Bộ Y tế đang đề nghị sửa đổi toàn diện Luật An toàn thực phẩm nhằm hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này, khắc phục những tồn tại, bất cập hiện hành.
Bộ Y tế cho biết, ngày 17/6/2010, Quốc hội Khóa XII đã thông qua Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Luật An toàn thực phẩm với nhiều quy định mới mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý quan trọng, nội dung các quy định đã bám sát các yêu cầu quản lý đối với thực phẩm nước ta, tập trung vào các vấn đề chính trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Có thể thấy sau hơn 12 năm thi hành Luật An toàn thực phẩm và các Nghị định quy định chi tiết, các quy định về an toàn thực phẩm trong hoạt động thương mại hiện hành đã tạo hành lang pháp lý tích cực cho hoạt động kinh doanh thực phẩm trong nước cũng như quốc tế.
Tuy nhiên đến nay, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã có nội dung, quy định không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như điều kiện kinh tế - xã hội. Trước những thách thức này, Bộ Y tế đang đề xuất xây dựng Luật An toàn thực phẩm sửa đổi. Mục tiêu là hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Việc sửa đổi này sẽ tập trung vào việc làm rõ các khái niệm, thống nhất quy trình quản lý giữa các ngành, và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.
Góp ý liên quan đến quy định trình tự, thủ tục, phương thức kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đề nghị, Đề cương Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) cần quy định rõ về áp dụng quản lý rủi ro đầy đủ theo kinh nghiệm của quốc tế, bao gồm việc xây dựng tiêu chí cụ thể về phân loại rủi ro cho từng loại hàng hóa và cần phải dựa theo bản chất của từng hàng hóa như dễ nhiễm khuẩn, nhiễm độc, chất gây nguy hiểm cho sức khỏe… và phải dựa vào thực tiễn quản lý các loại hàng hóa có gây ngộ độc trong vòng 10 - 20 năm gần đây hay không để tránh nhận định theo cảm tính.
Còn theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay thế giới có 2 phương thức quản lý về thực phẩm là quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm và quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần lựa chọn cách tiếp cận về phương thức quản lý theo sản phẩm cuối cùng hay cơ sở sản xuất để đề xuất các chính sách phù hợp.
Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ nguyên tắc phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương; giữa cấp tỉnh, huyện, xã để tránh chồng chéo, bỏ sót trong quản lý, rõ đầu mối chịu trách nhiệm theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương trực tiếp quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh trừ các cơ sở có xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cơ quan Trung ương quản lý. Cấp Trung ương chỉ xây dựng cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn và kiểm tra giám sát việc thực hiện của địa phương.
“Mặt khác phải làm rõ một số nội dung như nhóm sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn nào phải thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm, nhóm nào được tự công bố; sản phẩm nào áp dụng kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm; sản phẩm nào phải kiểm soát đặc biệt…”, đại diện này nhấn mạnh.
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, góp ý vào Đề cương Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), liên quan đến sản phẩm, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, sẽ phải thực hiện thủ tục đăng ký công bố sản phẩm tại Điều 18 và Điều 38 của Đề cương, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đề xuất cần thực hiện đăng ký công bố sản phẩm rủi ro cao. Cụ thể, các sản phẩm, thực phẩm bao gói sẵn có rủi ro cao, phải thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định hiện hành. Đồng thời, đề xuất thực hiện tự công bố đối với nhóm thực phẩm có rủi ro thấp. Cụ thể, các sản phẩm thực hiện tự công bố, gồm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Liên quan đến thời hạn 05 năm của giấy phép tại Điều 12 của Đề cương, AmCham cho rằng, điều này sẽ giống với biện pháp quản lý trước đây và sẽ làm tăng thủ tục hành chính, tăng chi phí, trong khi đó cũng không giúp cải thiện được vấn đề về an toàn thực phẩm. Vì vậy, đề xuất không quy định thời hạn cho bản công bố sản phẩm và tự công bố.
“Về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng tại Điều 14 của Đề cương yêu cầu thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải áp dụng thực hành sản xuất tốt GMP là chưa hợp lý, vì vậy cần chấp nhận GMP hoặc là Giấy chứng nhận tương đương đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, đại diện AmCham chia sẻ.