nhưng lượng chưa đủ để cung cấp ra thị trường. Rau hữu cơ và rau an toàn chênh nhau giá tới gấp đôi, gấp ba. Nhưng rau hữu cơ ra thị trường chưa đến 11 giờ sáng đã hết. Điều này cho thấy, thực trạng tiêu dùng đặc biệt là ở Hà Nội đã có thay đổi và họ mong muốn dùng rau hữu cơ, có nguồn gốc cụ thể”. – ông Thanh nói.
Bà Nguyễn Thùy Dương – Tổng Giám đốc Siêu thị SEIKA Mart
Đại diện cho các doanh nghiệp về chống thực phẩm bẩn, bà Nguyễn Thùy Dương – Tổng Giám đốc Siêu thị SEIKA Mart cho biết: “Là đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch và đại diên cho người tiêu dùng làm việc với nhà cung cấp để có sản phẩm có xuất xứ và chất lượng trước khi lên kệ siêu thị, chúng tôi mong muốn sử dụng sản phẩm sạch là nhu cầu hiển nhiên của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm vẫn chưa có khi bản thân nhiều sản phẩm đã có chứng nhận nhưng người tiêu dùng vẫn chưa tin hoàn toàn. Trong khi đó, bản thân chúng tôi có tiếp xúc với nhà cung cấp làm sản phẩm sạch, đạt chất lượng thực sự, nhiều đơn vị khởi nghiệp vất vả để đưa ra sản phẩm chất lượng từ tâm huyết họ. Chúng tôi rất cần có giải pháp để hỗ trợ những doanh nghiệp đó để họ có thể tiếp tục sản xuất, cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng”.
Theo bà Dương, về phía siêu thị, uy tín của những người làm phân phối chính là sản phẩm trên kệ siêu thị, đáp ứng yêu cầu của cơ quan nhà nước về ATVSTP. Quy trình siêu thị đưa ra khi đưa sản phẩm vào siêu thị, thứ nhất, ngoài kiểm tra giấy tờ còn kếm tra thực tế sản phẩm, nhà máy, cơ sở sản xuất và kiểm tra đột xuất,… Bản thân các nhà cung cấp cũng khá “căng thẳng” khi đưa được hàng vào siêu thị. Thứ hai, siêu thị mong muốn đưa ra sản phẩm tốt, đạt tiêu chuẩn với mức giá phù hợp. Thứ ba, siêu thị mong muốn vấn đề quản lý của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sạch được thực hiện thường xuyên, minh bạch để người tiêu dùng có thể mua được những sản phẩm uy tín.
“Khó khăn của những nhà phân phối như chúng tôi đó là ưu tiên sản phẩm sạch nhưng những sản phẩm hữu cơ lại có sản lượng thấp nên dẫn đến tình trạng khan hàng khi kinh doanh”. –bà Dương chia sẻ.
Bà Ninh Thị Duyên - Chủ tịch Câu lạc bộ Khởi nghiệp Nông nghiệp miền Bắc
Tiếp tục nói về thực trạng thực phẩm bẩn, ở góc đại diện cho doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp, bà Ninh Thị Duyên - Chủ tịch Câu lạc bộ Khởi nghiệp Nông nghiệp miền Bắc cho biết, để chống được thực phẩm bẩn, cần tạo ra được môi trường đối thoại với nhau, như cuộc đối thoại trực tiếp như hôm nay để các nhà sản xuất, phân phối, tiêu dùng chia sẻ và tìm ra được mâu thuẫn. Nếu không ngồi với nhau thì không thể giám sát chéo được. Tiến tới cũng cần xây dựng được việc truy nguồn gốc sản phẩm. Chúng ta nên xây dựng được môi trường như vậy để các bên liên quan thực thi được.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Bùi Bích Liên - Giám đốc Kinh doanh, Thương hiệu ORFARM cho rằng, chúng ta nên chú trọng công tác truyền thông để thay đổi nhận thức khi sản xuất thực phẩm sạch góp phần bảo vệ sức khỏe và môi trường.
Bà Bùi Bích Liên - Giám đốc Kinh doanh, Thương hiệu ORFARM
“Như câu chuyện của chúng tôi, với các doanh nghiệp là chuỗi khép kín, khi chúng tôi có chuỗi sản xuất và tuần hoàn, chúng tôi thấy có rất nhiều thay đổi theo hướng tích cực, nhất là với những người dân xung quanh trang trại của chúng tôi.
Chúng tôi đã tiến hành sản xuất theo chuỗi tuần hoàn, khép kín và điều này đã mang lại chất lượng thật sự trong suốt 4 năm vừa qua. Thực tế môi trường ngày càng thân thiện, môi trường thiên nhiên cũng được phục hồi do chúng tôi không sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi trồng. Trước đây, chúng tôi đã đơn độc trong việc nói chuyện với khách hàng về thực phẩm hữu cơ khi các khái niệm của chúng ta vẫn mờ nhạt với nhận thức của người tiêu dùng”. – bà Liên chia sẻ.
Theo bà Liên, những người dân sống gần trang trại của ORFARM vẫn rất mơ hồ về việc cần phải tiến hành sản xuất thực phẩm sạch. Họ chia sẻ rằng, rất nhiều nhà trồng cam xung quanh ORFARM không dám ăn cam của chính họ do đã bơm thuốc.
“Tuy nhiên, sau khi ORFARM tiến hành chuỗi sản xuất khép kín của mình, dần dần người dân đã đến mua những thực phẩm sạch của chúng tôi, họ đã nhân ra sự khác biệt và xin tham gia vào chuỗi sản xuất của chúng tôi. Và đó là dấu hiệu đáng mừng cho thấy chúng tôi đang đi đúng hướng.
Hiện nay, để sản xuất thực phẩm sạch, tôi cho rằng cái khó ở đây là chúng ta chưa có một bộ quy chuẩn cụ thể. Nếu bộ quy chuẩn không rõ ràng sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp khi các đoàn thanh tra khi đi kiểm tra. Có rất nhiều đoàn thanh tra của các Bộ ban ngành khác nhau xuống kiểm tra doanh nghiệp, và họ có nhiều tiêu chí, cách nhìn khác nhau khi đánh giá về các doanh nghiệp chúng tôi. Nếu không có bộ quy chuẩn chung sẽ xảy ra sự lẫn lộn và không có một tiêu chí đánh giá nhất quán và bản thân người tiêu dùng cũng sẽ không nắm được.
Tôi đề nghị rằng, các cơ quan quản lý cần làm tốt công việc truyền thông để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thay đổi nhận thức của người dân về tầm quan trọng của sản xuất thực phẩm sạch an toàn”. – bà Liên đưa ra đề nghị.
Ông Lê Khánh Mạnh – Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư và Xây dựng DELCO
Ông Lê Khánh Mạnh – Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư và Xây dựng DELCO cho biết, là công ty mới bắt đầu sản xuất nông nghiệp (từ đầu 2017) nhưng kế hoạch thành lập doanh nghiệp đã ấp ủ từ 3 năm trước đó. “Chúng tôi đã tìm hiểu khá kĩ và sâu về lĩnh vực của mình. Ở góc độ sản xuất, để có sản phẩm an toàn không hề dễ. Ví dụ như việc truy xuất nguồn gốc từ đầu tới người tiêu dùng chúng tôi phải đầu tư nhiều cho công nghệ thông tin. Tuy nhiên, khi có tem truy xuất nguồn gốc thì chỉ có 20% khách hàng có thể hiểu được truy xuất nguồn gốc đó”. – ông Mạnh nói.
Theo ông Mạnh, việc truy xuất này với từng doanh nghiệp sản xuất thì không khó nhưng để nhân rộng cho hộ cá thể, bà con nông dân làm được thì sẽ khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty CP Nấm Việt
Có mặt tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty CP Nấm Việt cho biết, trong cuộc đấu tranh chống thực phẩm bẩn, nguồn bẩn xuất phát từ đâu thì phải trị từ đó. Về hóa chất, cơ quan quản lý nhà nước đã biết nhưng vấn đề là bao giờ làm khi hiện nay, ra chợ rất sẵn hóa chất như hương liệu, chất tăng trưởng,… Về sản phẩm Nấm Việt đang làm gặp khó khăn về hàng trà trộn nhất là trà trộn hàng Trung Quốc. Ông Quỳnh mong muốn cơ quan quản lý xử lý được vấn đề đó để doanh nghiệp có thể cạnh tranh được trên thị trường.
Theo ông Quỳnh, vấn đề thu thập bằng chứng chứng minh đơn vị khác có trà trộn hàng có thể làm nhưng có cái khó là phải thu thập được sản phẩm tại thời điểm bắt được. “Mong cơ quan quản lý siết chặt đầu vào và cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với nhau để xử lý”. – ông Quỳnh nói.
“Doanh nghiệp như chúng tôi sản xuất sản phẩm nên rất hiểu quy luật sản phẩm, chúng tôi có thể tư vấn cho cơ quan công an, thanh tra, các chi cục về các điều kiện cần và đủ, khoa học áp dụng, thực nghiệm sản xuất ra sản phẩm”. – ông Quỳnh khẳng định.
“Không biết lực lượng giải quyết vấn đề thực phẩm bẩn là bao nhiêu người bởi vấn nạn thực phẩm bẩn hiện rất tràn lan, số lượng người tiêu dùng lớn, sản lượng thực phẩm cũng rất lớn và sản phẩm bẩn đi vào chính gia đình mình, bản thân chúng ta cũng đang phải dùng hàng ngày. Khi tiếp xúc với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sạch, chúng tôi rất mong muốn cùng nhau làm sạch, làm chuẩn để thế hệ sau được hưởng thành quả từ việc sản xuất chất lượng” – ông Quỳnh nói.
Ông Phạm Thanh Hùng – Giám đốc Cty TNHH Ba Huân Hà Nội
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Thanh Hùng – Giám đốc Cty TNHH Ba Huân Hà Nội cho biết, vấn đề chống thực phẩm bẩn cần giải quyết đồng bộ từ cơ quan chính quyền ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất thực phẩm sạch, cần có biện pháp ngăn ngừa sản phẩn này xuất hiện trên thị trường; thông tin tuyên truyền thêm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất sạch, ban hành quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Doanh nghiệp tham gia sản xuất sạch muốn có thương hiệu phải đưa lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu thì mới thành công. Về phía người tiêu dùng phải nhận thức được sản phẩm của mình và thay đổi được thói quen người tiêu dùng.
Để các sản phẩm sạch của doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng cơ quan truyền thông cũng cần tuyên truyền trên cácương tiện thông tin đại chúng nhiều hơn nữa, đồng thời phanh phui các sản phẩm bẩn để người tiêu dùng biết được.
Giải thích thêm về ý kiến của một số khách mời vừa đề cập, bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết, sau khi nghe ý kiến các đại biểu, bà Nga nhận thấy, thị trường hiện đang phân thành ba nhóm: Thực phẩm thông thường không có giấy chứng nhận; nhóm sản phẩm có giấy chứng nhân và sản phẩm hữu cơ. Khi chúng ta công nhận thị trường có 3 phân khúc như vậy, thì nhóm sản phẩm có giấy chứng nhận cần phải phổ biến hơn. Tuy nhiên, người dân chưa hoàn toàn tin tưởng vào giấy chứng nhận này. “Vậy, làm sao cơ quan nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp để tất cả các sản phẩm trên thị trường đạt được mức độ an toàn?” – bà Nga đặt câu hỏi.
Như LS Trần Hữu Huỳnh đã nói, đối với những quy chuẩn nhà nước, các chỉ tiêu an toàn do nhà nước có trách nhiệm ban hành. Bộ y tế cơ bản có chỉ tiêu ban hành hầu như đầy đủ các chỉ tiêu an toàn, tuy nhiên, bà Nga mong muốn doanh nghiệp và các hiệp hội sẽ là đầu mối xây dựng tiêu chuẩn đó và đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước để nâng tầm lên thành tiêu chuẩn quốc gia công bố rộng rãi, đồng thời đây cũng là phương thức quảng bá rộng rãi cho doanh nghiệp. “Tôi rất cũng rất tâm đắc ý kiến về việc người kinh doanh có biện pháp kiểm soát riêng trong kiểm soát nguồn thực phẩm. Đây mới chính là mắt xích quan trong trong chuỗi sản xuất an toàn thực phẩm khi doanh nghiệp đã gắn trách nhiệm của mình trong việc kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm”. – bà Nga nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng nói đến việc mua bán hóa chất tràn lan. Tuy nhiên, theo bà Nga, hóa chất có nhiều loại, loại sử dụng trong thực phẩm và loại sử dụng trong các ngành công nghiệp khác. “Chúng ta cần phân loại rõ, đâu là các hóa chất dùng trong thực phẩm và khi sử dụng, các doanh nghiệp sản xuất cần tuân thủ việc ghi rõ thành phần hóa chấ trên bao bì. Còn khi người sản xuất cố tình mua hóa chất không dùng trong thực phẩm là việc rất khó cho cơ quan quản lý kiểm soát vấn đề này. Do đó, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh cần được nâng cao hơn trong vấn đề này”. – bà Nga nói.
Bà Nga lấy ví dụ: Chợ Kim Biên tại TP HCM trước đây là điểm "nóng" về bán hóa chất trong thực phẩm nhưng hiện nay họ đã làm rất tốt trong việc phân khu hóa chất dùng trong thực phẩm và hóa chất trong các ngành nghề khác để kiểm soát chặt chẽ hơn việc mua bán hóa chất.
“Chúng tôi đồng tình về việc truyền thông nâng cao ý thức người sản xuất. Trong thời gian qua, cần phải nhìn nhận khách quan là ý thức của người sản xuất, người tiêu dùng đã được tăng lên rất nhiều. Nhưng từ nhận thức sang hành vi cần một quãng thời gian dài tại Việt Nam hiện nay. Người tiêu dùng có quyền được biết thông tin về an toàn thực phẩm nhưng chính người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình. Tôi cho rằng chúng ta cần bàn sâu hơn về vấn đề này trong phần giải pháp”. – bà Nga khảng định.
BẤT CẬP, HẠN CHẾ VÀ GIẢI PHÁP CHỐNG THỰC PHẨM BẨN
Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho biết, để khắc phục những tồn tại, yếu kém, đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020 đã đưa ra 8 nhóm giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, khẩn trương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm để sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan theo hướng quy định rõ các điều cấm và tăng chế tài xử lý; khắc phục tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm trong phân công quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Đến hết năm 2020 cơ bản hoàn thành các quy chuẩn kỹ thuật chính về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Thứ hai, đến hết năm 2018, kiện toàn cơ bản xong bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp theo hướng tập trung đầu mối, rõ trách nhiệm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Ở cấp xã, phân công cán bộ theo dõi an toàn thực phẩm. Tăng cường năng lực, điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ quản lý an toàn thực phẩm ở các cấp.
Thứ ba, phấn đấu giảm mạnh số vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người, giảm tỷ lệ mẫu thực phẩm kiểm tra không đảm bảo an toàn, tăng tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm so với giai đoạn trước.
Thứ tư, hoàn thiện chính sách về đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm đồng bộ với quy hoạch vùng, cơ sở sản xuất an toàn.
Thứ năm, đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm sang kiểm soát theo quá trình sản xuất, dựa trên phân tích nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; tăng cường hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm; chỉ đạo các địa phương phát triển, nhân rộng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn và kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ; tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống giám sát, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Thứ sáu, bố trí đủ ngân sách cho công tác quản lý an toàn thực phẩm theo dự toán. Cho phép sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm để phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó được trích một tỷ lệ hợp lý khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý, tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm. Tăng cường xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính và một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Thứ bảy, tăng cường công tác giáo dục truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm;
Thứ tám, chú trọng công tác đào tạo, tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức đào tạo lại cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm tại các tuyến; từng bước tăng tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực vận động sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế cho công tác an toàn thực phẩm.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thùy Dương – Tổng Giám đốc Siêu thị SEIKA Mart bày tỏ, là doanh nghiệp làm ở tầm vi mô, đơn vị thực thi chính sách và được hưởng lợi bà Dương mong muốn thực hiện các giải pháp này bởi khi các doanh nghiệp sản xuất được quy chuẩn thì công việc của siêu thị như chúng tôi được nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Trong khi đó, bà Ninh Thị Duyên - Câu lạc bộ Khởi nghiệp NN miền Bắc cho rằng, những vấn đề mang tính cộng đồng nếu liên kết được với nhau sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn. Bà Duyên mong muốn sau cuộc họp này sẽ lan toả các giải pháp đến các nhà sản xuất nhỏ lẻ, các doanh nghiệp để họ hoàn thiện hơn.
Bà Bùi Bích Liên - Giám đốc Kinh doanh, Thương hiệu ORFARM
Bà Bùi Bích Liên - Giám đốc Kinh doanh, Thương hiệu ORFARM khẳng định: Những giải pháp chúng ta vừa trao đổi khá là đủ. Với việc thay đổi nhận thức, chúng ta thấy rằng giá cả cho sản xuất trực tiếp hiện nay khá là thấp so với sản xuất hiện đại nên người dân cảm thất rất nản và khó khăn. Có thể đầu mùa làm rất tốt nhưng nếu có sự thay đổi từ thiên nhiên họ sẽ thấy không thích ứng kịp và rơi vào tình trạng khó khăn. Người dân cũng có mong muốn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, chúng ta muốn có sản phẩm chất lượng thì không nên nghĩ đến giá cả khá nhiều. “Tôi cũng mong muốn cơ quan quản lý nhà nước nên có chính sách để hỗ trợ cho người dân sản xuất trực tiếp”. – bà Liên nói.
Ông Lê Khánh Mạnh – Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư và Xây dựng DELCO cho rằng Chính phủ cần phải đầu tư cho công nghệ cao và phải có chính sách tích cực cụ thể. “Ví dụ như doanh nghiệp chúng tôi đang vay vốn cho giai đoạn sản xuất tiếp theo thì việc tiếp cận rất khó khăn. Nếu làm nông nghiệp công nghệ cao mà vay như chính sách vay thương mại thì rất khó cho doanh nghiệp. Hiện thị trường đang có ba nguồn thực phẩm cung cấp là hữu cơ, an toàn và không an toàn (thường là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, doanh nghiệp kinh doanh chưa nghiêm túc). Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về cơ khí nông nghiệp, triển khai công nghệ áp dụng trong sản xuất. Các trung tâm thương mại, siêu thị cần có sự giám sát thì các nhà sản xuất mới tin tưởng để đưa sản phẩm vào tiêu dùng”. – ông Mạnh nói.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty CP Nấm Việt cho biết, chúng tôi hiện đang cung ứng các sản phẩm nấm cho hệ thống thực phẩm sạch như Bác Tôm nên có những rất ngặt nghèo với các đơn vị bán sản phẩm cho mình phải đảm bảo nhiệt độ bảo quản thực phẩm thịt, rau,… Đó cũng một trong những cách chống thực phẩm bẩn giúp tránh được chuyện sản phẩm ban đầu là sạch nhưng khi lưu hành lại bị biến đổi chất thành bẩn.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty CP Nấm Việt
Bên cạnh đó, một sản phẩm bảo quản đúng nhiệt độ là tốt nhưng với người tiêu dùng mua sản phẩm ngoài chợ bị ôi, ươn ai sẽ chịu trách nhiệm nếu thời điểm đó, người bán tại chợ phủ nhận. Để chống được thực phẩm bẩn rất dễ cũng rất khó. Vấn đề là cơ quan quản lý bao giờ làm?
Còn vấn đề làm sao để có sản phẩm sạch với người tiêu dùng thì người sản xuất, người bán hoàn toàn có thể làm được nhưng tùy thuộc vào lương tâm mỗi người.
Ở Mỹ, việc sản xuất, phân phối sản phẩm phải thông qua các công ty thương mại, người sản xuất chỉ chuyên sản xuất sản phẩm tốt theo nhu cầu thị trường và các công ty thương mại sẽ phản hồi lại nhu cầu của ng tiêu dùng với đơn vị sản xuất đó. Nếu làm từ a-z như hiện nay nhiều quốc gia không áp dụng vì như vậy sẽ có quá nhiều việc.
Nói về giải pháp quản lý, ông Hồ Quang Thái - Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả cho biết, hiện có 5 luật, 3 nghị định, 3 thông tư liên tịch và hàng chục thông tư liên quan khác đến việc xử lý thực phẩm bẩn. Mới đây, Nghị định 178 đã ban hành quy định rõ mức phạt với cá nhân, tổ chức vi phạm.
Pháp luật cơ bản đã hoàn thiện, nhưng việc thực thi của các cơ quan chức năng dường như chưa chặt, có tình trạng né tránh trách nhiệm hoặc năng lực nghiên cứu, vận dụng các văn bản pháp luật chưa được triệt để. Đường dây nóng của Nghệ An cả 1 năm trời mới nhận đc 6 thông tin báo về vệ sinh an toàn thực phẩm ở địa phương.
Vừa rồi Quốc hội đưa ra 8 nhóm giải pháp mà tôi rất tâm đắc, đặc biệt là rà soát toàn bộ các hệ thống văn bản pháp luật xem luật nào còn chồng chéo để kịp thời điều chỉnh.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, ông Thái cho rằng, thứ nhất, mảng nào liên đến cơ quan nào quản lý thì giao cho họ. Ví dụ, thực phẩm bẩn liên quan đến nông nghiệp thì giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý chặt chẽ, liên quan đến Bộ Y tế thì Bộ Y tế đứng ra chịu trách nhiệm.
Thứ hai, tăng ường thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trên thị trường. Nếu xét thấy các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu sai phạm thì cần phải tiến hành thanh tra.
Thứ ba, tăng cường công tác truyền thông bởi hiện nay việc tuyên truyền chưa thường xuyên, hiệu quả, chưa tạo được làn sóng rộng rãi để tẩy chay hàng bẩn.
Thứ tư, cơ quan quản lý cần có các biện pháp xử lý triệt để tình trạng trên. Nên giao cho một cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm, quản lý, làm các tem chống hàng giả.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định: Truyền thông đã rất thành công trong việc tuyên truyền. Nhận thức của người dân đã được nâng cao rất nhiều. Tuy nhiên người tiêu dùng biết tình trạng thực phẩm bẩn nhưng người sản xuất biết nhưng vẫn cứ làm vì lợi nhuận.
"Vậy, người tiêu dùng cần được chỉ muốn ăn thực phẩm sạch thì nên ăn ở đâu? Chúng tôi đã theo nhiều đoàn kiểm tra và thấy rằng, sản xuất nhỏ lẻ sớm muộn sẽ bị người tiêu dùng quay lưng và hướng đến những doanh nghiệp sản xuất lớn, theo tiêu chuẩn. Việc tổ chức hội thảo cũng có những hiệu ứng nhất định. Các Hiệp hội qua kênh này đã cung cấp thông tin, qua báo chí để thông báo đến người tiêu dùng những doanh nghiệp, địa chỉ mua thực phẩm uy tín. Người tiêu dùng có quyền khởi kiện doanh nghiệp. Họ kiện vì công lý không được tôn trọng. Luật có nhưng cơ chế để thực hiện vẫn chưa có” – ông Hùng khẳng định.