Xã hội

Thực phẩm bẩn - Nguy cơ từ sự buông lỏng quản lý

Nguyễn Thu Hà 10/05/2025 03:44

Thời gian qua, hàng loạt vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn được phát hiện tại nhiều địa phương trên cả nước đã khiến dư luận không khỏi lo ngại.

Tình trạng này không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm suy giảm niềm tin vào công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mới đây, vào ngày 6/5, tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 2 - Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã phát hiện một xe tải mang biển kiểm soát 36C-453.73 chở gần 5 tấn da trâu, da bò chưa qua sơ chế và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đây là một trong nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm được phát hiện gần đây.

thuc pham ban
Các lực lượng chức năng kiểm tra số hàng hóa vi phạm. Ảnh: Công an Thanh Hóa.

Không chỉ tại Thanh Hóa, vào ngày 7/5, Công an tỉnh Sơn La phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và tiêu hủy 300 kg rau, củ, quả chứa hóa chất độc hại tại chợ đầu mối Mé Ban. Tại Nghệ An, các cơ sở sản xuất giá đỗ dùng hóa chất độc hại để tăng năng suất cũng đã bị xử lý. Những vụ việc này đang khiến dư luận bức xúc, lo lắng về mức độ kiểm soát an toàn thực phẩm hiện nay.

Điều đáng chú ý là, ngoài các thực phẩm rõ ràng là bẩn, nhiều món ăn khoái khẩu của người dân cũng đang đối mặt với nghi vấn về chất lượng. Lòng se điếu, một món ăn từng được xem là "hàng hiếm", đang gây tranh cãi khi xuất hiện tràn lan trên thị trường với mức giá rẻ bất thường. Nhiều chuyên gia và đầu bếp nổi tiếng đã lên tiếng đặt nghi vấn về tính xác thực của món ăn này.

long se dieu
Một quán ăn tại quận Cầu Giấy, Hà Nội quảng cáo lòng se điếu dài 40m. Ảnh: MXH

Theo các chuyên gia ẩm thực, lòng se điếu là một loại lòng non của con lợn, vốn có số lượng ít và khó lấy, nên giá thành luôn ở mức cao. Tuy nhiên, việc món ăn này bất ngờ trở nên phổ biến với giá rẻ khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có phải lòng se điếu thật hay chỉ là các loại lòng khác được "hô biến" nhờ hóa chất?

Một đầu bếp nổi tiếng đã tuyên bố tặng 1 tỷ đồng cho bất kỳ ai có thể chứng minh lòng se điếu "xịn" được lấy từ lợn mới giết mổ. Mặc dù chưa có cơ sở khoa học xác minh, phát ngôn này đã tạo ra làn sóng hoang mang và cảnh giác trong dư luận. Nhiều người tiêu dùng bắt đầu lo ngại trước nguy cơ mua phải lòng kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Điều đáng nói là, khi sự việc trở nên "nóng" trong cộng đồng, các cơ quan chức năng mới bắt đầu tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn gốc của lòng se điếu tràn lan trên thị trường. Điều này một lần nữa cho thấy sự thiếu chủ động trong công tác quản lý và giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu không có biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt, lòng se điếu giả có thể tiếp tục "qua mặt" người tiêu dùng, gây hậu quả khó lường.

Có thể thấy, những lỗ hổng trong công tác quản lý không chỉ gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn tạo ra tâm lý bất an, lo sợ khi sử dụng thực phẩm trên thị trường. Người dân bày tỏ lo lắng khi không thể phân biệt đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn. Đặc biệt, tình trạng thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng trà trộn vào các chợ dân sinh càng khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng.

Trong bối cảnh thực phẩm bẩn tràn lan, gây lo ngại sâu sắc về sức khỏe cộng đồng, việc triển khai các biện pháp mạnh tay và đồng bộ từ các cấp chính quyền là yêu cầu cấp thiết.

Đầu tiên, việc siết chặt quy trình kiểm tra, giám sát là yếu tố quan trọng. Cần tập trung vào toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm, từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến quá trình lưu thông và tiêu thụ. Các lực lượng chức năng, đặc biệt là Quản lý thị trường và Cảnh sát kinh tế, cần được tăng cường năng lực để thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả, không chỉ kiểm tra định kỳ mà còn tổ chức các đợt thanh tra đột xuất nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm. Tránh tình trạng xử lý theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa" - chỉ làm rầm rộ khi có vụ việc nghiêm trọng, rồi sau đó lại buông lỏng kiểm soát.

Song song với việc kiểm tra, xử lý, cần đặt trọng tâm vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng. Người tiêu dùng cần được trang bị kiến thức về cách nhận diện thực phẩm an toàn, phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng. Các cơ quan truyền thông cần vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên cung cấp thông tin chính xác, cảnh báo kịp thời để người dân có thể tự bảo vệ sức khỏe của mình. Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong giám sát và phản ánh các trường hợp vi phạm sẽ góp phần tạo ra áp lực xã hội, buộc các cơ sở kinh doanh phải tuân thủ quy định.

Một giải pháp khác không kém phần quan trọng là nâng cao mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe. Hiện nay, lợi nhuận từ việc kinh doanh thực phẩm bẩn vẫn quá lớn so với mức phạt được áp dụng, dẫn đến việc nhiều cá nhân, tổ chức vẫn ngang nhiên vi phạm. Vì vậy, cần xây dựng chế tài mạnh mẽ hơn, không chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính mà còn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm không còn kẽ hở. Việc ban hành các quy chuẩn mới phù hợp với thực tiễn, cũng như tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý sẽ giúp nâng cao hiệu quả kiểm soát.

Vấn đề thực phẩm bẩn là mối nguy lớn đối với sức khỏe cộng đồng và là thách thức trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải nhìn nhận nghiêm túc hơn, thực hiện những giải pháp mạnh mẽ và toàn diện nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

Những vụ việc phát hiện thực phẩm bẩn gần đây không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh mà còn là lời nhắc nhở các cơ quan quản lý cần siết chặt hơn trong công tác kiểm tra, giám sát. Sức khỏe và tính mạng của người dân không thể bị coi nhẹ, và những hành vi kinh doanh bất chấp pháp luật cần bị xử lý nghiêm minh để bảo vệ lợi ích cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thực phẩm bẩn - Nguy cơ từ sự buông lỏng quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO