Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi siết mạnh xử lý hình sự hành vi buôn bán, sản xuất thực phẩm "bẩn" trên sàn thương mại điện tử để bảo vệ sức khỏe cộng đồng…
Theo đó, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), do Bộ Công an chủ trì soạn thảo và vừa được Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định, đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Những điều chỉnh mạnh tay trong xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, đặc biệt trên các nền tảng thương mại điện tử – được kỳ vọng sẽ lập lại trật tự trên thị trường thực phẩm vốn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.
Tại Điều 193 dự thảo, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm sẽ bị xử lý hình sự với mức phạt tiền tăng từ 20–100 triệu đồng lên 40–200 triệu đồng. Cá nhân vi phạm có thể bị cấm hành nghề đến 5 năm, bị tịch thu tài sản và đối diện án tù nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, nếu việc bán hàng giả diễn ra trên nền tảng thương mại điện tử và có từ 500 người tiếp cận trở lên, mức án tù có thể từ 5–10 năm.
Pháp nhân thương mại vi phạm cũng bị áp mức phạt chưa từng có: từ 18 đến 36 tỉ đồng. Trong những trường hợp gây thiệt hại lớn, đe dọa tính mạng cộng đồng hoặc gây sự cố môi trường, doanh nghiệp vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Đáng chú ý, Điều 317 dự thảo cũng siết chặt hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm như sử dụng hóa chất cấm, động vật chết, sản phẩm từ nguồn dịch bệnh… Các mức xử phạt tiền được đề xuất từ 300 triệu đến 3 tỉ đồng; hình phạt tù thấp nhất tăng từ 1 năm lên 3 năm; khung hình phạt cao nhất từ 15–20 năm tù. So với quy định hiện hành, mức độ xử lý rõ ràng đã nghiêm khắc hơn gấp nhiều lần.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty luật Hà Việt – nhận định: “Các đề xuất sửa đổi này là cần thiết và phù hợp với thực tiễn. Hàng loạt vụ việc gần đây cho thấy tình trạng kinh doanh thực phẩm độc hại trên các nền tảng mạng đang vượt khỏi tầm kiểm soát”, vị luật sư nói.
Tuy nhiên, ông Luân lưu ý: “Để hiệu lực pháp luật thực sự đi vào đời sống, cần định lượng rõ thế nào là ‘500 người tiếp cận trở lên’ nhằm tránh mơ hồ trong áp dụng. Đồng thời, phải đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số để truy vết, phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời. Nếu không có công cụ giám sát hữu hiệu, tội phạm vẫn sẽ lọt lưới như thường”, ông cho biết.
Luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty luật Emme Law – cho rằng: “Việc nâng mạnh mức xử phạt với pháp nhân là hợp lý, nhưng cần song hành với cơ chế truy cứu trách nhiệm cá nhân. Nếu không, lãnh đạo doanh nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng vẫn có thể né tránh bằng cách ‘đẩy’ trách nhiệm cho pháp nhân”, vị luật sư nhấn mạnh.
Ông Tuấn cũng đề xuất: “Cần xây dựng hệ thống cảnh báo công khai danh sách doanh nghiệp, sản phẩm vi phạm an toàn thực phẩm. Thông tin minh bạch là vũ khí mạnh nhất để phòng ngừa vi phạm. Người tiêu dùng có quyền biết đâu là thương hiệu cần tránh, đâu là nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe”, ông chia sẻ.