Nghiên cứu - Trao đổi

Hoàn thiện quy định về an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu thực tế

Yến Nhung 16/01/2025 04:00

Việc sửa đổi Luật An toàn thực phẩm là cần thiết, nhằm khắc phục bất cập, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), mỗi ngày trên thế giới có hơn 1,6 triệu người mắc các bệnh liên quan đến thực phẩm không an toàn, với khoảng 420.000 ca tử vong mỗi năm. Những vấn đề này, từ bệnh tiêu chảy cho đến ung thư, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng mà còn tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế và nền kinh tế của các quốc gia.

747b7ca7968dd901cf570f49674bc527-1651680844922898484980.jpg
Theo thống kê của WHO và FAO, mỗi ngày trên thế giới có hơn 1,6 triệu người mắc các bệnh liên quan đến thực phẩm không an toàn - Ảnh: ITN

Thực phẩm không an toàn không chỉ gây hại trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn tác động đến môi trường, xã hội và thương mại quốc tế. Việc tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm có thể làm gia tăng gánh nặng y tế, giảm năng suất lao động và gây tổn thất lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể, các nền kinh tế thu nhập thấp và thu nhập trung bình thiệt hại khoảng 95 tỷ USD mỗi năm vì thực phẩm bẩn.

Trước thực tế đó, từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã ban hành hơn 250 văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đến nay không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu mới. Sự chồng chéo trong quản lý giữa các cơ quan trung ương và địa phương, đặc biệt là đối với các sản phẩm có liên quan đến nhiều ngành, đang gây khó khăn trong thực thi.

Mặc dù một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bắc Ninh đã triển khai mô hình quản lý an toàn thực phẩm cấp địa phương, nhưng sự thiếu đồng bộ trong hệ thống, cùng với hạn chế về nhân lực và nguồn lực, làm giảm hiệu quả giám sát các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Theo bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm hiện nay còn thiếu đồng bộ và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Điều này dẫn đến tình trạng các quy định pháp lý không rõ ràng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất thực phẩm trong việc thực hiện thủ tục hành chính, cũng như việc đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về an toàn thực phẩm.

Việc chuyển từ hệ thống kiểm tra “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã tạo ra một số thuận lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên, công tác hậu kiểm hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu hụt nguồn lực, trang thiết bị và kinh phí cho công tác kiểm tra chất lượng thực phẩm, dẫn đến tình trạng phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm chậm và thiếu hiệu quả.

4db02eb5594e7ff369417e395c8d190eimages.thumb.137ab827-40d7-4fd9-968b-f87c4d65589a.jpg
Việc sửa đổi Luật An toàn thực phẩm là cần thiết, nhằm khắc phục bất cập, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm - Ảnh: ITN

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết, đơn vị đang đề xuất các quy định mới trong Dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi). Cụ thể, các cơ quan chức năng cần tăng cường tổ chức bộ máy chuyên trách quản lý an toàn thực phẩm tại cấp huyện và xã để đảm bảo việc kiểm soát thực phẩm được thực hiện đầy đủ, hiệu quả. Điều này sẽ giúp các địa phương kiểm soát chặt chẽ hơn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nơi dễ xảy ra vi phạm an toàn thực phẩm và giúp các cơ quan chức năng xử lý kịp thời các vi phạm.

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý về an toàn thực phẩm cần đảm bảo sự đồng bộ giữa các văn bản pháp luật, từ đó tạo khung khổ pháp lý thống nhất và dễ thực hiện. Quy định về chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng thực phẩm cần được điều chỉnh để phù hợp với thực tế sản xuất, đặc biệt là đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ, nhưng có sản lượng lớn. Đồng thời, cần có các quy định rõ ràng về công tác điều tra ngộ độc thực phẩm và việc thu hồi giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy...

Bà Nga nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật An toàn thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đặc biệt là các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cần được nâng cao, phù hợp với các yêu cầu quốc tế, từ đó tạo ra một môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

Thống nhất với quan điểm sửa đổi Luật An toàn thực phẩm 2010 là cần thiết song, góp ý vào Dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), một số ý kiến cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động của việc chuyển từ “hậu kiểm” sang “tiền kiểm”; làm rõ công bố sản phẩm được thực hiện như thế nào, có theo pháp luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hay không…

Về kiểm nghiệm thực phẩm, hiện Bộ Y tế đang đề xuất bổ sung yêu cầu về kiểm nghiệm định kỳ để sản phẩm lưu hành trên thị trường luôn đảm bảo chất lượng và an toàn. Tuy nhiên, theo đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề xuất này có thể tạo gánh nặng chi phí tới doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp cũng phải nỗ lực bảo đảm tính an toàn và chất lượng sản phẩm không chỉ vì lợi ích của người tiêu dùng mà còn để duy trì thương hiệu. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tham khảo thêm thông lệ quốc tế và các khuyến nghị của doanh nghiệp để làm rõ nội dung này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hoàn thiện quy định về an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO