Thách thức về sở hữu trí tuệ khi tham gia CPTPP

Huyền Trang 29/05/2019 13:05

Ông Nguyễn Ngọc Hà, giảng viên Đại học Ngoại Thương khẳng định Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi sẽ tạo ra các thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ: Không đặt thêm thủ tục hành chính

    11:01, 25/05/2019

  • Cam kết sở hữu trí tuệ phức tạp nhất CPTPP

    04:50, 21/05/2019

  • Dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ “vượt trần” cam kết CPTPP

    06:16, 06/05/2019

-So với cam kết về sở hữu trí tuệ trong các FTA khác, cam kết sở hữu trí tuệ trong CPTPP có điểm nào đặc biệt? Thưa ông?

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết nhiều FTA thế hệ mới có hàm chứa các quy định về sở hữu trí tuệ, tuy nhiên, CPTPP có thể được coi là một trong những FTA mà ở đó Việt Nam phải thực thi những quy định có tiêu chuẩn cao nhất trong lĩnh vực này.

Các điểm đặc biệt mà cũng đồng thời tạo ra các thách thức không nhỏ đối với Việt Nam của các quy định về sở hữu trí tuệ trong CPTPP có thể kể đến như nghĩa vụ về gia nhập một số điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ (như Hiệp ước Budapest về Công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm các mục đích trong thủ tục về sáng chế năm 1977, Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới về quyền tác giả năm 1996, Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới về buổi biểu diễn và bản ghi âm năm 1996); bảo hộ đối với nhãn hiệu bằng mùi, bằng âm thanh; bảo hộ dưới dạng sáng chế đối với dữ liệu thử nghiệm bí mặt hoặc dữ liệu bí mật khác đối với nông hóa phẩm có chứa một thành phần hóa học (như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…); quy định cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ rất chặt chẽ, trong đó có cả nghĩa vụ xây dựng các chế tài hình sự để xử lý các hành vi xuất khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trong phạm hành vi phân phối, hành vi nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa sau lậu quyền tác giả và quyền liên quan trong phạm vi hành vi phân phối, hành vi liên quan đến tem nhãn, bao bì giả mạo…

Dù CPTPP đã tạm hoãn 10 cam kết rất cao về sở hữu trí tuệ của TPP, những quy định còn lại vẫn sẽ đặt ra những khó khăn không nhỏ cho Chính phủ hay doanh nghiệp của Việt Nam khi thực thi.

 Dù CPTPP đã tạm hoãn 10 cam kết rất cao về sở hữu trí tuệ của TPP, những quy định còn lại vẫn sẽ đặt ra những khó khăn không nhỏ cho Chính phủ hay doanh nghiệp của Việt Nam khi thực thi.

Dù CPTPP đã tạm hoãn 10 cam kết rất cao về sở hữu trí tuệ của TPP, những quy định còn lại vẫn sẽ đặt ra những khó khăn không nhỏ cho Chính phủ hay doanh nghiệp của Việt Nam khi thực thi.

-Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ trên thực tế đã một phần hiện thực những cam kết về sở hữu trí tuệ trong CPTPP với pháp luật Việt Nam. Ông có đánh giá như thế nào về những sửa đổi của Dự thảo luật lần này?

Về cơ bản, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ do Chính phủ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này chủ yếu nội luật hóa một số quy định của CPTPP về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam có nghĩa vụ phải thực thi ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Việc CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/01/2019 và bây giờ, vào kỳ họp tháng 5 này, Quốc hội sẽ thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ để đảm bảo thực thi ngay những cam kết đó thể hiện sự nỗ lực cũng như sự tuân thủ và trách nhiệm rất cao của Việt Nam trong việc thực thi các cam kết quốc tế.

Đây là yếu tố quan trọng tạo nên sự tin tưởng của các quốc gia đối tác và của các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam. Có thể thấy, các quy định mà Việt Nam nội luật hóa lần này chưa phải là những cam kết “khó” nhất đối với Việt Nam về sở hữu trí tuệ trong CPTPP. Theo kế hoạch, các cam kết “khó” đó sẽ được nội luật hóa vào Luật Sở hữu trí tuệ trong năm 2021.

 -Ông có thể chỉ ra một vài bất cập trong Dự thảo lần này?

Đúng là trong Dự thảo lần này đã bộc lộ một số điểm hạn chế mà ban soạn thảo cần phải cân nhắc.

Ví dụ: quy định mới được bổ sung là khoản 4 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ để nội luật hóa Điều 18.74.10 của CPTPP sẽ cho phép tòa án có quyền yêu cầu bên thua kiện phải thanh toán cho bên thắng kiện “chi phí hợp lý để thuê luật sư” có thể gây nhiều khó khăn cho việc xác định mức hợp lý của chi phí thuê luật sư, do đó, gây khó khăn cho tòa án Việt Nam khi, theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, không phải trường hợp nào khoản chi phí này cũng được bồi thường.

Đồng thời, Điều 18.74.10 của CPTPP chỉ yêu cầu áp dụng quy định này tối thiểu cho các vụ tranh chấp về quyền tác giả hoặc quyền liên quan, sáng chế và nhãn hiệu. Trong khi đó, dự thảo  khoản 4 Điều 198 nêu trên cho phép áp dụng quy định này cho mọi tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, một số quy định về chỉ dẫn địa lý (như tại dự thảo khoản 1, khoản 3 Điều 80 ) được cho là đã tạo nên chế độ bảo hộ cao hơn so với cam kết của Việt Nam trong CPTPP…

Bên cạnh những bất cập này, có một vấn đề khá quan trọng chưa được thể hiện rõ trong Dự luật, đó là phạm vi áp dụng về không gian của các quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi.

Tính đến tháng 05/2019, CPTPP đã có hiệu lực đối với 7 quốc gia. Khi CPTPP có hiệu lực đối với 11 quốc gia thành viên, các quy định của CPTPP cũng chỉ được áp dụng, về cơ bản, cho mối quan hệ thương mại của Việt Nam với 10 quốc gia thành viên còn lại.

Tuy nhiên, dường như, các sửa đổi về sở hữu trí tuệ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ lần này không giới hạn phạm vi áp dụng về mặt không gian cho việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi quan hệ của Việt Nam với 10 quốc gia thành viên CPTPP.

Ngược lại, các quy định được sửa đổi trong Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được áp dụng đầy đủ đối với tất cả các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, tức là rộng hơn rất nhiều so với các tổ chức, cá nhân thuộc các quốc gia thành viên CPTPP. Điều này có thể cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp luật tiêu chuẩn cao về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Ngược lại, nó cũng có thể tạo ra những khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi gặp phải sự cạnh tranh của các doanh nghiệp đến từ các quốc gia không phải là thành viên CPTPP nhưng lại được hưởng những ưu đãi của CPTPP.

-Nếu là thành viên trong Ban soạn thảo, ông sẽ sửa đổi những quy định này như thế nào?

Như những phân tích ở trên đã chỉ ra, theo quan điểm của tôi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ cần được nghiên cứu kỹ để có sự điều chỉnh phù hợp về phạm vi áp dụng. Ngoài ra, những quy định tạo nên chế độ bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ cao hơn so với CPTPP cũng cần được xem xét điều chỉnh lại cho hợp lý.

Ví dụ, với dự thảo khoản 4 Điều 198, có thể giới hạn để chỉ áp dụng đối với các tranh chấp về quyền tác giả hoặc quyền liên quan, sáng chế và nhãn hiệu. Sau đó, khi đã có những tổng kết về thực tiễn áp dụng, Việt Nam mới nên xem xét việc mở rộng phạm vi áp dụng của quy định này cho các vụ tranh chấp liên quan đến các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ.  

- Ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp khi thực hiện các cam kết khó bậc nhất CPTPP?

Việc nội luật hóa các quy định của CPTPP về sở hữu trí tuệ sẽ có những tác động tới hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam.

Khi đổi mới, sáng tạo đã trở thành một chủ trương lớn, việc chủ động tuân thủ và vận dụng đúng đắn các quy định của CPTPP không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên CPTPP khác sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được những lợi thế mà các quy định đó mang lại.

Từ đó, họ có thể bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp mà họ có được từ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ theo CPTPP và phát huy chúng để tạo ra các lợi thế cạnh tranh và kinh doanh trên thị trường.

-Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thách thức về sở hữu trí tuệ khi tham gia CPTPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO