Liệu có biến động cung - cầu sản phẩm thịt lợn trong thời gian tới?

Thu Hoài 15/05/2019 00:00

Trong bối cảnh dịch bệnh tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp thì vấn đề cân đối cung – cầu, cũng như đảm bảo đầu ra đối với các sản phẩm thịt lợn sạch, an toàn đang là thách thức không nhỏ.

Đảm bảo cung cầu thịt lợn, đặc biệt là dịp cuối năm

Đảm bảo cung cầu thịt lợn, đặc biệt là dịp cuối năm

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, tính đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã của 204 huyện tại 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy hơn 1,2 triệu con, chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn cả nước.

Điều đáng nói là trong khi dịch diễn biến phức tạp và có nguy cơ tiếp tục phát sinh rất cao trong thời gian tới thì ở một số địa phương vẫn còn tình trạng lơ là chủ quan.

Có thể bạn quan tâm

  • Đối phó dịch tả lợn châu Phi: Cấp đông hàng triệu tấn thịt lợn đảm bảo thị trường

    Đối phó dịch tả lợn châu Phi: Cấp đông hàng triệu tấn thịt lợn đảm bảo thị trường

    11:00, 13/05/2019

  • Thái Bình: Giải cứu hàng chục nghìn tấn thịt lợn sạch sau nạn dịch tả lợn châu Phi

    Thái Bình: Giải cứu hàng chục nghìn tấn thịt lợn sạch sau nạn dịch tả lợn châu Phi

    08:30, 04/05/2019

  • Doanh nghiệp đề xuất thành lập điểm phân phối thịt lợn an toàn

    Doanh nghiệp đề xuất thành lập điểm phân phối thịt lợn an toàn

    07:06, 29/03/2019

  • Thịt lợn sạch hút khách

    Thịt lợn sạch hút khách

    00:01, 21/03/2019

Nhằm vừa kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, vừa tạo điều kiện cho các trang trại, hộ chăn nuôi không bị dịch bệnh và các cơ sở giết mổ đủ điều kiện được hoạt động dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý, tiếp tục cung cấp thịt lợn sạch và an toàn tới người dân, ông Nguyễn Thiều Nam - Phó Tổng giám đốc Masan Group, kiến nghị kiểm soát theo 3 tuyến.

Cụ thể, tuyến một đảm bảo không có bất kỳ lợn hoặc đàn lợn nào nhiễm dịch bệnh được xuất chuồng, xuất trại; tuyến hai đảm bảo không để bất kỳ con lợn nào nhiễm bệnh vào nhà máy giết mổ; tuyến ba kiểm soát thành phẩm khi ra khỏi cơ sở giết mổ để đảm bảo không có bất kỳ sản phẩm thịt lợn nào bị nhiễm dịch đến tay người tiêu dùng...

Liên quan đến công tác phối hợp phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đặng Hoàng An, cho hay: Bộ Công Thương đã có trên 10 văn bản chỉ đạo và đã tổ chức hai hội nghị liên quan đến phòng chống dịch. Trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường cũng đã tập trung tham gia với các lực lượng chuyên ngành trong phòng chống dịch. Theo đó, đã kiểm tra trên 2.000 điểm và xử lý trên 200 cơ sở sản xuất, sản xuất giết mổ thịt lợn không hợp lý, tiêu hủy hơn 1.500 con lợn.

Bộ Công Thương cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các tỉnh và đã kiểm soát bước đầu dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, điều kiện chăn nuôi của nước ta lại nhỏ lẻ, giết mổ chưa được chuẩn công nghiệp, làm thế nào để vừa phòng chống, ngăn dịch lây lan và phát triển sản xuất đang là vấn đề đặt ra. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhất trí với đề nghị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đề nghị đưa lực lượng vũ trang vào cuộc và dùng quân lệnh để xử lý vấn đề kiểm soát dịch tả lợn châu Phi.

Trước những lo ngại về biến động cung cầu sản phẩm thịt lợn, ông Đặng Hoàng An cho hay, hiện, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu và các Sở Công Thương tăng cường nắm bắt diễn biến cung cầu giá cả thịt lợn trên thị trường. Nếu có bất thường về giá cả phải báo cáo ngay để có phương pháp giải quyết. Về nguyên tắc phải bảo đảm cho thịt lợn sạch được vận chuyển và tiêu thụ đến tay người tiêu dùng.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, dịch tả lợn châu Phi đang là vấn đề nghiêm trọng, khó kiểm soát. Dịch này lây lan rộng, chưa có vắc xin, nên chưa thể xử lý trong ngày một ngày hai. Yêu cầu của Thủ tướng là ngăn chặn dịch bệnh lây lan và có biện pháp hữu hiệu dập dịch. “Đề nghị Bộ Nông nghiệp &PTNT cùng các địa phương, doanh nghiệp, người dân, tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong phòng chống, đặc biệt là dập dịch”-  Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm.

Thu Hoài