Bộ LĐ-TB&XH thay đổi đề xuất phương án về giờ làm việc vào phút chót
Bộ LĐ-TB&XH vừa có điều chỉnh về đề xuất liên quan tới giờ làm việc trong cả nước tại dự thảo Tờ trình sửa đổi Luật Lao động 2012, trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 7 khai mạc vào ngày 20/5.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), sau gần 20 ngày công bố tờ trình, Bộ LĐ-TB&XH đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người dân và các địa phương nên đã tiếp thu, điều chỉnh lại đề xuất giờ làm việc tại các địa phương để linh hoạt, phù hợp với điều kiện khí hậu mỗi vùng miền.
Cụ thể, phương án một của tờ trình được điều chỉnh lại, giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước. Đối với cơ quan nhà nước cấp trung ương và các đô thị lớn là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).
Đối với cơ quan nhà nước ở địa phương thì thống nhất giờ làm việc mùa hè và mùa đông theo điều kiện địa lý.
Phương án 2 của tờ trình được giữ như hiện hành. Theo đó, thời gian làm việc không quy định trong Bộ luật Lao động mà nêu tại các văn bản hành chính. Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn do Chủ tịch tỉnh quyết.
Trước đó, phương án một trong phiên bản cũ của dự thảo tờ trình được công bố hôm 28/4 nêu, "giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước". Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút.
Lý giải về đề xuất này, cơ quan soạn thảo cho rằng, hiện thời gian áp dụng giờ làm việc trong các cơ quan nhà nước không có sự thống nhất giữa các cơ quan Trung ương và địa phương. Trong khi các cơ quan Trung ương bắt đầu làm việc lúc 8 giờ, thì đa số các địa phương bắt đầu từ 7 giờ vào mùa hè, hoặc 7 giờ 30 với mùa đông. Ban soạn thảo cho rằng, việc thay đổi giờ làm theo phương án đề xuất trên giúp thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, phù hợp hơn với thời gian làm việc của các quốc gia.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia lại cho rằng không nên quy định cứng. Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, cần quy định giờ làm thế nào để giảm ách tắc giao thông, tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân khi đến làm việc tại các cơ quan công quyền.
"Muốn quy định giờ làm việc thì phải có đánh giá các tác động, nhưng dù quy định thế nào cũng phải tạo thuận lợi cho người dân", ông Huân nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Không nên quy định "cứng" giờ làm việc 8h30 với cơ quan hành chính
13:30, 03/05/2019
Giờ làm việc của công chức, viên chức sẽ thay đổi như thế nào?
07:54, 30/04/2019
Có cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội cho rằng: Theo tôi không nên quy định "cứng" về thời gian bắt đầu làm việc. Như vậy, nó bộc lộ nhiều nhược điểm như tạo sức ép rất lớn về giao thông, hoặc các địa phương thường làm việc từ 7h30, nếu 8h30 mới bắt đầu thì quá muộn.
Theo bà Hương, tư duy quản lý tập trung không hiệu quả trong nền kinh tế thị trường, kinh tế chia sẻ. Hiện, nhiều quốc gia cho phép người lao động tự chọn giờ làm việc linh hoạt, miễn sao làm đủ 8 tiếng, đảm bảo năng suất.
"Quy định này không cần thiết đưa vào luật. Việc quy định giờ làm việc nên giao cho UBND các tỉnh xem xét", bà Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh.
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thậm chí còn cho rằng, nên tạo ra cơ chế linh hoạt cho người lao động.
Kinh nghiệm trước đây từ việc áp dụng lệch giờ học giờ làm tốt hơn cho việc điều tiết giao thông, giảm sức ép lên kết cấu hạ tầng. Nếu tất cả mọi người cùng tập trung trên đường để đến cơ quan trong một khung giờ nhất định, thì sức ép lên kết cấu hạ tầng là rất lớn, đặc biệt đối với Hà Nội, TP.HCM là hai địa phương tập trung đông cơ quan hành chính và có lượng dân số rất đông, rất dễ dẫn đến ùn tắc.
Về thời gian nghỉ trưa như Dự thảo Bộ luật Lao động quy định 60 phút/ngày, các chuyên gia đều cho rằng quy định này không mới vì luật hiện hành cũng quy định nghỉ trưa 60 phút. Còn thực tế, có nơi nghỉ 90 phút, có nơi nghỉ 120 phút, nhưng người lao động vẫn đảm bảo làm đủ 8 giờ/ngày.