Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận dự báo chưa sát dẫn tới "loạn" quy hoạch
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện tượng điều chỉnh đã diễn ra với 30% quy hoạch được phê duyệt, chủ yếu ở các thành phố lớn.
Trả lời phiên chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, nhiều thành phố như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hạ Long… có tỉ lệ điều chỉnh quy hoạch cao.
"Đua nhau" điều chỉnh quy hoạch
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ trưởng với vấn đề quy hoạch tại đô thị? Giải pháp cho vấn đề này? Quan điểm của Bộ trưởng với việc xử lý nhà 8B Lê Trực và chung cư HH Linh Đàm?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận, quy hoạch đô thị thời gian qua vốn là công cụ quản lý quan trọng nhất nhưng chất lượng quy hoạch còn thấp.
“Trong một số quy hoạch, nhà nước dự báo chưa sát tốc độ tăng trưởng, tình hình tăng dân số dẫn tới tính toán sai về dân số, chỉ tiêu hạ tầng… nên những dự án đầu tư thiếu căn cứ quy hoạch”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, “vấn nạn” thành phố ùn tắc trầm trọng do việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch dự án “chạy” theo ý nhà đầu tư đã được mổ xẻ, phân tích ngay đầu kỳ họp này của Quốc hội, trong báo cáo kết quả cuộc giám sát tối cao của Quốc hội về việc quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, hàng loạt dự án tại Hà Nội đã được dẫn chứng cho tình trạng điều chỉnh quy hoạch, dồn dự án vào nội đô, thậm chí một số nhà đầu tư “găm” đất để xin điều chỉnh quy hoạch nhằm hưởng lợi từ chênh lệch địa tô.
Bộ trưởng Xây dựng thừa nhận chất lượng quy hoạch nhìn chung còn thấp, các biểu hiện cụ thể là một số quy hoạch thiếu tầm nhìn xa, một số nội dung thiếu khả thi, chưa tính toán đầy đủ và thiếu các nguồn lực thực hiện. Chưa đồng bộ, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng…). Chưa gắn kết giữa việc thực hiện quy hoạch, thực hiện dự án đầu tư với kế hoạch vốn đầu tư trung hạn và hàng năm.
Thời gian lập đồ án quy hoạch thường kéo dài so với quy định (từ 6-12 tháng đối với từng loại quy hoạch). Quy định về công bố công khai quy hoạch chưa được tuân thủ nghiêm túc, thực hiện còn mang tính hình thức, không đảm bảo yêu cầu. Việc triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa rất chậm, tỷ lệ thực hiện bình quân cả nước mới đạt 10-15% yêu cầu. Tại Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ thực hiện cắm mốc cũng chỉ đạt từ 5 – 10%.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nay, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung chiếm khoảng 30% quy hoạch được phê duyệt, chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn có mức tăng trưởng cao, đô thị hóa nhanh, như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh).
Có thể bạn quan tâm
Lệch lạc trong xử lý vi phạm xây dựng gây bức xúc
15:12, 04/06/2019
Quy hoạch đô thị "nham nhở" đè nén áp lực giao thông
11:00, 03/06/2019
Luật Quy hoạch: Đại biểu Quốc hội “vênh” quan điểm
11:35, 31/05/2019
Bộ trưởng xác nhận, tình trạng điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch chi tiết diễn ra khá phổ biến hơn.
Hỗ trợ Hà Nội xử lý dự án 8B Lê Trực
Bên cạnh vấn đề quy hoạch, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cũng đặt vấn đề về việc xử lý nhà 8B Lê Trực và chung cư HH Linh Đàm với Vị “Tư lệnh” ngành Xây dựng.
Cùng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) đề cập việc nhiều năm qua đã có tình trạng những khu đô thị nhiều “không”: không cơ sở hạ tầng, không bệnh viện, trường học, nhà siêu mỏng siêu méo mọc dọc các con đường do quy hoạch chưa ổn. Đến khi nào Quốc hội không phải nhận những thông tin đó?
Theo đó, Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có cam kết trách nhiệm trong phối hợp với TP Hà Nội để xử lý dứt điểm vi phạm tại toà nhà 8B Lê Trực và khu HH Linh Đàm.
Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định "xử lý vi phạm các dự án này là trách nhiệm xử lý của TP Hà Nội".
Bộ trưởng cho biết Hà Nội đang phá dỡ phần vi phạm theo giấy phép. Khi cưỡng chế phá dỡ phần theo chiều ngang, có liên quan đến kết cấu và tính chịu lực của công trình. "Ở phần này, Bộ Xây dựng sẵn sàng giúp TP Hà Nội nếu được yêu cầu để có đánh giá chính xác và đưa ra phương án xử lý cho tốt hơn", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.
Với vi phạm tại dự án HH Linh Đàm, Bộ trưởng Hồng Hà một lần nữa quả quyết: “Tôi xin nói thẳng, khu HH Linh Đàm, vi phạm là rõ và trách nhiệm xử lý là của Hà Nội chứ không phải Bộ Xây dựng”.
Giải pháp thời gian tới, theo Bộ trưởng là nâng cao chất lượng quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn hạn chế được những tồn tại này nếu có được sự phối hợp của các cơ quan, sự đồng tình của nhân dân, Bộ trưởng tin những vấn đề sẽ được kiểm soát dần.
Về việc trật tự xây dựng thường bị vi phạm, Bộ trưởng khẳng định quy định pháp luật hiện tại khá đầy đủ để xử lý tình trạng đó.