24h

Kiên quyết bài trừ “vấn nạn” thực phẩm bẩn

Hồng Quang 14/05/2025 13:00

Hàng loạt vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn bị xử lý thời gian gần đây cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng trong việc bài trừ “vấn nạn” này.

Tuy nhiên, trên thực tế thì đây mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” khi hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường qua từng năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Món hời từ việc buôn bán, vận chuyển đã khiến các đối tượng mờ mắt, sẵn sàng bất chấp các quy định của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm.

Hàng nghìn tấn giá đỗ bẩn

Thời gian vừa qua, người tiêu dùng trên cả nước dùng chưa hết khỏi bàng hoàng và phẫn nộ trước thông tin sữa giả, thuốc giả bị cơ quan chức năng đấu tranh, triệt phá thì tại Nghệ An, “vấn nạn” thực phẩm bẩn lại tiếp tục tái diễn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối nguy cơ tiềm ẩn, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân trên địa bàn.

Hàng giả ảnh 1
Các cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất độc hại bị cơ quan chức năng đấu tranh, triệt phá.

Liên tiếp nhiều vụ việc với số lượng hàng hoá lớn bị cơ quan chức năng Nghệ An phát hiện, xử lý nghiêm đã phần nào phản ánh rõ thực trạng trên. Điển hình như mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Cụ thể, sau khi theo dõi, thu thập thông tin, cơ quan Công an đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP Vinh. Qua đó, phát hiện và thu giữ gần 2.000 thùng chứa khoảng 25 tấn giá đỗ, 25 lít dung dịch hóa chất “nước kẹo” (6-Benzylaminopurine) nguyên chất và 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ cùng một số tang vật khác.

Đấu tranh bước đầu, các chủ cơ sở sản xuất giá đỗ khai nhận mua “nước kẹo” trên mạng xã hội, sau đó tiến hành pha chế, tưới vào các thùng ủ giá đỗ nhằm tăng lợi nhuận. Việc ngâm, tưới “nước kẹo” làm cây giá đỗ mập, trắng, không có rễ, không bị thối hỏng và mọng nước hơn, nhờ vậy tăng khối lượng thành phẩm 20 - 25% so với không sử dụng.

Trung bình, mỗi cơ sở sản xuất 3 - 5 tấn giá đỗ/ngày, cung cấp cho các tiểu thương tại chợ đầu mối TP Vinh với giá 10.000 - 15.000 đồng/kg. Số giá đỗ này sau đó được chuyển đến các chợ dân sinh ở Nghệ An, Hà Tĩnh để tiêu thụ. Được biết, từ tháng 6/2024 đến thời điểm bị phát hiện, 4 cơ sở này đã tuồn ra thị trường khoảng 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất độc hại.

Theo cơ quan chức năng, hóa chất 6 – Benzylaminopurine mà các đối tượng sử dụng tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu con người tiếp xúc hoặc ăn phải sẽ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng như: Ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng hô hấp…

Thông tin đáng chú ý trên khiến cho dư luận quần chúng nhân dân địa phương hết sức bức xúc, phẫn nộ bởi hàng nghìn tấn thực phẩm “bẩn” đã được tuồn ra thị trường, đến tay người tiêu dùng suốt gần 1 năm trời, gây ra những hệ luỵ khó lường, nhất là nguy hiểm về an toàn sức khoẻ, tính mạng của người dân.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hà - Chi cục trưởng Chi cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Nghệ An cho hay: Do quy định về phân cấp quản lý, đối với các cơ sở sản xuất không có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh thì do phường, xã quản lý. Còn đối với các cơ sở sản xuất có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh thì do thành phố quản lý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thanh – Chủ tịch UBND phường Vinh Tân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An lý giải, lực lượng tại địa phương còn mỏng trong khi khối lượng công việc lớn. Các điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị máy móc ở phường để kiểm tra một đơn vị an toàn thực phẩm là không có để đáp ứng.

Siết chặt công tác quản lý

Trong một diễn biến khác, vào cuối tháng 4/2025 vừa qua, Đội QLTT số 11, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm tại xóm 6, xã Nghi Phong, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Qua đó, phát hiện cơ sở này đang bày bán 360kg tràng lợn đông lạnh được chứa đựng trong 36 gói, loại 10kg/gói, với tổng giá trị hàng hóa là 18 triệu đồng.

Hàng giả Ảnh 2
Nghệ An kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh: Chi cục QLTT tỉnh Nghệ An)

Cơ quan chức năng xác định, toàn bộ số nội tạng động vật đông lạnh nêu trên đều không có nhãn hàng hóa, không ghi hạn sử dụng, không có tài liệu kèm theo hàng hóa. Trên bao bì chứa đựng sản phẩm không thể hiện bất cứ thông tin gì làm căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Hàng hóa đã bị biến chất, có mùi hôi thối.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Đình Phi – chủ cơ sở cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán, các giấy tờ giao dịch có liên quan đến số nội tạng động vật nêu trên. Do vâỵ, Đội QLTT số 11 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh nói trên với số tiền phạt là 12 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định của pháp luật.

Hai ví dụ điển hình nêu trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” về những hành vi vi phạm trên lĩnh vực kinh tế khi dựa theo số liệu Chi cục Thống kê tỉnh Nghệ An đưa ra mới đây cho thấy, tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh xảy ra 460 vụ, với 530 đối tượng; trong đó nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nhằm siết chặt công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, mới đây, ông Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An đã ký Công văn số 3740/UBND-KT yêu cầu Sở Công Thương và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh – chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các chỉ đạo tại Văn bản số 205/TB-VPCP ngày 28/4/2025 của Văn phòng Chính phủ.

Văn bản này thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn – Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban quý I/2025. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, để công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại đạt hiệu quả rõ rệt, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Đặc biệt, phải chú trọng làm trong sạch lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thuế… bằng việc xử lý nghiêm các cán bộ tiếp tay, bao che cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần xây dựng kế hoạch hành động sát với thực tiễn địa phương, tập trung ngăn chặn có hiệu quả những hành vi mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, vàng, ngoại tệ, hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc giả mạo xuất xứ “Made in Vietnam” để xuất khẩu.

Việc siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời phát huy vai trò giám sát của nhân dân sẽ là yếu tố then chốt để từng bước đẩy lùi các hành vi vi phạm, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kiên quyết bài trừ “vấn nạn” thực phẩm bẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO