24h

EU cảnh báo thực phẩm Việt Nam: “Hồi chuông thức tỉnh” doanh nghiệp Việt

Gia Linh 14/02/2025 03:50

Nhiều loại thực phẩm liên tục bị EU cảnh báo, khiến Việt Nam rơi vào nguy cơ mất thị trường xuất khẩu tỷ USD nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời…

eu-canh-bao-thuc-pham-viet-nam-hoi-chuong-thuc-tinh-doanh-nghiep-viet-2.jpg
Hàng loạt lô hàng đã bị EU thu hồi do vi phạm nghiêm trọng các quy định an toàn thực phẩm, đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ mất trắng thị trường xuất khẩu tỷ đô. Ảnh minh hoạ

Theo đó, một diễn biến mới vừa được Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phát đi, cảnh báo từ Liên minh châu Âu (EU) về thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Hàng loạt lô hàng đã bị EU thu hồi do vi phạm nghiêm trọng các quy định an toàn thực phẩm, đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ mất trắng thị trường xuất khẩu tỷ đô.

Cụ thể, theo văn bản số 27/SPS-BNNVN ngày 12/2/2025, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã không đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU. Một số doanh nghiệp chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm có chứa thành phần từ thực phẩm mới, vi phạm quy trình phê duyệt của châu Âu. Nhiều trường hợp khai báo không trung thực về nguyên liệu, đặc biệt là các thành phần có thể gây dị ứng cho người tiêu dùng, làm dấy lên mối lo ngại lớn về minh bạch và an toàn thực phẩm.

Nghiêm trọng hơn, một số sản phẩm chứa phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt mức quy định, khiến EU buộc phải ra lệnh thu hồi ngay lập tức. Chưa dừng lại ở đó, nhiều lô hàng có thành phần từ động vật nhưng lại không thực hiện kiểm dịch thú y tại cửa khẩu, vi phạm trực tiếp các quy định an toàn sinh học của EU.

Sự việc lần này như một “hồi chuông cảnh tỉnh” cho ngành xuất khẩu thực phẩm Việt Nam. Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi cảnh báo đến Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và các hiệp hội thực phẩm lớn, trong đó có Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam và Hiệp hội Điều Việt Nam.

Văn phòng SPS Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan này cần có khuyến nghị đến doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý yêu cầu nghiên cứu kỹ quy định của thị trường trước khi xuất khẩu, tránh rủi ro cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần lập tức rà soát lại quy trình sản xuất, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của EU. Từ thành phần nguyên liệu, quy trình ghi nhãn, kiểm dịch cho đến việc sử dụng phụ gia, tất cả đều phải được kiểm tra chặt chẽ. Nếu không, ngành xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ bị “cấm cửa” tại một trong những thị trường quan trọng nhất thế giới.

eu-canh-bao-thuc-pham-viet-nam-hoi-chuong-thuc-tinh-doanh-nghiep-viet-1.png
Các doanh nghiệp cần lập tức rà soát lại quy trình sản xuất, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của EU. Ảnh minh hoạ

Trao đổi trên tờ Dân Việt về nội dung này, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, trong số những cảnh báo của EU thì những quy định về "thực phẩm mới" và "sản phẩm hỗn hợp" đang khiến doanh nghiệp xuất khẩu lúng túng.

"Doanh nghiệp mắc sơ suất khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, thường thuộc nhóm nhỏ và vừa. Ngược lại, các doanh nghiệp lớn, nhất là khối FDI, đều có bộ phận kỹ thuật chuyên trách, nhanh chóng tiếp cận với các thông tin thay đổi của thị trường", ông Nam chia sẻ.

Theo đó, "thực phẩm mới" là bất kỳ loại thực phẩm nào không được sử dụng để tiêu thụ cho con người ở mức độ đáng kể trong EU trước ngày 15/5/1997, chi tiết tại Quy định (EU) 2015/2283; danh sách thực phẩm mới được cấp phép tại Quy định (EU) 2018/1023.

Quy định (EU) 2022/2292 ngày 06/9/2022 bổ sung Quy định (EU) 2019/625, các sản phẩm thực phẩm hỗn hợp có chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật thì thành phần nguyên liệu từ động vật phải nằm trong danh sách các doanh nghiệp (quốc gia được phê duyệt) được phép xuất khẩu sản phẩm động vật vào EU.

Tính riêng năm 2024, Việt Nam đã nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023. Trước đó, vào hồi đầu tháng 2 vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển cũng cho biết về việc EU đang áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về an toàn thực phẩm và bền vững nhằm giảm thiểu tác động môi trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

EU yêu cầu nông sản nhập khẩu đáp ứng mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRLs) nghiêm ngặt. Một số hoá chất không được phép sử dụng trong EU sẽ bị cấm hoàn toàn trên sản phẩm nhập khẩu.

Ví dụ: Theo Quy định 2023/915, mức dư lượng cadmium tối đa được giảm cho các loại trái cây như dâu, cam quýt, xoài, chuối và dứa.

EU yêu cầu hầu hết nông sản tươi nhập khẩu vào EU cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật (phytosanitary certificate). EU cũng áp dụng tỷ lệ kiểm tra cao hơn đối với các sản phẩm có nguy cơ dư lượng hóa chất cao từ một số quốc gia.

Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển nhận định, sản phẩm từ Việt Nam có thể nằm trong danh mục rủi ro cao, dẫn đến tỷ lệ kiểm tra cao hơn. Do vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao kiểm soát chất lượng tại nguồn, đặc biệt với các loại nông sản như ớt, đậu, và trái cây nhiệt đới. Đồng thời chuẩn bị hồ sơ đầy đủ về quy trình sản xuất và kiểm tra để giải quyết kịp thời khi có vấn đề phát sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
EU cảnh báo thực phẩm Việt Nam: “Hồi chuông thức tỉnh” doanh nghiệp Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO