Công bố biểu thuế xuất nhập khẩu, giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan
Việc sớm công bố các biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được những ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do.
Để triển khai thực hiện cam kết về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Việt Nam theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo từng giai đoạn đã được Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ.
Kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, vấn đề thuế, hải quan được các doanh nghiệp hết sức quan tâm. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu muốn biết được lộ trình cắt giảm thuế xuất cụ thể để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp còn doanh nghiệp nhập khẩu muốn nắm bắt mức thuế giảm khi nhập khẩu ra sao để tính toán sao cho có lợi nhuận nhất.
Ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP, trước mắt là cho giai đoạn từ ngày 14/1/2019 đến hết ngày 31/12/2022. Dự kiến, Nghị định sẽ được ban hành vào tháng 6 tới. Trong biểu thuế này Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đưa ra biểu so sánh thuế suất theo các FTA so với CPTPP để doanh nghiệp lựa chọn các mức thuế suất ưu đãi phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Thách thức về sở hữu trí tuệ khi tham gia CPTPP
13:05, 29/05/2019
Nông, thủy sản ĐBSCL đứng ở đâu trong CPTPP?
07:24, 23/05/2019
Doanh nghiệp nắm chắc CPTPP: vượt thách thức, chớp cơ hội
15:30, 09/05/2019
Tăng xuất khẩu tôm vào Canada: Cơ hội từ CPTPP
11:00, 07/05/2019
Ngành dệt may cần làm gì để khai thác hiệu quả cơ hội từ CPTPP?
00:44, 06/05/2019
Ông Thăng cũng cho hay, biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi bao gồm 2 nhóm nước là những nước đã thực hiện CPTPP từ cuối năm 2018 (gồm Canada, Úc, New Zealand và Singapore) và nhóm nước thực hiện từ năm 2019. Theo đó, khi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá thì cần đọc biểu thuế để nắm được lộ trình giảm thuế. Ví dụ như hàng hoá nhập từ Úc thì lộ trình áp dụng là năm thứ hai, trong khi nhập từ Mexico thì lộ trình là năm thứ nhất.
Biểu thuế này dự kiến sẽ có khoảng 300 mặt hàng có mức thuế cắt giảm sâu hơn mức thuế thông thường. Tuy nhiên, để được áp dụng thuế suất ưu đãi doanh nghiệp phải có C/O ưu đãi. Và C/O trong CPTPP là chứng từ chứng nhận xuất xứ có thể được cấp cho nhiều lô hàng với điều kiện không quá 12 tháng và có thể cấp cho nhiều nhà nhập khẩu khác nhau.
Cam kết cắt giảm thuế của các nước thành viên sẽ là cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Đơn cử, Canada xóa bỏ ngay thuế quan đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt các sản phẩm chủ lực của Việt Nam bao gồm: Cá tra (tươi, ướp lạnh, phile, chế biến), tôm, cá hồi (tươi, ướp lạnh, phile, chế biến), cá ngừ, cá kiếm, cua, mực… Hay gạo và sản phẩm chứa gạo, cà phê, chè xanh, rau hoa quả… cũng được xóa bỏ phần lớn thuế quan ngay thời điểm bắt đầu triển khai cam kết. Ngoài ra, dệt may và da giày được cho là hưởng lợi nhiều nhất.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện doanh nghiệp xuất khẩu hai mặt hàng dệt may và da giày đang tận dụng rất tốt quy tắc xuất xứ theo quy định của CPTPP khi xuất khẩu sang thị trường Canada. Còn tại thị trường Nhật Bản, đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam trong đó có tôm đông lạnh (HS 030617) và tôm chế biến (HS 160521) được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, các mặt hàng như cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ... cũng được hưởng thuế suất 0%.
Kỳ vọng về biểu thuế xuất nhập khẩu, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, việc sớm công bố các biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được những ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do.
Mặc dù thuế đã giảm nhưng Bộ Công Thương cho rằng, thuế nhập khẩu cũng chỉ là một trong những ưu đãi cho hàng hoá của Việt Nam khi vào các thị trường. Việc hàng hoá có xuất khẩu được hay không sẽ phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu cũng như các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa.
Để được hưởng ưu đãi trong CPTPP, doanh nghiệp cần lưu ý xem nước mà mình xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hoá đã thực thi hiệp định CPTPP hay chưa vì hiện tại mới chỉ có 6 nước phê chuẩn và thực thi hiệp định này. Trong thời gian tới, nếu có thêm các nước khác phê chuẩn và thực hiện CPTPP thì Bộ Tài chính sẽ công bố lộ trình tiếp.