Bất cập quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài

Hồng Hương 21/05/2019 19:00

“Dù lãi suất của vốn ODA rất thấp nhưng có nhiều khoản vay đi kèm theo những điều khoản ràng buộc mang lại bất lợi cho người sử dụng vốn”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chia sẻ cùng phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp bên hành lang Quốc hội về những bất cập trong quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài (ODA).

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Tại Báo cáo Kiểm toán 2018 có nội dung nhắc tới việc vay và sử dụng vốn vay nước ngoài (ODA) nhưng chưa hiệu quả, khiến việc vay vốn ODA từ rẻ lại trở thành đắt.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng chi phí trả lương chuyên gia tư vấn rất cao, thủ tục kéo dài, cùng với đó phương thức thanh toán, tính thuế sai quy định,… khiến cho việc vay vốn ODA từ rẻ lại trở thành đắt.

Có thể bạn quan tâm

  • ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình): Ngành giáo dục cần xóa tư duy cái gì cũng sợ!

    ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình): Ngành giáo dục cần xóa tư duy cái gì cũng sợ!

    18:06, 21/05/2019

  • Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc: Cần tránh “trăm hoa đua nở”

    Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc: Cần tránh “trăm hoa đua nở”

    17:15, 21/05/2019

  • Ông chủ Nhật Cường bỏ trốn, hệ thống dịch vụ công của Hà Nội sẽ ra sao?

    Ông chủ Nhật Cường bỏ trốn, hệ thống dịch vụ công của Hà Nội sẽ ra sao?

    17:08, 21/05/2019

  • Triết lý thêm lần lỡ hẹn trong “dòng chảy” giáo dục

    Triết lý thêm lần lỡ hẹn trong “dòng chảy” giáo dục

    17:07, 21/05/2019

Nhận định về nội dung trên, ông Hoàng Văn Cường cho rằng: "Chúng ta đang trong quá trình phát triển nên rất thiếu vốn và kể cả mặt công nghệ và kỹ thuật. Chính vì vậy, khi chúng ta cần huy động những nguồn vốn đầu tư phát triển, đó là vốn ODA. Tuy nhiên, trong quá trình huy động vốn ODA, bên cạnh những mặt được đó là chúng ta chứng kiến rất nhiều công trình hạ tầng hiện đại từ những nguồn vốn ODA, song  bên cạnh đó cũng có nhiều mặt tồn tại trong quá trình huy động nguồn vốn này", ông Cường cho biết.

ĐB Cường nêu ví dụ, mặc dù lãi suất của vốn ODA rất thấp, nhưng có nhiều khoản vay đi kèm theo những điều khoản ràng buộc mang lại bất lợi cho người sử dụng vốn, như: chúng ta phải để cho nhà thầu của nơi cấp vốn đó được nhận thầu hoặc chúng ta phải mua thiết bị, thậm chí phải thuê các chuyên gia tư vấn của họ… Tất cả những đó đều phải trả với giá rất cao. Chính điều đó làm cho chi phí vốn đội lên rất cao mặc dù lãi suất có thể là thấp. Đó chính là điều mà hiện nay chúng ta đang cho là bất cập từ câu chuyện huy động vốn ODA.

Theo ĐB Cường, để điều chỉnh hạn chế vấn đề này, chúng ta cần phải cân nhắc 3 vấn đề. Trước hết là việc đàm phán vay vốn. Theo đó, vay vốn ở lĩnh vực nào thực sự cần thiết để có thể sử dụng được các công nghệ; thứ hai là trong quá trình đàm phán, cần phải loại bỏ những ràng buộc của những nước cấp vốn về việc cung cấp thiết bị cấp công nghệ cũng như ràng buộc về nhà thầu hoặc việc sử dụng chuyên gia.

“Nếu như những yếu tố đó mà chúng ta thấy rằng không mang lại lợi ích thì phải loại bỏ ra khỏi quá trình đàm phán trong hợp đồng và nếu làm được việc đó thì tôi nghĩ rằng vẫn có thể huy động được nguồn vốn ODA tốt để giúp cho quá trình phát triển của đất nước” - ĐB Cường nói.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 ngày 5/10/2018 về một số nhiệm vụ giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.

Theo đó, căn cứ đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ ý kiến kết luận của Quốc hội, UBTVQH và chỉ đạo của Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Đầu công báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch đầu tư công 5 năm và hàng năm đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo tiến độ quy định tại Luật Đầu tư công.

Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện giải ngân và hiệu quả của các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài theo quy định của pháp luật, trong đó: Những dự án chưa triển khai khi chưa xác định rõ hiệu quả thì có thể tạm dừng để rà soát, đánh giá lại; những dự án đã triển khai, cần đánh giá giữa giai đoạn thực hiện, nhận diện những vướng mắc, bất cập để kịp thời khắc phục; những dự án đã kết thúc, cần đánh giá toàn diện hiệu quả thực tế của dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 6/11/2018.

Hồng Hương