Làm sao để các dự án ODA không còn “đắt đỏ”?
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, khả năng thỏa thuận hợp tác và đương nhiên không thể thiếu vắng yếu tố lợi ích khiến nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA của Việt Nam rơi vào thế lệ thuộc và chịu thiệt.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nhược điểm trong các dự án ODA, đặc biệt là ODA song phương, là tình trạng đội vốn. Theo đó, năng lực, khả năng thỏa thuận hợp tác và đương nhiên không thể thiếu vắng yếu tố lợi ích khiến nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA của Việt Nam rơi vào thế lệ thuộc và chịu thiệt.
Dự án đội vốn 3.800%
"Năng lực thiết kế dự án còn hạn chế, thường bị dẫn dắt, phụ thuộc vào nhà tài trợ vốn. Cách thức quen thuộc là khi các nhà tài trợ vốn muốn cho vay vốn họ phải vẽ ra những dự án lớn, hay nói cách khác là xây dựng ra nhu cầu sử dụng vốn mà điển hình như với Việt Nam là dự án đường sắt Việt Nam, tàu cao tốc,... cùng với những lời thuyết trình "đường mật" về một tiềm năng tương lai tốt đẹp”, ông Cường nói.
Trong khi đó, việc Chính phủ đi vay và phân bổ vốn cho các địa phương, khiến địa phương không phải chịu áp lực trả nợ, trả lãi. Tư duy có dự án là có GDP, có dự án là có lợi, khiến nhiều doanh nghiệp, địa phương nhắm mắt nhận bừa, miễn sao có được dự án, vay được là có tiền, không chú trọng đến hiệu quả cũng như khả năng trả nợ của dự án.
Kết quả khi nhận dự án, nhiều đơn vị hưởng thụ vốn rơi vào bị động, không kiểm soát được quá trình triển khai, thực hiện dự án dẫn tới những sai sót, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng.
Trên thực tế, tình trạng các dự án đầu tư công "đội" vốn diễn ra nhiều năm nay. Trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 2018 mới đây, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tình trạng đội vốn ở một loạt các dự án, phổ biến là xác định tổng mức đầu tư thiếu chính xác, kéo theo điều chỉnh (đội vốn) nhiều lần, điều chỉnh giá trị lớn, “cá biệt” có dự án đội vốn lên tới 3.834% như dự án Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) từ 7 tỷ đồng lên 275 tỷ đồng.
Tương tự, dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh tăng 3.956 tỷ đồng, tương đương 233%. Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận tăng 2.687 tỷ đồng, tương đương 105%.
Các dự án tăng vốn nhiều lần như dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi tăng vốn 3 lần gần 150 tỷ đồng. Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh tăng vốn 6 lần với gần 4.000 tỷ đồng. Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận tăng vốn 3 lần với gần 2.700 tỷ đồng...
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, do quá trình khảo sát ban đầu không kỹ, từ đó quá trình thi công phải điều chỉnh, khiến không chỉ vốn tăng lên mà thời gian thực hiện dự án kéo dài ra.
Một nguyên nhân cơ bản nữa được vị đại biểu chỉ ra là do trong quá trình xây dựng dự án, thường ta phụ thuộc quá nhiều vào đối tác cung cấp vốn. Với nhà cung cấp vốn, ta thường để yếu tố bất lợi về phía chúng ta khi làm hợp đồng.
Ví dụ khi nhận vốn ODA song phương, thường đi kèm điều kiện nhà thầu của các nước trong giới hạn của đơn vị cấp vốn. Thiết bị kỹ thuật nguyên vật liệu thường cũng của các nước đó bán. Thậm chí, ta phải sử dụng tới đội ngũ nguyên gia của nước đó với giá cao.
"Đôi khi những dự án ODA ta vay với lãi suất có vẻ thấp nhưng tổng chi phí lại thành cao. Như người ta nói, vốn giá rẻ lại thành giá đắt", ông Cường nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao nhiều dự án ODA đội vốn nghìn tỷ?
15:58, 23/05/2019
Hàn Quốc tăng gấp 2 lần ODA cho Việt Nam
00:00, 20/05/2019
Tháo gỡ khó khăn khi thực hiện ODA Nhật Bản
03:19, 27/02/2019
Rủi ro hoà vốn ODA vào ngân sách Nhà nước do thủ tục pháp lý
08:49, 27/01/2019
Vì sao Đà Nẵng từ chối ODA Nhật Bản trong xây dựng nhà máy nước Hòa Liên?
12:00, 20/11/2018
Quy trách nhiệm đơn vị nhận vốn ODA
Để thay đổi sự lệ thuộc đó, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, việc Việt Nam phải huy động vốn ODA là cần thiết vì đang cần đầu tư nhiều, thiếu vốn. Tuy nhiên, cần phải thay đổi phương thức.
Trước hết, phải tăng vai trò, trách nhiệm của đơn vị nhận vốn ODA. Không phải nhận vốn rồi sau này hiệu quả không quan tâm. Đồng thời, phải tăng yếu tố tự vay tự trả, không thể nhận vốn rồi trách nhiệm trả lại của Nhà nước. Khi tăng phần tự vay tự trả thì đơn vị nhận vốn sẽ có trách nhiệm hơn để thiết kế dự án, thảo thuận điều khoản để làm sao ít bất lợi nhất cho người sử dụng vốn.
Cùng với đó, với dự án dùng vốn ODA thuộc diện 100% Nhà nước tự vay tự trả thì ta phải tăng cường vai trò của cơ quan trong nước trong việc thiết kế dự án để tránh sai lệch trong triển khai. Ngoài ra, quá trình thỏa thuận phải tránh lệ thuộc vào những điều khoản bất lợi như thời gian vừa qua.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng kiến nghị quy trách nhiệm rõ cho các đơn vị tư vấn, lập dự án. “Lập dự án mà phát sinh các vấn đề khi triển khai thì trách nhiệm cơ quan tư vấn lập dự án phải xử lý nhưng thực tế ta chưa bao giờ xử lý các cơ quan này. Do vậy, người ta cứ lập dự án xong họ hưởng thù lao, quá trình triển khai có trách nhiệm ra sao thì chưa nhiều", ông Cường cho biết.
Phải cho nhà thầu tham gia quá trình khảo sát các phương án triển khai. Khi đã có đơn vị nhận thầu thì sự thay đổi, sự phát sinh phải hạn chế tối thiểu. Nếu thiết kế đúng, khảo sát đúng, phê duyệt dự án đúng nhưng quá trình thi công làm phát sinh thì đơn vị thi công phải tự chịu trách nhiệm.
"Ta không truy cứu trách nhiệm, nên các cơ quan tư vấn, phê duyệt làm cho xong, làm sao được nhận vốn, khi phê duyệt rồi điều chỉnh. Thậm chí người ta biết trước sẽ phải điều chỉnh nhưng vẫn đưa ra mức vốn ban đầu thấp để được phê duyệt nhanh. Vì vốn cao dự án có thể sang nhóm khác, cấp phê duyệt khác nên chậm. Vì thế, người ta cố tình làm để có dự án", ông đánh giá.