Sự việc xảy ra khiến người tiêu dùng lo lắng, đặc biệt trong bối cảnh Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025 đang cận kề.
Sau một thời gian theo dõi chặt chẽ, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã đồng loạt kiểm tra 6 cơ sở sản xuất giá đỗ tại thành phố Buôn Ma Thuột. Kết quả kiểm tra cho thấy các cơ sở này vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm khi sử dụng chất cấm trong sản xuất.
6 cơ sở bị phát hiện bao gồm: Lâm Văn Đạo (sinh năm 1990, xã Ea Tu) sở hữu 2 cơ sở. Vũ Duy Tư (sinh năm 1991, phường Tân Hoà) sở hữu 2 cơ sở. Nguyễn Văn Quynh (sinh năm 1973, phường Tân Hòa) và Nguyễn Văn Hảo (sinh năm 1988, phường Tân Hòa) mỗi người sở hữu 1 cơ sở.
Trong quá trình sản xuất, các đối tượng không chỉ sử dụng hạt đỗ xanh, vôi cục và nước giếng mà còn bổ sung một loại chất cấm được gọi lóng là "nước kẹo". Đây thực chất là 6-Benzylaminopurine – một chất kích thích tăng trưởng tế bào bị cấm sử dụng trong thực phẩm và nông nghiệp tại Việt Nam.
Để tăng lợi nhuận, các đối tượng pha 400ml “nước kẹo” với 1.000 lít nước giếng, đủ sản xuất 2.000kg giá đỗ thành phẩm. Chất này giúp giá đỗ có rễ ngắn, thân to mập, tăng trọng lượng và bắt mắt. Sau mỗi lần sử dụng, các đối tượng cất giấu can chứa hoạt chất tại những nơi khó phát hiện như nhà vệ sinh, góc kho xưởng hoặc tầng hầm.
Theo ước tính của Sở Công thương TPHCM, mỗi ngày, TP.HCM tiêu thụ tới 11.000 tấn lương thực, thực phẩm, một con số khổng lồ thể hiện sức sống sôi động của siêu đô thị hơn 10 triệu dân. Tuy nhiên, đi cùng với đó là áp lực đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, một vấn đề luôn khiến cơ quan chức năng phải “đau đầu”.
Trong tổng lượng tiêu thụ, đáng chú ý là hơn 2.000 tấn gạo, 4.200 tấn rau củ quả, và 1.000 tấn thịt các loại. Đằng sau mỗi con số là một chuỗi cung ứng phức tạp, kéo dài từ nông trại, nhà máy chế biến, đến các chợ đầu mối, siêu thị và cuối cùng là bàn ăn của người dân.
Vụ việc giá đỗ ngâm hóa chất tại Đắk Lắk là một lời cảnh tỉnh rõ ràng về những lỗ hổng trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiện nay, là hồi chuông cảnh báo nghiêm khắc về nguy cơ tiềm tàng trong chuỗi cung ứng. Với một thị trường tiêu thụ khổng lồ như TP.HCM. Điều này cho thấy, những biện pháp kiểm tra hiện tại, dù đã có hiệu quả nhất định, vẫn chưa đủ để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin của người tiêu dùng.
Cần nhấn mạnh rằng, bài toán an toàn thực phẩm không thể chỉ giải quyết ở khâu cuối cùng. Việc kiểm soát cần bắt đầu từ nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo rằng từng hạt gạo, bó rau, miếng thịt đều đạt tiêu chuẩn an toàn ngay từ nơi sản xuất.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các tỉnh thành cung cấp thực phẩm và TP.HCM là điều kiện tiên quyết để xây dựng một chuỗi cung ứng an toàn, minh bạch. Chính quyền và doanh nghiệp cần chung tay tạo ra các giải pháp mạnh mẽ hơn, từ hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện đại, kiểm tra ngẫu nhiên định kỳ, đến chế tài nghiêm khắc với những hành vi vi phạm.
Với vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TP.HCM không chỉ đối diện với trách nhiệm cung cấp thực phẩm sạch cho cư dân mà còn là hình mẫu để các địa phương khác noi theo. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ vì sức khỏe của người dân hôm nay, mà còn vì chất lượng sống và tương lai bền vững của cả xã hội.
Được biết, ngày 24/12/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đã chính thức khởi tố 4 vụ án, bắt tạm giam 4 bị can gồm Lâm Văn Đạo, Vũ Duy Tư, Nguyễn Văn Quynh và Nguyễn Văn Hảo. Các đối tượng này bị truy tố về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự. Đây là bước đi mạnh mẽ nhằm đảm bảo quá trình điều tra diễn ra nghiêm túc, đúng pháp luật, đồng thời thể hiện sự quyết tâm trong việc xử lý triệt để những hành vi gây nguy hại đến sức khỏe người dân.
Việc khởi tố và bắt tạm giam các bị can không chỉ là một hồi chuông cảnh báo đối với những cơ sở sản xuất cố tình vi phạm, mà còn cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật trong việc bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm gia tăng mạnh, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Đây cũng được đánh giá là chiến công xuất sắc của Công an tỉnh Đắk Lắk trong đợt cao điểm ra quân trấn áp tội phạm dịp cuối năm. Những nỗ lực này không chỉ góp phần giữ vững an ninh trật tự mà còn củng cố niềm tin của người dân đối với các cơ quan chức năng. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý toàn diện vụ án, nhằm loại bỏ triệt để các yếu tố nguy cơ trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
Bài học cần rút ra từ vụ việc này là sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan chức năng và người dân trong giám sát, tố giác những vi phạm về an toàn thực phẩm. Mỗi hành động quyết liệt hôm nay sẽ là nền tảng để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho toàn xã hội trong tương lai.
Ngày 27/12, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường- Bộ NN&PTNT có công văn đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk báo cáo.
Cục này đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk báo cáo cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc. Nội dung bao gồm thông tin về hoạt động quản lý an toàn thực phẩm do địa phương thực hiện đối với các cơ sở vi phạm; các biện pháp xử lý; yêu cầu truy xuất triệu hồi và kết quả thực hiện đến thời điểm hiện nay.
Báo cáo gửi về Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường trước ngày 30/12/2024.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Sở phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra truy xuất, xử lý vi phạm khi có đề nghị phối hợp trong phạm vi, chức năng quản lý.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản trên địa bàn các quy định và biện pháp kiểm soát, ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi các nhiệm vụ đã được phân cấp cho cơ quan quản lý huyện, xã trên địa bàn để kịp thời chấn chỉnh, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả nhiệm vụ quản lý ATTP theo phân cấp.