Vì sao nhiều dự án ODA đội vốn nghìn tỷ?

Anh Duy 23/05/2019 15:58

Đội vốn hàng ngàn tỉ, đàm phán với nhiều quy định bất lợi trong khi đơn giá vật tư đặc thù cao... đã biến nhiều dự án vay vốn ưu đãi ODA trở nên đắt đỏ.

Trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 2018, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, các dự án ODA còn bộc lộ nhiều bất cập như hiệu quả sử dụng chưa tương xứng, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Các định mức, đơn giá vật tư đặc thù quá cao, tổng mức đầu tư thay đổi nhiều lần, giải ngân chậm.

Kết quả kiểm toán 09 chương trình, 23 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 21.725 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán 09 chương trình, 23 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 21.725 tỷ đồng.

Đội vốn “khủng” do điều chỉnh tiêu chí

Nguyên nhân của tình trạng này được Kiểm toán Nhà nước đưa ra là do các bất cập tại một số dự ODA, như việc đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài. Hay phải sử dụng hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc từ bên cho vay với đơn giá vật tư đặc thù quá cao, tổng mức đầu tư thay đổi nhiều lần. Cùng một số những ràng buộc bất lợi khác được kể tới như việc phải sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao. 

“Những tồn tại xảy ra ở hầu hết các dự án được thực hiện triển khai giai đoạn trước như Cát Linh - Hà Đông, Bến Thành - Suối Tiên... Vướng mắc chủ yếu có liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân, thủ tục rườm rà khiến dự án bị kéo dài thời gian, đội vốn, thậm chí phải bồi thường cho nhà thầu nước ngoài”, ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) nhận định thực tế.

Trên thực tế, trong 42 dự án của Bộ Giao thông vận tải có 27 dự án đội vốn, thêm 122.350 tỷ đồng và 97,27 triệu USD. Nhiều dự án điều chỉnh quy mô, giá trị điều chỉnh lớn so với phê duyệt lần đầu. Như Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. HCM điều chỉnh vốn 3 lần, tăng hơn 6.800 tỷ đồng (tương đương 275,61%) so với ban đầu. Dự án Kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kông điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng 3.000 tỷ đồng. Dự án Thủy điện Huội Quảng đội vốn gần 5.800 tỷ đồng. 

Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư hơn 29.900 tỷ đồng (tương đương 172,2%). Thậm chí, có dự án điều chỉnh liên quan đến các tiêu chí quan trọng quốc gia khi chưa báo cáo Thủ tướng để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội. Đơn cử như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng hơn 200% từ 8.770 tỷ đồng lên 18.000 tỷ đồng. Hoặc có cả tình trạng, một số dự án được điều chỉnh không đúng thẩm quyền, chưa đảm bảo quy định.

Cùng với đó, những nguyên nhân khiến các dự án đội vốn được chỉ ra là do chi phí ràng buộc lớn. Các dự án ODA sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao gấp 7-10 lần so với trong nước. Dự án tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí gấp 8,5 lần tư vấn trong nước. Cầu Vĩnh Thịnh trên quốc lộ 2C gấp 7,8 lần, dự án Vramp gấp 7 lần.

Dự án Cải thiện môi trường nước TP. HCM, lưu vực Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ dùng tư vấn đắt gấp 10 lần. Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi gấp 11 lần...

Việc thuê chuyên gia nước ngoài cũng có mức lương cao hơn chuyên gia trong nước. Trong khi lương của chuyên gia tư vấn thiết kế trong nước trung bình 2.000USD/tháng thì chuyên gia nước ngoài là 20.00 – 25.000 USD/tháng. Đơn cử tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tư vấn giám sát do bên tài trợ vốn (Trung Quốc) chỉ định, phía Việt Nam không thể thay thế.

Việc phải thanh toán phần trong nước bằng tiền nước ngoài cũng khiến chi phí tăng lên. Dự án đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình vay từ nguồn EDCF quy định thanh toán phần nội tệ bằng đồng won làm tăng giá trị vay 2.750 triệu won, tương đương gần 54 tỷ đồng. Dự án cầu Vĩnh Thịnh tăng 703 triệu won,tương đương 13,4 tỷ đồng.

Chi phí cố định cao

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra các dự án ODA đàm phán nhiều điều khoản bất lợi trong hợp đồng. Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên thay đổi tỷ lệ bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo hành giảm xuống, có lợi cho nhà thầu. Khi chậm tiến độ, nhà đầu tư dự án này sẽ được đưa ra yêu cầu về chi phí, khoản chi phí gián tiếp cố định là 29% cho các hạng mục phát sinh. Chi phí tư vấn của dự án này cũng cao hơn so với mức trần của JICA

Bên cạnh đó, việc đàm phán, ký hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài. Cơ quan kiểm toán dẫn chứng dự án Cát Linh - Hà Đông phải chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc hơn 13.700 tỷ đồng chiếm 77% tổng mức đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

  • Kiểm toán Nhà nước cần khắc phục chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán

    Kiểm toán Nhà nước cần khắc phục chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán

    09:06, 23/05/2019

  • Kiểm toán nhà nước: Các dự án BOT, BT gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng

    Kiểm toán nhà nước: Các dự án BOT, BT gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng

    17:30, 20/05/2019

  • Mở rộng đối tượng kiểm toán là người nộp thuế: Chưa phù hợp

    Mở rộng đối tượng kiểm toán là người nộp thuế: Chưa phù hợp

    06:06, 20/05/2019

Các hợp đồng của dự án ODA có điều khoản ràng buộc sử dụng hàng hóa dịch vụ có nguồn gốc từ bên cho vay như tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, 30% hàng hóa từ Nhật Bản, nhà thầu chính cũng phải là nhà thầu nước này.

Nhiều dự án khi phê duyệt văn kiện còn hạn chế phải hủy bỏ hoặc giá trị thực hiện thấp, có trường hợp phải điều chỉnh bổ sung hiệp định.

Sử dụng ODA ngày càng bất lợi

Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng các dự án ODA sẽ ngày càng "đắt đỏ", thậm chí sử dụng vốn ODA cho phát triển hạ tầng sẽ ngày càng ít thuận lợi. Nói như TS Nguyễn Xuân Thành, giám đốc phát triển trường Đại học Fulbright Việt Nam, trong giai đoạn này, việc sử dụng vốn ODA phát triển cơ sở hạ tầng ngày càng ít thuận lợi hơn, với các lý do thứ nhất, lãi suất của Việt Nam không còn được hưởng ở mức như lúc còn là nước thu nhập thấp, so với bây giờ là nước có thu nhập trung bình. 

Thứ hai, khi sử dụng vốn ODA - thực chất là viện trợ có ràng buộc - tức là có điều kiện buộc Việt Nam phải sử dụng tư vấn, nhà thầu với chi phí đắt hơn so với việc không bị ràng buộc, nên các dự án ODA chi phí đầu tư phải nói là cao. Cộng với, thời gian chuẩn bị, thủ tục để thực hiện dự án rất lâu. 

Với ba yếu tố này, theo ông Thành, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khi đã chuyển đổi được sang là nước có thu nhập trung bình, nên tìm kiếm các nguồn vốn ngoài ODA để phát triển. "Thậm chí nhiều nước ngay từ đầu, họ đã ít nghĩ và dùng đến nguồn vốn ODA", ông Thành nhấn mạnh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao nhiều dự án ODA đội vốn nghìn tỷ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO