Đề xuất làm sạch sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng có khả thi?

Thy Hằng 19/04/2019 17:20

Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đề xuất phương án đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch từ nguồn nước sông Hồng.

Ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội (Công ty) cho biết, đơn vị đã đề xuất lãnh đạo UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt phương án đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch.

Sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, chảy qua các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì của TP Hà Nội. Từ nhiều năm nay, nước sông Tô Lịch luôn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để làm sạch lòng sông, tuy nhiên, chưa có giải pháp nào thực sự đem lại hiệu quả do lượng chất thải sinh hoạt và sản xuất đổ vào sông hàng ngày là rất lớn.

Sông Tô Lịch chảy qua các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì đã ô nhiễm nghiêm trọng từ nhiều năm nay. Ảnh: Việt Linh

Theo tính toán của Công ty thoát nước Hà Nội, có 3 nguồn nước chính có thể cung cấp cho hồ Tây và sông Tô Lịch gồm nguồn nước ngầm thông qua các giếng khoan. Nguồn nước sông Nhuệ, qua cống Liên Mạc dẫn bằng hệ thống mương, cống đổ vào sông Tô Lịch tại cửa cống Nguyễn Khánh Toàn. Nguồn thứ ba lấy nước từ sông Hồng.

“Hồ Tây đang ô nhiễm trong khi không có nước lưu thông, vì vậy cần phải cải tạo nguồn nước để phát triển hệ thuỷ sinh trong lòng hồ. Công ty đưa ra giải pháp bơm nước sông Hồng vào hồ Tây tạo lưu thông, đến khi hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ vào hai cửa xả đến sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông”, ông Hùng chia sẻ.

Có cùng quan điểm, GS Dương Thanh Lượng - nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Thủy lợi, trong những năm gần đây, lượng phù sa ở sông Hồng ngày càng suy giảm. Điều này gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại thuận lợi cho việc bổ cập nước vào hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch do quy trình xử lý bùn khi lấy nước vào hồ Tây và sông Tô Lịch đỡ phức tạp, tốn kém.

Tuy nhiên, ông Lượng cũng lo ngại, nước sông Hồng ngày càng sút giảm so với trước đây nên phải tính toán kỹ nguồn nước và thời điểm lấy nước trong năm.  

Dự kiến để bổ cập nước vào Hồ Tây, Công ty thoát nước Hà Nội sẽ xây dựng trạm bơm chìm với công suất cấp nước 156.000 m3/ngày đêm. 

Trong khi đó, GS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch hội sinh thái học Việt Nam lưu ý, việc thay nước hồ Tây cũng phải đảm bảo thủy sinh vật trong hồ.

Theo GS Mai Đình Yên, quy trình thay nước cần phải làm từ từ để các nhà khoa học có điều kiện theo dõi biến động của thủy sinh vật trong hồ.

“Nếu làm mất thủy sinh vật đặc trưng của hồ Tây thì nó chẳng khác gì cái bể chứa nước, không có giá trị về cảnh quan, sinh học”, GS Mai Đình Yên nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyên gia Nhật: Chỉ 3 ngày sông Tô Lịch giảm hôi

    Chuyên gia Nhật: Chỉ 3 ngày sông Tô Lịch giảm hôi

    15:30, 11/04/2019

  • Ý tưởng biến sông Tô Lịch như sông Thames có khả thi?

    Ý tưởng biến sông Tô Lịch như sông Thames có khả thi?

    07:00, 10/12/2018

Trước đó ngày 11/4, làm việc với lãnh đạo Chính phủ, đoàn chuyên gia môi trường của Nhật Bản do tiến sĩ Tadashi Yamamura dẫn đầu đã đề xuất tài trợ miễn phí thiết bị công nghệ bio-nano, thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây. Về việc này, ông Võ Tiến Hùng nói đề xuất của chuyên gia Nhật Bản và của Công ty thuộc hai dự án khác nhau, tuy nhiên Công ty có thể sẽ được thành phố giao phối hợp với các chuyên gia Nhật trong quá trình thí điểm.

"Việc sử dụng công nghệ của Nhật Bản để làm sạch sông Tô Lịch rất khó khả thi, do hiện nay mực nước sông rất thấp và không có dòng chảy lưu thông, chỉ có nước thải nên việc đưa máy sục trên con sông dài 13 km là không ổn", ông Hùng nói.

Sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, chảy qua các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì của TP Hà Nội. Từ nhiều năm nay, nước sông Tô Lịch luôn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra để làm sạch lòng sông, tuy nhiên, chưa có giải pháp nào thực sự đem lại hiệu quả do lượng chất thải sinh hoạt và sản xuất đổ vào sông hàng ngày là rất lớn.

Thy Hằng