Việt Nam khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay?

Anh Duy 29/05/2019 16:26

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cảnh báo, trước những biến đổi kinh tế toàn cầu, nếu không có những thay đổi căn bản, Việt Nam khó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay.

Theo đó, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy, thị trường lao động có thể phải đối mặt với khó khăn từ hoạt động tự động hoá và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, năng suất lao động, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Báo cáo

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố ngày 29/5.

Mở đường thúc đẩy tư nhân

“Chúng tôi khuyến nghị trước mắt Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, tạo nền tảng cho Việt Nam hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số trong tương lai”, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhấn mạnh.

Cụ thể, các khuyến nghị được VEPR đưa ra, thứ nhất, các ngành sản xuất của Việt Nam chủ yếu dựa vào thâm dụng lao động và thâm dụng tài nguyên như ngành dệt may, dày da, gia công lắp ráp sẽ mất dần lợi thế trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Theo ILO (2018b), 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa. Cụ thể có 86% lao động ngành dệt may của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động Indonesia sẽ bị ảnh hưởng.

“Nếu không có những biện pháp nâng cao năng suất lao động cũng như có phương án tổng thể dịch chuyển cơ cấu lao động giữa các ngành trong nền kinh tế, trong tương thời gian tới, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay”, ông Thành nói.

Thứ hai, tốc độ tăng thu ngân sách đang không theo kịp tốc độ tăng của nợ công khiến gánh nặng nợ đang tăng dần.

“Việt Nam đang thiếu “đệm tài khóa” để đối phó với các cú sốc bên ngoài  như nhiều quốc gia khác. Môi trường kinh doanh theo đó cũng khó cải thiện được khi doanh nghiệp và người dân luôn phải đối mặt với nỗi lo tăng thuế, phí để bù đắp cho thâm hụt ngân sách và chi trả nợ công của Chính phủ”, ông Thành phân tích.

Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên, minh bạch và tránh lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công.

Thứ ba, khu vực tư nhân dù chiếm hơn 43% tổng vốn, tăng trưởng duy trì ở mức 18,5% nhưng đa phần chưa thực sự lớn mạnh và còn chịu nhiều rào cản từ môi trường thể chế và kinh doanh trong nước.

“Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh cải cách để thật sự vận hành một nhà nước kiến tạo phát triển”, Viện trưởng VEPR khẳng định.

Thứ tư, việc điều hành tỷ giá cũng được lưu ý, VEPR cho biết sau hơn 3 năm kể từ ngày NHNN công bố áp dụng tỷ giá trung tâm gắn theo 8 đồng tiền, thực tế diến biến biến động của VND/USD trên thị trường ngoại hối cho thấy VND vẫn luôn được gắn theo đồng đôla Mỹ.

"Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, sự đa dạng hóa các đồng tiền trong thanh toán ngày càng gia tăng thì việc áp dụng thực chất hơn nữa tỷ giá trung tâm là rất cần thiết", VEPR cho biết.

Trở thành nơi quản trị toàn bộ chuỗi giá trị toàn cầu

Ngoài ra, trong quá trình hội nhập, Việt Nam sẽ không chỉ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài như những diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, gia tăng hàng rào thương mại, thay đổi chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư…, mà còn phải đối mặt với những thách thức mới như việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU…

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng trưởng kinh tế: Tốc độ hay quy mô?

    Tăng trưởng kinh tế: Tốc độ hay quy mô?

    13:36, 23/05/2019

  • Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt tới 6,9%

    Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt tới 6,9%

    09:44, 17/04/2019

  • Phải tạo động lực tăng trưởng kinh tế mới khi nguồn lực cũ đang cạn kiệt

    Phải tạo động lực tăng trưởng kinh tế mới khi nguồn lực cũ đang cạn kiệt

    03:29, 11/04/2019

  • Thách thức tăng trưởng kinh tế 2019

    Thách thức tăng trưởng kinh tế 2019

    05:04, 31/03/2019

Do đó, yêu cầu Việt Nam cần có những cải cách cao hơn để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế cả về thuế quan, hàng rào phi thuế quan, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, và phát triển bền vững…

Thêm vào đó, các ngành công nghiệp này nằm ở các khâu trung nguồn (midle-stream) của chuỗi giá trị, có nghĩa là chúng đóng góp phần lớn vào tổng giá trị xuất khẩu, nhưng tạo ra giá trị gia tăng rất nhỏ cho nội địa. Viện trưởng VEPR đánh giá, Việt Nam cần nhanh chóng trở thành nơi quản trị toàn bộ chuỗi giá trị toàn cầu chứ không đơn thuần chỉ tham gia một vài khâu được điều khiển bởi các công ty đa quốc gia như hiện tại.

“Nâng cấp doanh nghiệp trong chuỗi giá trị bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa nâng cao kỹ năng, năng lực đổi mới sáng tạo và thực tiễn quản lý bên trong nhằm có khả năng ứng dụng được các phương thức sản xuất mới với năng suất cao hơn”, ông Thành nhấn mạnh.

Cùng với đó, cần phải gắn kết phát triển chiến lược lắp ráp với chiến lược phát triển năng lực công nghiệp nội địa và nền tảng công nghệ quốc gia bằng cách tăng liên kết trong nước với nước ngoài, giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào trong nước bởi khả năng kết nối của quốc gia với thị trường toàn cầu về hàng hoá và dịch vụ.

Anh Duy